Chứng khoán tuần qua: Cổ phiếu nhà Vingroup và Vinamilk miệt mài dò đáy

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
22:30 - 26/02/2022
Tuần qua tiếp tục là tuần trượt dài của VIC và VNM.
Tuần qua tiếp tục là tuần trượt dài của VIC và VNM.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên giữa tuần sập mạnh do ảnh hưởng từ tin tức chiến sự Nga – Ukraine đã khiến VN-Index rơi mất 6 điểm so với tuần trước, tuy nhiên thanh khoản lại có sự gia tăng đáng kể. Hai mã lớn nhà Vingroup và Vinamilk vẫn khiến nhà đầu tư thất vọng khi chạm đáy mới.

Kết phiên cuối tuần (25/2), VN-Index về mốc 1,498.89 điểm, giảm 6 điểm so với tuần trước; trong khi đó HNX-Index tăng được 4,5 điểm, lên mốc 440.16. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE đạt hơn 797 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 24,5% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX cũng đạt trung bình gần 118 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 74%. Giá trị giao dịch trung bình trên hai sàn đạt khoảng 30.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn, tăng khoảng 30% so với tuần trước.

Việc VN-Index giảm điểm chủ yếu do tác động của phiên đỏ lửa 24/2, khi xung đột quân sự chính thức nổ ra giữa Nga – Ukraine. Trong phiên này, chỉ số thị trường có lúc cắm đầu giảm tới gần 40 điểm khi nhà đầu tư bị đòn tâm lý đua nhau rút tiền khỏi kênh đầu tư vốn rất nhạy cảm với các tin tức thời sự. Hàng loạt các cổ phiếu trụ lớn như VHM, VIC… đặc biệt là nhóm bank như TCB, CTG, TPB, STB… bị “xả” mạnh.

Tuy nhiên, có nhóm nhà đầu tư tâm lý yếu thì cũng có nhóm bình tĩnh và nắm bắt cơ hội. Chỉ trong vòng 1h đồng hồ phiên chiều, dòng tiền bắt đáy dồi dào xuất hiện giúp VN-Index nhanh chóng hồi phục, kết phiên giảm 17,5 điểm. Thời điểm giảm mạnh nhất 39 điểm, vốn hoá HoSE đã bốc hơi hơn 152.000 tỷ đồng. May mắn là kết phiên đã lấy lại hơn 84.000 tỷ đồng.

Dòng tiền bắt đáy đã giúp 24/2 trở thành phiên có mức thanh khoản cao nhất kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, đạt 35.000 tỷ đồng khớp lệnh trên HoSE, còn toàn thị trường ở mức 43.000 tỷ đồng. Thực tế kể từ sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán, VN-Index chỉ giao dịch bình quân ở mức 15.000 - 23.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn nhiều so với mức 30.000 - 40.000 tỷ đồng/phiên thời kỳ cuối năm 2021.

Thanh khoản ngày 24/2 tăng vọt nhờ lượng tiền đổ vào bắt đáy. Biểu đồ: SSI

Thanh khoản ngày 24/2 tăng vọt nhờ lượng tiền đổ vào bắt đáy. Biểu đồ: SSI

Dầu khí "bung nóc"

Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia tài chính - chứng khoán, chiến tranh ở trời Âu chỉ tác động thoáng qua tới thị trường chứng khoán, thậm chí một số ngành còn hưởng lợi. Trong tuần qua, dầu khí và phân bón chính là hai nhóm ngành có diễn biến như vậy. Giá dầu Brent liên tục tăng vọt và có thời điểm vượt mốc 100 USD/thùng giúp họ dầu khí có 4 phiên tăng liên tiếp, chỉ giảm nhiệt vào phiên cuối tuần.

Mức tăng chung của dầu khí trong tuần qua là 10,1%. Trong đó PVC tăng mạnh nhất với tỷ lệ 31,6 %, tiếp theo là PVB tăng 24,3%, ASP tăng 18,8%, PVS tăng 16,6%, PGC tăng 15,4%, PXS tăng 12%, PVD tăng 10,9%, OIL tăng 10,6%... BSR, PLX chỉ tăng nhẹ hơn 4%. Mã “anh lớn” GAS khiêm tốn nhất khi chỉ tăng được 1,6%.

Nhóm cổ phiếu liên quan đến dầu khí là phân bón, hóa chất cũng thu hút được dòng tiền và đồng loạt tăng giá như DCM tăng 12,7%, DPM tăng 9,8%, CSV tăng 9,6%, BFC tăng 8,9%, DGC tăng 7%, LTG tăng 6,3%...

