CEO TikTok kêu gọi người dùng Mỹ bảo vệ quyền hiến pháp

CÔNG NGHỆ MỸ
18:01 - 14/03/2024
Những người ủng hộ TikTok tập trung bên ngoài Điện Capitol, Washington ngày 13/3/2024. Ảnh: AP
Những người ủng hộ TikTok tập trung bên ngoài Điện Capitol, Washington ngày 13/3/2024. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi ngày 14/3 lên tiếng thúc giục người dùng Mỹ lên tiếng “bảo vệ quyền hiến pháp”, sau khi Hạ viện nước này thông qua một dự luật buộc nền tảng này phải cắt đứt quan hệ với chủ sở hữu Trung Quốc hoặc bị cấm.

Ngày 13/3 khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật yêu cầu công ty mẹ ByteDance của TikTok phải bán ứng dụng này trong vòng 180 ngày với 352 phiếu ủng hộ và 65 phiếu chống. Nếu không, TikTok sẽ phải đối mặt với lệnh cấm trên các kho ứng dụng Apple và Google tại thị trường Mỹ.

Vào thời điểm dự luật được thông qua, Hạ nghị sĩ Cathy McMorris Rodgers tuyên bố: “Chúng tôi đã đưa cho TikTok một sự lựa chọn rõ ràng. Tách khỏi công ty mẹ ByteDance và tiếp tục hoạt động ở Mỹ, hoặc đối mặt với hậu quả”.

Động thái này được thực hiện do lo ngại của các nhà lập pháp liên quan tới việc TikTok hỗ trợ chính phủ Trung Quốc thu thập dữ liệu của người dùng Mỹ - cáo buộc mà nền tảng này đã nhiều lần bác bỏ. TikTok kiên quyết phủ nhận mọi mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc và đã tái cơ cấu công ty để dữ liệu của người dùng Mỹ được lưu giữ ở quốc gia này với sự giám sát độc lập.

Trong một video đăng tải trên nền tảng X và TikTok ngày 14/3, ông Chew Shou Zi tiếp tục khẳng định dự luật mà Hạ viện Mỹ vừa thông qua “trao thêm quyền cho một số công ty truyền thông xã hội” và “lấy đi hàng tỷ USD từ túi của những người sáng tạo cũng như doanh nghiệp nhỏ”.

Ông cho biết: “Nó sẽ khiến hơn 300.000 việc làm của người Mỹ gặp rủi ro và sẽ lấy đi tài khoản TikTok của bạn”. Đứng trước tình hình này, CEO TikTok khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể, bao gồm cả việc thực hiện các quyền hợp pháp của mình để bảo vệ nền tảng tuyệt vời mà chúng tôi đã cùng các bạn xây dựng”.

Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng có thể vượt qua mọi chuyện, đồng thời kêu gọi người dùng Mỹ “bảo vệ các quyền hiến pháp” của bản thân và “khiến cho giọng nói của bạn được lắng nghe”. TikTok có hơn 170 triệu người dùng tại thị trường Mỹ.

Động thái này cũng vấp phải sự phản đối từ chính phủ Trung Quốc. Trong các tuyên bố đưa ra ngày 13 và 14/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân khẳng định cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ đi ngược lại cạnh tranh công bằng và là “hành vi bắt nạt”.

Hãng tin AFP dẫn lời ông cho biết: “Dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua đi ngược lại các nguyên tắc cạnh tranh công bằng cũng như các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế”. Ông đồng thời nhấn mạnh: “Mỹ chưa bao giờ tìm thấy bằng chứng cho thấy TikTok đe dọa an ninh quốc gia nhưng vẫn không ngừng đàn áp TikTok”.

Sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật này hiện đã được chuyển tới Thượng viện. Tuy nhiên, số phận của nó không chắc chắn. Lãnh đạo đa số Chuck Schumer, tính tới hiện tại, vẫn không đưa ra cam kết sẽ thông qua dự luật mà chỉ cho biết Thượng viện “sẽ xem xét” khi nó được Hạ viện thông qua.

Về phía Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố sẽ ký dự luật này – với tên gọi chính thức là Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát - nếu nó được đưa đến bàn làm việc của ông.

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.