Chính phủ 'xoay chuyển tình thế', kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng

KINH TẾ Việt nAM
10:54 - 05/01/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 5/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, nhìn lại năm 2023, về tổng thể tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Trong đó, có "những cơn gió ngược" như lạm phát, lãi suất neo ở mức cao; suy giảm tăng trưởng; hậu quả dịch bệnh kéo dài; cạnh tranh chiến lược, xung đột ở Ukraine và Dải Gaza; thiên tai, biến đổi khí hậu; nguy cơ mất an ninh lương thực, năng lượng trên toàn cầu…

Ở trong nước, nền kinh tế chịu "tác động kép" của các yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, xuất phát điểm thấp, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, có độ mở cao, khả năng chống chịu, sức cạnh tranh còn hạn chế - một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động, ảnh hưởng lớn đến bên trong.

Xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái

Khái quát kết quả chung, Thủ tướng cho biết kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong bối cảnh khó khăn, vốn FDI vẫn đạt được 23,18 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư công dự báo đạt 95% kế hoạch, số tuyệt đối cao hơn 146.000 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước vượt 8,2%; đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu xã hội…

"Điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng năm 2023 có gì nổi bật so với năm 2022? Bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, nợ công, nợ nước ngoài quốc gia dưới ngưỡng cảnh báo, nhưng để tận dụng được dư địa chính sách tài khoá này cho phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải làm gì trong năm tới?

Các cấp, các ngành, các địa phương đúc rút được bài học kinh nghiệm gì trong thực tiễn chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá? Còn những lĩnh vực nào, chỉ tiêu gì có thể làm tốt hơn, cải thiện hơn trong thời gian tới?", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng đề nghị tại Hội nghị, các đại biểu phân tích, đánh giá, làm sâu sắc hơn bối cảnh tình hình năm 2023 và tác động; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nhất là điểm mới trong chỉ đạo, điều hành năm 2023 nhằm "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái" để có được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Thủ tướng cũng yêu cầu các đại biểu đánh giá việc các cấp, các ngành, các địa phương nắm tình hình và phản ứng chính sách; lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các tổ chức quốc tế; cũng như việc tổ chức kịp thời nhiều hội nghị và ra nhiều quyết sách; việc thành lập 5 Tổ công tác giải ngân đầu tư công và 26 Tổ công tác đến các địa phương.

Đề cập đến những hạn chế của nền kinh tế, Thủ tướng đề nghị làm rõ nguyên nhân và giải pháp với những vấn đề bất cập, như còn 5 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; sức ép lạm phát và nợ xấu có xu hướng tăng; những điểm nghẽn trong sản xuất kinh doanh, nhất là về xuất khẩu, thị trường, tiếp cận vốn, vướng mắc trên các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

Từ việc tìm ra nguyên nhân, người đứng đầu Chính phủ định hướng cần theo dõi sát tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh VGP
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh VGP

Một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024

Nêu một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và các bài học kinh nghiệm để hội nghị thảo luận, cho ý kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng gợi mở một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 để Hội nghị thảo luận.

Trong đó, Thủ tướng đề nghị Hội nghị tập trung phân tích, đánh giá, dự báo tình hình năm 2024. Đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ, tài khoá kết hợp với các chính sách khác; vừa thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, vừa đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới.

Cùng với đó, đề xuất giải pháp thúc đẩy thực hiện các đột phá chiến lược về: xây dựng, hoàn thiện thể chế; cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, công tác quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia, huy động được nhiều nguồn lực hơn cho kết cấu hạ tầng,...

Thủ tướng cũng yêu cầu Hội nghị thảo luận để bảo đảm cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả hơn. Thúc đẩy cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, sớm giải quyết các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ còn lại. Tăng liên kết vùng, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.