Cần hơn 738.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ

Hạ Tầng Đông Nam Bộ
16:40 - 18/07/2023
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng - Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng - Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết theo quy hoạch, vùng Đông Nam Bộ cần khoảng 738.500 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 342.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 396.500 tỷ đồng.

Tham luận về vấn đề thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam bộ tại Hội nghị diễn ra ngày 18/7, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua, Bộ đã phối hợp với các địa phương đầu tư và đưa vào khai thác 103 km đường cao tốc, gồm: cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP HCM - Trung Lương.

3 tuyến cao tốc đang thi công có tổng chiều dài 178 km, gồm: Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 TP HCM, Biên Hòa - Vũng Tàu. Đồng thời, chuẩn bị khởi công 3 tuyến dài 126 km, gồm: Chơn Thành - Đức Hòa, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc. Phấn đấu đến 2025 sẽ có trên 400 km đường cao tốc đưa vào khai thác tại vùng Đông Nam Bộ.

Về đường sắt, hiện triển khai nâng cấp, cải tạo đường sắt Thống Nhất đoạn Nha Trang - TP HCM; đẩy nhanh tiến độ các dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TP HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành.

"Tuy vậy, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ còn thiếu và chưa đồng bộ. Các tuyến Vành đai 3, 4 chưa hoàn chỉnh; tiến trình xây dựng đường sắt đô thị tại TP. HCM còn chậm nên chưa giải quyết triệt để được ùn tắc giao thông nội đô…", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận.

Theo đó, dựa trên quy hoạch, dự kiến nhu cầu vốn để đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng của vùng Đông Nam Bộ khoảng 738.500 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 3030.

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 342.000 tỷ đồng (ngân sách trung ương 60.800 tỷ đồng; ngân sách địa phương 29.700 tỷ đồng; vốn của doanh nghiệp Nhà nước 109.000 tỷ đồng; vốn huy động nhà đầu tư 142.500 tỷ đồng). Giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu vốn khoảng 396.500 tỷ đồng.

"Các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa sẽ được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn này", Bộ trưởng khẳng định.

Theo đó, về giao thông đường bộ, tập trung hoàn thiện đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cao tốc nối TP HCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP HCM.

Cụ thể, hoàn thành đường Vành đai 3, Vành đai 4, Bến Lức - Long Thành, TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, Chơn Thành - Đức Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa.

Đồng thời, tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy hoạch.

Về đường sắt, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu đầu mối TP HCM hiện có để nâng cao hiệu quả khai thác đường sắt. Tiếp tục đầu tư đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị ở TP HCM.

Người đứng đầu ngành GTVT cũng thông tin, sẽ nghiên cứu sớm đầu tư 3 tuyến đường sắt, gồm: Thủ Thiêm - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu (nối TP HCM, Đồng Nai với thành phố Vũng Tàu ra cảng Cái Mép - Thị Vải), TP HCM - Cần Thơ.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua địa phận TP.HCM.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua địa phận TP.HCM.

"Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư"

Để đạt các mục tiêu trên, Bộ trưởng GTVT cho rằng cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó cần sớm hoàn thiện các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và tích hợp đầy đủ, thống nhất và đồng bộ với 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải.

Trên cơ sở đó, xây dựng danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, trong đó huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước với mục tiêu "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", tập trung các dự án giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng.

"Đề xuất cần có cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội tương tự như một số cơ chế, chính sách thí điểm của TP HCM đã được Quốc hội thông qua", Bộ trưởng đề nghị.

Trong đó, một số chính sách cụ thể được Bộ trưởng GTVT nêu ra tại hội nghị như việc phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương có năng lực thực hiện dự án liên vùng; tăng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước trong các dự án đối tác công tư, tạo quỹ đất 2 bên cao tốc, nhà ga để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.