Chứng khoán tuần qua: HPG toả sáng giúp nhà Chủ tịch Hoà Phát có thêm 4.000 tỷ đồng

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
08:21 - 06/03/2022
Tài sản của tỷ phú Trần Đình Long trên sàn chứng khoán hiện đã vươn lên 58.500 tỷ đồng.
Tài sản của tỷ phú Trần Đình Long trên sàn chứng khoán hiện đã vươn lên 58.500 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu thép trong tuần giúp thị trường có sự vững chắc hơn ở ngưỡng 1.500 điểm. Đáng chú ý, HPG đã đạt trạng thái trắng bên bán sau khoảng thời gian dài khiến các cổ đông thấp thỏm.

VN-Index kết thúc tuần giao dịch đầu tháng 3 ở ngưỡng 1505.33, tăng 6,44 điểm so với tuần trước. Chỉ số HNX-Index cũng tăng 10,42 điểm, lên 450.59. Thanh khoản không có nhiều cải thiện khi bình quân của sàn HoSE tăng 4,89%, lên hơn 836 triệu cp/phiên; còn ở sàn HNX lại giảm 1,89%, còn gần 115 triệu cp/phiên.

Trong bối cảnh giá các loại nguyên vật liệu trên thế giới đồng loạt tăng mạnh do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, cổ phiếu hai họ sắt thép và phân bón - hóa chất đã có một tuần giao dịch hết sức tích cực, đóng góp lớn cho sự trở lại mốc 1.500 điểm của chỉ số VN-Index.

Cụ thể, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu xây dựng dẫn đầu đà tăng với mức toàn nhóm đạt + 8,36%. Riêng nhóm thép vượt trội với HPG (+9,15%), HSG (+17,43%), NKG (+20,58%), TLH (+11,2%), POM (+10,71)... Trong đó, HPG thực sự toả sáng khi trở thành trụ kéo chính của thị trường giúp mang về cho VN-Index hơn 4,6 điểm.

Phiên 3/3, cổ phiếu của Tập đoàn Hoà Phát còn “nở sắc tím” trong sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư, vì lâu nay mã vẫn bị cho là mang tốc độ di chuyển ì ạch. Sau nhiều tháng giảm tốc từ đỉnh 58.000 đồng/cp hồi tháng 10/2021, HPG cũng đã chinh phục lại được mức giá 50.000 đồng.

Phiên 28/2, HPG có giá 47.200 đồng, kết phiên 4/3 mã đạt mức giá 49.800 đồng. Với 1,17 tỷ cổ phần HPG, tài sản của ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT đã tăng thêm 3.000 tỷ đồng. Với 328 triệu cổ phần HPG, vợ ông Long là bà Trần Thị Hiền cũng gia tăng tài sản chứng khoán thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 16.334 tỷ đồng.

Đà tăng của nhóm cổ phiếu thép được giới nghiên cứu nhận định là do tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine; vì các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng thép trên thế giới, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung và làm tăng giá thép. Thực tế kể từ sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự hôm 24/2, giá thép thế giới cũng tăng mạnh, trong đó hợp đồng tương lai thép HRC Trung Quốc (giá FOB) đã tăng lên mức 867 USD/tấn.

HPG chinh phục lại mốc 50.000 đồng rồi giảm nhẹ trong phiên cuối tuần.

HPG chinh phục lại mốc 50.000 đồng rồi giảm nhẹ trong phiên cuối tuần.

Tương tự thép, nhóm phân bón, hoá chất cơ bản cũng “hưởng lợi” từ cuộc xung đột đang diễn ra. Bởi Nga chiếm 13% tổng kim ngạch thương mại chính trên toàn cầu và gần 16% thương mại toàn cầu đối với các loại phân bón thành phẩm quan trọng. Các biện pháp trừng phạt do châu Âu và Mỹ áp đặt lên nước này sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, dẫn đến tăng giá phân bón.

Trong tuần qua, 3 cổ phiếu tiêu biểu của nhóm phân bón, hóa chất là DCM, DGC, DPM đã tăng lần lượt 16,5%, 9,7% và 11,9%. Nhiều mã khác trong nhóm cũng ghi nhận đà tăng tốt.

