Chiến lược dài hạn phá bỏ 'lời nguyền manh mún' của ngành nông nghiệp

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
07:39 - 18/02/2022
Chiến lược dài hạn phá bỏ 'lời nguyền manh mún' của ngành nông nghiệp
0:00 / 0:00
0:00
“Lời nguyền của nông nghiệp Việt Nam là manh mún, nhỏ lẻ. Đây là mẫu số chung để giải quyết mọi bài toán. Chiến lược nông nghiệp bền vững, tầm nhìn dài hạn sẽ định vị lại tư duy và vai trò của ngành”, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ngày 28/1/2022 đã ban hành nhiều mục tiêu quan trọng định hình tái cấu trúc ngành nông nghiệp.

Tại buổi họp báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ngày 17/2, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược cho biết, chiến lược này hướng đến mục tiêu dài hạn cho ngành nông nghiệp. Trong đó, cụ thể đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động đạt bình quân từ 5,5-6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường nhất là thị trường xuất khẩu, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5-6%/năm…

Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm là quốc gia, cấp tỉnh và địa phương và theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; cùng với đó là tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức thể chế của hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hiệp hội, hội.

Ngành nông nghiệp sẽ chuyển mạnh từ xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng. Ưu tiên hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực của các địa phương. Từ các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn của các nông sản chủ lực phát triển hợp tác xã, giảm các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế biến, thương mại lớn để hình thành chuỗi giá trị.

Trong khi đó, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, Bộ NN&PTNT rất nghiêm túc trong xây dựng chiến lược và nghiêm túc thực hiện để chiến lược đi vào cuộc sống.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi họp báo.

“Bằng nhiều hoạt động trong tháng 2, tháng 3... để đến một thời điểm nào đó xã hội hiểu được nền nông nghiệp Việt Nam có tầm nhìn dài hạn, mang tính chất giải quyết vấn đề nội tại ngành nông nghiệp và quan trọng hơn là tiếp cận dòng chảy, xu thế tiêu dùng của nền kinh tế toàn cầu, xu thế tiêu dùng xanh của thế giới".

Với chiến lược dài hạn trên, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ "đơn giá trị" sang "tích hợp đa giá trị"…

Hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.

Ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.

Theo Bộ trưởng Hoan, nông nghiệp phải có 4 "nhà" gồm nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học. Tuy nhiên ông cho rằng: "Cả 4 nhà này đang nhà ai người đấy ở chứ không có sự liên kết thành một nhà được. Cũng có ý kiến cho rằng phải có thêm nhà băng nữa, vì không có tiền thì không có kinh phí đầu tư khoa học, công nghệ được”.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

“Nông nghiệp Việt Nam bị một lời nguyền là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Từ yếu điểm đó kéo theo một loạt vấn đề được mùa mất giá, bấp bênh, khó khăn thị trường, dự báo... Quy đồng mẫu số chung tất cả là nằm ở lời nguyền đó. Để giải quyết lời nguyền của nền nông nghiệp, Chiến lược này sẽ tổ chức lại cơ cấu nền nông nghiệp”.

Bộ trưởng NN&PTNGT phân tích, chúng ta không thể dự báo được thị trường khi 10 hộ nông dân còn sản xuất mỗi nơi một kiểu trên 10 mẫu ruộng rải rác cả nước. Nền nông nghiệp cần một giải pháp dài hạn, kéo dài đến năm 2030 vì cần thời gian để thay đổi thói quen, tư duy sản xuất của người nông dân. Chiến lược giải quyết từ cái gốc của ngành nông nghiệp chứ không chỉ giải quyết phần ngọn.

Từ trước giờ nền nông nghiệp Việt Nam dạy người nông dân sản xuất chứ không dạy người nông dân làm giàu. Cần phải hướng dẫn người nông dân khẳng định được chất lượng sản phẩm, làm tốt truy xuất nguồn gốc, xây dựng niềm tin khách hàng. “Có thể sản lượng ít nhưng người nông dân giàu hơn cũng là việc nên làm, bởi tư duy kinh tế là tạo ra giá trị gia tăng”, ông Hoan nhấn mạnh.

Nói về sự kỳ vọng của chiến lược, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, Bộ NN&PTNT hướng đến lan tỏa bản chiến lược để định vị lại trong tâm thức lãnh đạo, người dân, định vị đúng vai trò, vị trí sứ mệnh của nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

“Chúng ta đang bi kịch hóa nông nghiệp, bi thương hóa nông dân, bi lụy hóa nông thôn dẫn đến các trường hợp nông dân bỏ đất, bỏ ruộng, bỏ quê hương rồng rắn kéo nhau vào các khu chế xuất rồi dịch bệnh COVID-19 lại kéo nhau về. Đó là một vòng luẩn quẩn. Nông nghiệp không phải một ngành độc lập, cần nhìn rộng hơn, khách quan hơn và tích cực hơn vào sự lan tỏa của ngành nông nghiệp ra các ngành khác”, Bộ trưởng Hoan chia sẻ.

Toàn cảnh họp báo của Bộ NN&PTNT.

Toàn cảnh họp báo của Bộ NN&PTNT.

Theo ông Hoan, tăng trưởng của nông nghiệp không thể nào như tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ. Nếu nhìn vào con số thì chúng ta xem nhẹ nó. Bản chiến lược là để khẳng định lại dù nó nhỏ nhưng có vai trò vị trí trong việc bình ổn xã hội vì hơn 60% dân số Việt Nam đang ở nông thôn.

“Thông qua chiến lược tôi cũng mong muốn cấp độ địa phương trong quá trình phát triển kinh tế cân nhắc, tập trung nhiều hơn nguồn lực hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đừng xẻ đồi chè ra làm bất động sản mà hãy cân nhắc được và mất của người nông dân trước khi chuyển đổi. Đại phương cần cân nhắc, nhìn xa hơn để thấy giá trị lâu dài và hậu quả nếu người nông dân bị mất đất sẽ như thế nào. Bộ NN&PTNT chỉ đề ra được chiến lược còn thực hiện đó như thế nào phải là hoạt động cụ thể của các địa phương, của người nông dân và của các doanh nghiệp”, tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp