Bên cạnh đó, cảng tiếp tục đầu tư và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành trong năm nay nhiều dự án như xây dựng bến cảng 5 vạn tấn, kho 6A, 7A; lắp đặt các thiết bị xếp dỡ cẩu giàn STS, cẩu khung RTG…
Ngay từ mùng 2 Tết (23/01), cảng Chu Lai đã đón tàu NORDLEOPARD có sức chứa hơn 1.300 teu của hãng CMA CGM (Cộng hòa Pháp) đến “xông đất”. CMA CGM là công ty vận chuyển lớn thứ 3 trên thế giới, sử dụng 257 tuyến đường vận chuyển giữa 420 cảng tại 160 công ty. Chuyến tàu này thực hiện xuất - nhập khẩu gần 600 container hàng hóa, chủ yếu là linh kiện phụ tùng.
Những ngày tiếp sau đó, cảng đã tiếp nhận thêm nhiều tàu lớn như: SITC ZHEJIANG, CNC PLUTO, ISTAR, AN TRUNG 46, HOÀI SƠN 56… vận chuyển chuối, linh kiện phụ tùng, tinh bột sắn, hạt nhựa, thiết bị y tế, xi măng, nhựa đường, đá vôi cho các doanh nghiệp tại miền Trung.
Và mùng 9 Tết (ngày 30/01), cảng đã tiếp nhận tàu PH GIANG MINH (quốc tịch Panama) mang theo 16.500 tấn muối trực tiếp từ Kandla (Ấn Độ) cập cảng, cung ứng cho Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất công nghiệp Việt An.
Đây là chuyến tàu có sản lượng hàng lớn nhất mà doanh nghiệp này nhập khẩu qua cảng Chu Lai từ trước đến nay.
Cảng Chu Lai nằm ngay tại trung tâm vùng kinh tế trọng điểm với vị trí giao thông thuận lợi
Nằm ngay trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cảng Chu Lai có vị trí giao thông thuận lợi, kết nối trực tiếp đến quốc lộ 1A, đường ven biển và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các khu kinh tế, khu công nghiệp lớn như KCN Tam Thăng (Quảng Nam), KCN VSIP, Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Đồng thời kết nối với các cửa khẩu quốc tế của các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây.
Tháng 9/2021, cảng Chu Lai được quy hoạch từ cảng biển loại 2 (cảng tổng hợp địa phương) thành cảng biển loại 1 (cảng quốc gia, đầu mối khu vực) theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với phân loại mới này, cảng Chu Lai là 1 trong 15 cảng biển loại 1 trong tổng số 36 cảng thuộc hệ thống cảng biển Việt Nam. Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Nam định hướng phát triển cảng Chu Lai trở thành một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương trong nước và quốc tế của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Theo kế hoạch trong năm 2023, cảng Chu Lai tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, hợp lý trong quản lý chuỗi dịch vụ. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường, thu hút nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, từng bước trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa quốc tế tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Nam Lào, Bắc Campuchia và Thái Lan.
Cảng Chu Lai, thuộc Công ty TNHH Giao nhận – Vận chuyển Quốc tế Trường Hải, có công suất 4 triệu tấn/năm, cầu cảng dài 471m, độ sâu trước bến –9.5m, có khả năng tiếp nhận cùng lúc 3 tàu có trọng tải 30.000 tấn. Cảng Chu Lai được đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, phương tiện, thiết bị xếp dỡ (cẩu Liebherr, cẩu bánh lốp, xe nâng chụp, cùng với tàu lai dắt và xe đầu kéo công suất lớn…) nhằm đảm bảo tối ưu hiệu quả phục vụ khách hàng. Hệ thống kho bãi tại cảng có tổng diện tích hơn 167.000m2 được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế và phân chia theo từng khu vực chuyên dụng (kho ngoại quan, kho hàng, kho lạnh, bãi container) phù hợp với điều kiện bảo quản, xếp dỡ, vận chuyển từng loại hàng hóa. Hiện nay, cảng Chu Lai khai thác đa dạng hàng hóa như: hàng container, hàng rời, hàng siêu trường, siêu trọng… với nhiều loại hình dịch vụ chất lượng, chi phí hợp lý, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. |