Nhóm ngành khai khoáng vẫn duy trì đà tăng tuần thứ hai liên tiếp nhưng không còn mạnh mẽ như tuần trước. Cả ngành tăng ở mức 7,4 %. Trong đó nhóm dầu khí PVS, PVD, OIL, BSR và PVB tăng trung bình hơn 4%, riêng có PVC tăng vọt 34% cho cả tuần. Còn các cổ phiếu than như TC6, TDN, MDC đều đồng loạt tăng ở mức 2 chữ số trong tuần vừa rồi.

Ngược lại, gây thất vọng nhất trong tuần là nhóm trụ cột ngân hàng. Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất trong tuần qua có đến 7 cổ phiếu thuộc nhóm này. Trong đó, cổ phiếu của 2 ngân hàng quốc doanh BID và CTG biểu hiện tiêu cực nhất khi lần lượt -2,8% và -3,2%, kéo VN-Index giảm 1,5 điểm và 1,3 điểm. Bên cạnh đó là VCB (-0,2%), VPB (-0,3%), TCB (-1,5%), MBB (-3,5%), ACB (-0,1%), SHB (-2,1%)...

Diễn biến tích cực của thị trường trong tuần qua một phần đến từ lực đẩy từ dòng tiền ngoại. Hoạt động mua ròng của nhà đầu tư ngoại trở nên sôi nổi hơn trong hai phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, về tổng thể vẫn là một tuần rút ròng. Trên HoSE, khối ngoại đã thực hiện 3 phiên mua ròng và 2 phiên bán ròng, với tổng giá trị mua vào đạt 8.101 tỷ đồng, bán ra 8.888 tỷ đồng; tăng lần lượt 18% và 30% so với tuần trước.

HPG dẫn đầu về giá trị bán ròng với gần 957 tỷ đồng. Các cổ phiếu bị khối ngoại xả mạnh nhất tuần này còn có loạt bluechip như VIC (330 tỷ đồng), CTG (288 tỷ đồng), HDB (275 tỷ đồng), GAS (142 tỷ đồng) và NVL (108 tỷ đồng)…

Chiều ngược lại, VPB được gom mạnh nhất với gần 840 tỷ đồng. Riêng trong phiên cuối tuần, mã đã được nhà đầu tư nước ngoài mua vào với quy mô hơn 891 tỷ đồng, tương đương 23,3 triệu đơn vị. Hoạt động mua diễn ra chỉ trong 30 phút, ngay sau khi VPBank nâng room ngoại lên 17,5%. Ngoài ra, dòng tiền nước ngoài còn tìm đến nhóm phân bón hóa chất như DGC (176 tỷ đồng), DCM (129 tỷ đồng), DPM (100 tỷ đồng)…

Theo Chứng khoán MB (MBS), chỉ số VN-Index đã tăng 4/5 tuần vừa qua, ngược dòng so với các chỉ số trong khu vực cũng như trên thế giới. Dù chỉ số đi ngang nhưng đã có nhiều nhóm cổ phiếu vượt đỉnh kể từ đầu năm. Với thanh khoản tăng, nhiều khả năng thị trường sẽ có cơ hội kiểm định lại vùng đỉnh cũ ở 1.536 điểm trong tuần sau. Nhà đầu tư có thể canh mua nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản, năng lượng, hoặc nhóm chứng khoán, bất động sản,… trong các nhịp điều chỉnh trong phiên.

Còn Chứng khoán SHS cho rằng, VN-Index đã lấy lại được ngưỡng tâm lý 1.500 điểm trong tuần qua nên khả năng chỉ số này tiếp tục đi lên để hướng đến target hiện tại trong khoảng 1.530-1.550 điểm là vẫn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, VN-Index cần vượt qua ngưỡng kháng cự 1.520 điểm, mức đỉnh 4 tuần gần đây. Hiện tại đang có những yếu tố không lường trước được ảnh hưởng đến thị trường và những tin tức này có thể làm thay đổi xu hướng trong ngắn hạn. Nếu không có gì bất ngờ diễn ra thì trong tuần giao dịch 7/3-11/3, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 1.470-1.520 điểm để chờ cơ hội bứt phá trở lại.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.