Chấp nhận tăng bội chi ngân sách mới có nguồn cho Chương trình phục hồi

VĨ MÔ Việt nAM
14:43 - 11/01/2022
Chấp nhận tăng bội chi ngân sách mới có nguồn cho Chương trình phục hồi
0:00 / 0:00
0:00
TS. Võ Trí Thành cho rằng khi đưa ra Chương trình phục hồi, Chính phủ đã cố gắng tính toán tác động và hạn chế tối đa rủi ro bằng nhiều giải pháp khác nhau, từ cách thức huy động vốn, triển khai thực hiện, giám sát đến phối hợp chính sách tài khóa tiền tệ.

Chiều 11/1, Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp bất thường thứ nhất, trong đó xem xét quyết định thông qua 3 Nghị quyết và 1 dự án Luật quan trọng.

Với dự thảo Nghị quyết liên quan đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Chương trình phục hồi) trị giá 347 nghìn tỷ đồng lớn nhất từ trước đến nay, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét cho ý kiến một số chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ thực hiện Chương trình.

Một trong những nội dung quan trọng nhất mà Quốc hội cần quyết định là đề xuất của Chính phủ về việc tăng bội chi NSNN để có nguồn thực hiện Chương trình phục hồi, với tổng số tiền là 240 nghìn tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Trong đó, năm 2022 khoảng 102,8 nghìn tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi NSNN lên 5,08% GDP, tức tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán NSNN năm 2022 đã được Quốc hội thông qua trước đó.

Bên cạnh đó, cho phép nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể có năm cao hơn 25%, cho phép tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương có thể cao hơn Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia Quốc hội đã phê duyệt, cho phép kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân thấp hơn 9 năm.

Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội xem xét chấp thuận việc NSNN có thể vay các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính - NSNN hàng năm hoặc các nguồn khác, cho phép Bộ Tài chính phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước.

Về nội dung phân bổ vốn, Quốc hội xem xét thông qua việc giao Chính phủ xây dựng phương án phân bổ dự toán NSNN và phương án bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các dự án thuộc Chương trình phục hồi.

Liên quan đến kế hoạch phân bổ vốn và dự toán NSNN cho phần Chương trình phục hồi năm 2023, Chính phủ sẽ tiếp tục trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.

Trong các phiên thảo luận tại kỳ họp bất thường lần này, đa số đại biểu đồng tình với đề xuất chấp nhận tăng bội chi NSNN như Chính phủ đề xuất để có nguồn thực hiện Chương trình phục hồi, hỗ trợ nền kinh tế qua giai đoạn khó khăn.

Khẳng định sự cần thiết có Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) nhận định: “Chắc chắn không còn cách nào khác là chúng ta phải chấp nhận giải pháp có tính chất đột phá như chi ngân sách vào nền kinh tế để phục hồi, phát triển, đồng thời cũng phải chấp nhận bội chi ngân sách, thâm hụt ngân sách”.

Tương tự, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) cũng cho rằng việc tăng bội chi ngân sách là bắt buộc để có nguồn ngân sách đầu tư thực hiện Chương trình phục hồi.

Theo đại biểu này, trong kịch bản tăng trưởng diễn ra đúng như dự kiến (tức năm 2022 tăng trưởng tăng thêm 2,9% và năm 2023 tăng trưởng tăng thêm 0,2% theo tính toán của Chính phủ) thì bội chi ngân sách vẫn nằm trong tầm kiểm soát, thậm chí bối cảnh thuận lợi có thể đạt tốc độ tăng trưởng vượt chỉ tiêu, qua đó giảm được tỷ lệ bội chi.

Ảnh tác giả

"Chấp nhận tăng bội chi ngân sách khoảng 1% đến 1,2% GDP trong 2 năm thực hiện chương trình là cần thiết".

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình)

Tuy nhiên, đại biểu quan ngại kịch bản dịch bệnh diễn biến phức tạp, lĩnh vực dịch vụ thương mại tiếp tục trong tình trạng khó khăn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và quy mô GDP. Ở kịch bản này, dù các ngành sản xuất công, nông nghiệp có thể phục hồi sản xuất thì bội chi ngân sách và các chỉ tiêu vĩ mô khác vẫn sẽ khó kiểm soát.

Do đó, bà Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ lại tác động của các gói hỗ trợ: “Khoản nào tác động nhỏ đến đối tượng thụ hưởng, không tạo được động lực mạnh cho tăng trưởng hoặc ít tác động đến sự ổn định đời sống người lao động thì có thể cân nhắc cắt giảm để giảm gánh nặng cho ngân sách, Qua đó giảm tỷ lệ tăng bội chi ngân sách nhằm đề phòng kịch bản tăng trưởng không diễn ra như dự báo”.

Chính phủ nỗ lực hạn chế tối đa rủi ro

Trao đổi với Mekong Asean về những băn khoăn của đại biểu khi thông qua nội dung tăng bội chi ngân sách, TS. Võ Trí Thành, Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) cho hay một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nền kinh tế lúc này là triển khai nhanh chóng Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

Ảnh tác giả

“Mức tăng trưởng hiện đang thấp xa so với tiềm năng, cần lấy lại tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, đó là nhiệm vụ cần triển khai nhanh nhất. Còn việc tính đến các rủi ro kinh tế vĩ mô như tăng bội chi, nợ công…thì Chính phủ đã làm rồi”.

TS. Võ Trí Thành

Theo TS. Võ Trí Thành, chính sách luôn có hai mặt và bất kỳ Chương trình nào khi đưa ra cũng khó có thể dự báo trước 100% tác động. Tuy nhiên đến nay, Chính phủ đã cố gắng tính toán cụ thể các tác động và hạn chế tối đa rủi ro bằng những giải pháp về cách thức huy động vốn, cách thức triển khai thực hiện, giám sát, phối hợp chính sách tài khóa tiền tệ…

“Bên cạnh rủi ro vĩ mô từ tăng bội chi, nợ công; có nguy cơ việc triển khai Chương trình có thể gây ra một số rủi ro nhất định khác như dòng tiền đi lệch hướng, chuyển sang đầu tư tài chính, đổ vào chứng khoán, bất động sản… Nhưng nói chung, khi đưa ra Chương trình, Chính phủ đã tính cả những tác động như vậy rồi”, TS. Võ Trí Thành bổ sung.

Tin liên quan

Đọc tiếp