Chủ tịch Trung Quốc lần đầu điện đàm với Tổng thống Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: CNN
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: CNN
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 26/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên thực hiện một cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt.

Trong cuộc xung đột tại Ukraine, Trung Quốc luôn khẳng định mình là nước trung lập. Đồng thời, Bắc Kinh tuyên bố phản đối các biện pháp cấm vận với nguyên nhân chúng không giúp cải thiện mà khiến tình hình leo thang.

Tới tháng 2/2023, Trung Quốc công bố kế hoạch hoà bình 12 điểm cho khủng hoảng tại Ukraine. Nước này ủng hộ việc tìm kiếm một giải pháp hoà bình thông qua biện pháp chính trị và ngoại giao. Tuy nhiên, kế hoạch này bị các quốc gia phương Tây cho rằng quá mơ hồ và không đưa ra con đường cụ thể nào để chấm dứt chiến sự cũng như tiến tới một thoả thuận ngừng bắn.

Theo Reuters, cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Ukraine ngày 26/4 chính là một sự kiện đã được mong chờ từ lâu. Chính phủ Ukraine trong nhiều tháng qua vẫn luôn thể hiện mong muốn thực hiện các cuộc thảo luận về vấn đề hoà bình cũng như cách mà Trung Quốc có thể sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để giúp chấm dứt tranh chấp.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin vào cùng ngày, ông Tập cho biết: “Là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là một nước lớn có trách nhiệm, chúng tôi sẽ không ngồi yên, cũng không đổ dầu vào lửa, càng không tìm cách trục lợi từ đó”.

Vì vậy, nhà lãnh đạo Trung Quốc trả lời Tổng thống Zelensky nước này sẽ tập trung nỗ lực vào việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hoà bình và nỗ lực ngừng bắn càng sớm càng tốt.

Để thực hiện điều này, Trung Quốc sẽ cử đại diện đặc biệt tới Ukraine và tổ chức các cuộc đàm phán với tất cả các bên tìm kiếm hòa bình.

Ông Zelensky cũng có những động thái thể hiện sự ủng hộ của mình trên tài khoản Twitter ngày 26/4. Hãng tin AFP dẫn lời ông cho biết cuộc điện đàm giữa 2 nhà lãnh đạo "dài và có ý nghĩa".

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc bằng cách bổ nhiệm một cựu bộ trưởng nội các làm đại sứ mới của Ukraine tại Bắc Kinh.

Ông Zelensky tuyên bố: “Tôi tin rằng cuộc điện đàm này, cũng như việc bổ nhiệm đại sứ Ukraine tại Trung Quốc, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ song phương của chúng ta”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua

Nhận định về động thái này, Nhà Trắng cho biết họ hoan nghênh cuộc điện đàm với phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby chia sẻ rằng "đây là một điều tốt". Tuy nhiên chính phủ Mỹ cho rằng vẫn còn quá sớm để nói liệu nó có dẫn tới một phong trào, kế hoạch hay thoả thuận hoà bình nào hay không.

Về phía Moscow, sau cuộc hội đàm giữa ông Tập và ông Zelensky, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Chúng tôi ghi nhận sự sẵn sàng của Trung Quốc trong nỗ lực thiết lập một quá trình đàm phán”.

Trong những tháng gần đây, các tuyên bố là nước trung gian cũng như nỗ lực kêu gọi hoà bình của Trung Quốc bị các quốc gia phương Tây nghi ngờ, đặc biệt là sau chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Moscow hồi tháng 3 vừa qua. Mỹ cũng liên tục cảnh báo Trung Quốc về việc cung cấp vũ khí hoặc đạn dược cho Nga, tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận các cáo buộc này.

Thay vào đó, Trung Quốc khẳng định luôn thận trọng với việc xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng và tuyên bố không cung cấp vũ khí cho tất cả các bên liên quan tới chiến sự, bao gồm cả Ukraine và Nga.

Trong khi đó, chiến sự vẫn tiếp diễn và không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ xảy ra các cuộc đàm phán hoà bình giữa Nga và Ukraine. Nguyên nhân là do phía Kiev tuyên bố chỉ ngồi vào bàn đàm phán khi Moscow rút quân và chính phủ Nga lại yêu cầu Ukraine công nhận thực tại trên chiến trường cũng như tuyên bố của nước này về các lãnh thổ đã sáp nhập.

Đọc tiếp