Chưa tận dụng tối đa EVFTA, thị phần hàng Việt tại EU còn thấp

EVFTA eu
14:42 - 27/12/2022
0:00 / 0:00
0:00
Hiệp định EVFTA đi vào thực thi hơn đã đem lại nhiều lợi thế cho hàng Việt tại thị trường EU, đặc biệt là ưu đãi về thuế quan. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn chưa thực sự nắm bắt được cơ hội khi mà thị phần hàng Việt chỉ chiếm 2-4% tổng nhập khẩu của EU.

Sáng 27/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị “Tổng kết 2 năm thực thi hiệp định EVFTA: Những thành quả đã đạt được, những vấn đề còn tồn tại và giải pháp tận dụng hiệu quả”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, EVFTA có hiệu lực với Việt Nam và EU từ ngày 1/8/2020. Đây là cột mốc quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vì là lần đầu tiên trao đổi thương mại giữa Việt Nam với một thị trường truyền thống quan trọng như EU được tiến hành dựa trên cơ sở là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, với cam kết sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là xóa bỏ thuế quan, tự do hóa hoạt động dịch vụ và đầu tư…

Các cam kết này được xây dựng theo kết cấu cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ cho cả EU và Việt Nam, vì vậy được kỳ vọng sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho quan hệ thương mại song phương.

Ảnh tác giả

Thực tế 2 năm triển khai EVFTA cho thấy kỳ vọng về sự tăng trưởng cho hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là xuất khẩu sang EU đã trở thành hiện thực. Mặc dù EVFTA được thực thi vào thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở EU và trên toàn thế giới, nhưng trao đổi thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu sang EU nói riêng vẫn tăng trưởng ấn tượng”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Trong năm đầu thực thi EVFTA, trao đổi thương mại song phương đạt 54,9 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 11,3%. Sang năm thứ hai đạt 61,4 tỷ USD, tăng gần 11,9%, trong đó xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17%.

Riêng trong 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 57 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21%. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may (tăng 24%), giày dép (tăng 19%), thủy sản (tăng 41%)…

Một điểm sáng nữa trong hoạt động xuất khẩu sang EU là tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng mẫu C/O Euro.1 đạt khoảng 8,1 tỷ USD, chiếm khoảng 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 244% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi là 25,1%, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh nghiệp chưa tận dụng hiệu quả EVFTA

Tuy nhiên, theo ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu sang EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới vẫn còn thấp. Nếu như năm 2019, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang EU chiếm 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, thì năm 2021 giảm xuống còn 11,9% dù EVFTA đã đi vào thực thi hơn một năm.

Trong khi đó, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt còn thấp, dẫn tới tỷ trọng các mặt hàng không cao. Các mặt hàng có ưu đãi lớn nhất là thủy sản, rau quả cũng có giá trị còn khiêm tốn với 2,7% và 4,2% thị phần tại EU. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của việt Nam là máy vi tính, dệt may, máy móc cũng chỉ chiếm 1,45%; 3,8%; 2,19%.

Ảnh tác giả

Việt Nam mất hơn 10 năm để chuẩn bị đàm phán, ký kết với sự nỗ lực từ các ban ngành, doanh nghiệp... để có thể đưa đến cơ hội xuất khẩu con cá, hạt gạo hay các mặt hàng có khả năng xuất khẩu ở thuế suất 0%. Tuy nhiên, lợi thế từ EVFTA sẽ không còn khi các đối thủ đang bắt đầu tiến tới ký kết FTA với EU. Hiện nay, trong khu vực, EU đã có FTA với Singapore và đang khởi động với Malaysia, Thái Lan…

Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh

"Từ góc độ của chúng tôi, trung bình kết thúc đàm phán FTA từ 3-5 năm, như vậy đây là khoảng thời gian mà doanh nghiệp Việt có thể tận dụng hiệu quả các ưu đãi mà EVFTA mang lại. Thị phần hàng hóa của Việt Nam tại EU còn quá thấp, ở mức 2-4%, chỉ cần tăng lên 10% giá trị đã khác, lợi ích cũng khác rồi", ông Ngô Chung Khanh cho biết thêm.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa khả năng tiếp cận và tận dụng EVFTA của doanh nghiệp, ông Ngô Chung Khanh cho biết, phía Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao xây dựng và phát triển cổng thông tin FTA, là nơi doanh nghiệp có thể tìm kiếm thông tin mong muốn liên quan đến FTA. Phía Vụ kỳ vọng có thể kết nối các cơ quan lại với nhau, giúp doanh nghiệp tìm kiếm thông tin nhanh chóng, kết nối với các chuyên gia.

Bên cạnh đó, phía Vụ cũng được giao xây dựng chỉ số đánh giá của FTA thông qua bộ chỉ số FTA Index trong bối cảnh kết quả thực thi EVFTA còn khiêm tốn. Thông qua việc xây dựng chỉ số đánh giá, các tỉnh thành sẽ quan tâm hơn, đi vào thực chất của vấn đề thực thi hơn, từ đó doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi.

Trong công tác tuyên truyền, Vụ Chính sách thương mại đa biên cũng sẽ tiến hành đổi mới hình thức tuyên truyền với kỳ vọng tổ chức các hội nghị thu nhỏ, tọa đàm kết nối với các CEO, chủ doanh nghiệp để truyền đạt thông tin hữu ích nhất đến doanh nghiệp. Mặt khác, thay vì tuyên truyền thông qua thông tin văn bản, Vụ đang hướng đến xây dựng các video 3-5 phút theo chủ đề với mục tiêu lan tỏa hơn trên mạng xã hội, các trang web, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp để tận dụng tối đa EVFTA.

Tin liên quan

Đọc tiếp