Nhóm chứng khoán nhờ phiên cuối tuần rực rỡ nên cả ngành cũng duy trì đà tăng tuần ở mức 3,3%. Trong đó, VND tăng hơn 8%, nhờ thông tin VNDirect được chấp thuận tăng vốn từ 4.349 tỷ đồng lên 12.178 tỷ đồng. Ngoài VND, sắc xanh còn xuất hiện ở những cái tên như SSI, VCI, SHS, MBS, TVB…

Nhóm ngân hàng có giao dịch tích cực hơn, tuy nhiên vẫn có sự phân hóa giữa các cổ phiếu trong nhóm. Phía nhóm đóng góp lớn cho chiều tăng của VN-Index có sự góp mặt của mã VPB, MBB và TPB, trong đó VPB dẫn đầu với gần 2,7 điểm. Còn chiều kéo giảm cũng có sự góp mặt của 3 cổ phiếu ngân hàng gồm VCB, CTG và TCB. Tổng cộng, 3 cổ phiếu này đã làm mất của chỉ số chung thị trường 4,2 điểm.

Nhóm gây bất ngờ và tiếc nuối cho nhà đầu tư nhất chính là dược phẩm và y tế. Nhóm này dường như không bị tác động bởi thông tin chiến sự, duy trì đà tăng nhẹ nhưng ổn định. Cả tuần, TNH tăng 6,2%, JVC tăng 5,1%, DVN, DHG tăng 4,5%, LDP tăng 2,8%... Đáng chú ý, cổ phiếu MKP của CTCP Hóa – Dược phẩm Mekophar MKP tăng tới 33,1%. Đây chính là công ty vừa được cấp phép thuốc điều trị Covid-19.

Một cổ phiếu cũng có chút liên quan đến dược là FRT của Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cũng tăng tới 22%. Thông tin tích cực với FRT cũng xuất phát từ thuốc điều trị Covid-19. Theo đó, gần 500 Nhà thuốc Long Châu - thuộc sở hữu FPT Retail là đơn vị đầu tiên ký hợp đồng phân phối các loại thuốc điều trị Covid-19 này.

Diễn biến giá cổ phiếu FRT thời gian qua.

Diễn biến giá cổ phiếu FRT thời gian qua.

Cổ phiếu bất động sản kết thúc cả tuần với mức giảm gần 2%. Những trụ cột chính cho ngành này như VIC, VHM, BCM, NVL, PDR đều đồng loạt giảm quanh mức 1-3%. Trong đó, VIC của Tập đoàn Vingroup đã chính thức thủng mốc 80.000 đồng, kết phiên 25/2 về mức giá 79.100 đồng/cp. Đây là mức thấp nhất của VIC trong vòng 18 tháng qua.

Trong tuần qua, Vingroup có thông tin đáng chú ý là Vinpearl sẽ hợp tác chuyển giao quyền quản lý 12 khách sạn, khu nghỉ dưỡng cho Meliá Hotels International trong thời gian tối thiểu là 10 năm, với thương hiệu mới Meliá Vinpearl; tuy nhiên vẫn chưa thể hút được dòng tiền quay lại với VIC.

Một cổ phiếu khác trong Top 10 vốn hoá lớn là VNM của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng tiếp tục dò đáy mới. Phiên 24/2, mã tụt xuống mức 78.600 đồng/cp, mức thấp nhất trong vòng 22 tháng. VNM cũng chính thức bị VPB tranh vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng Top 10 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thị trường.

Hiện, VNM xếp đứng chót bảng với vốn hoá 164.897 tỷ đồng. Nếu các phiên sắp tới không có sự đảo chiều thì nguy cơ phải rời top là rất cao. Bởi ở vị trí thứ 11, CTG của VietinBank đang có vốn hoá 162.675 tỷ đồng.

Trong tuần 21-25/2, khối ngoại thực hiện bán ròng nhẹ với giá trị chưa tới 100 tỷ đồng. Trong đó danh mục mua vào của khối này tập trung vào các mã bất động sản như DXG, VHM, KBC, và bán ra cổ phiếu ngân hàng là HDB, CTG. Thống kê trên HoSE và HNX, khối ngoại đã thực hiện 1 phiên mua ròng duy nhất ngày 21/2 và 4 phiên bán ròng. Ngược lại trên UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện 4 phiên mua ròng và 1 phiên bán ròng duy nhất vào ngày 24/2.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.