Chủ tịch Vinatex: 'Ngành xuất khẩu cần có trọng tâm ưu tiên khi nguồn lực hạn chế’

XUẤT KHẨU Việt nAM
16:38 - 18/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trước biến động của thế giới thời gian qua, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường kiến nghị cần có những trọng tâm ưu tiên đối với ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động của Việt Nam, bao gồm các ngành xuất khẩu.

Tại Phiên Tọa đàm cấp cao với chủ đề Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 ngày 18/9, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết, giai đoạn cuối năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022 là giai đoạn phát triển và tận dụng cơ hội tốt của ngành dệt may. Trong đó có sự ảnh hưởng rất quan trọng của các chính sách trong điều tiết vĩ mô.

8 tháng đầu năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 31,2 tỷ USD, tăng trưởng tới 20,2 % so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.

Theo thống kê, dệt may chỉ có kim ngạch xuất khẩu thứ 4 trong các ngành nhưng thặng dư thương mại của ngành luôn đứng thứ nhất.

Tuy nhiên, các chính sách Việt Nam thực hiện sớm nhằm đem lại lợi ích cho ngành dệt may cũng như các ngành xuất khẩu khác thì đến thời điểm hiện tại, các quốc gia khác cũng đã thực hiện. Trong khi đó, nguồn cầu của thế giới đột ngột giảm, chủ yếu do kinh tế thế giới suy thoái, biểu hiện suy thoái, lạm phát cao.

Nếu trong 8 tháng đầu năm 2022 bình quân mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu được 3,7 – 3,8 tỷ USD hàng dệt may thì trước tình hình trên, ông Trường dự kiến 4 tháng cuối năm hàng dệt may chỉ xuất khẩu được khoảng 3,1 – 3,2 tỷ USD.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Trước tình hình trên, ông Trường kiến nghị cách tiếp cận chính sách mới trong giai đoạn tới để đảm bảo phát triển của ngành sử dụng nhiều lao động. Đó là khi nguồn lực hạn chế cần phải có trọng tâm ưu tiên. Đối với ngành xuất khẩu phải xuất phát từ hai điểm là thặng dư đem lại xuất siêu cho Việt Nam; khả năng sử dụng lao động và khả năng dẫn đạo để đưa tỷ lệ nội địa cao (tức là phục hồi đơn vị xuất khẩu nhưng kéo theo nhiều đơn vị trong nước khác cũng được phục hồi).

Về chính sách ngắn hạn, ông Lê Tiến Trường cho biết, ngành dệt may đang gặp một số khó khăn trong việc sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Hiện nay, nhập khẩu nguyên liệu làm hàng gia công được miễn thuế. Tuy nhiên, nếu mua hàng hóa trong nước thì lại phải vừa nộp thuế VAT, vừa phải chuẩn bị thuế nhập khẩu (nếu doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa mới được hoàn lại khoản thuế này).

Chính vì vậy, 6 tháng đầu năm 2022, tín dụng doanh nghiệp tăng trưởng tốt lên tới 9,3%, vay được vốn. Nhưng bước sang tháng 7, tháng 8/2022, tăng trưởng tín dụng chỉ còn 0,6%; doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó, không vay được tiền để mua nguyên liệu.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trên, ông Lê Tiến Trường đã đề nghị giải quyết theo hai hướng. Thứ nhất, đối với việc mua hàng trong nước để làm xuất khẩu, hậu kiểm không cần nộp trước thuế VAT và thuế nhập khẩu để tăng cường khả năng tiêu thụ hàng hóa nội địa.

Thứ hai, đối với những ngành hàng còn có đơn hàng, room tín dụng đối với vay ngắn hạn rất quan trọng để doanh nghiệp có thể duy trì, trong khi hiện nay tất cả các khách hàng trên thế giới đều giãn thời gian trả tiền từ 90 ngày lên 120 - 150 ngày…

Về trung hạn, ông Trường cho rằng cần đầu tư đổi mới theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ông nhận định: đây là hình thức đầu tư vừa có suất đầu tư lớn và chi phí vận hành cao. Chính vì vậy, các dự án đầu tư theo hướng xanh nếu tiếp cận theo các chuẩn mực ngân hàng kinh doanh bình thường là những dự án có tỷ suất vốn không cao.

Ông Trường mong muốn đối với các ngành xuất khẩu đang đem lại thặng dư tương đối tốt, có nguồn lực lao động lớn, có giá trị gia tăng ở trong nước đạt trên 50% nên được quan tâm, xem xét riêng biệt. Từ đó, củng cố các ngành này, vừa đảm bảo việc làm, vừa đảm bảo thặng dư và vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới.

Đọc tiếp