Thép, than và vận tải băng băng leo dốc giúp VN-Index hồi phục bất ngờ

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
17:02 - 03/03/2022
HPG đã rất lâu mới có phiên khoe sắc tím.
HPG đã rất lâu mới có phiên khoe sắc tím.
0:00 / 0:00
0:00
Sau một thời gian khiến nhà đầu tư sốt ruột, cổ phiếu ngành thép hôm nay mới thực sự “bung lụa”. Cùng với sự đồng hành của nhiều nhóm ngành khác như than, vận tải, ngân hàng đã giúp VN-Index có phiên quay đầu ngoạn mục trong ngày.

VN-Index kết phiên 3/3 ở chỉ số 1.505, tương đương tăng gần 20 điểm so với phiên hôm qua, xoá tan lo ngại của nhà đầu tư về đà đi xuống của thị trường theo diễn biến quân sự căng thẳng giữa Nga và Ukraine. HNX-Index cũng tăng hơn 7 điểm, UPCoM tăng 1,4 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt 36.113 tỷ đồng. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp ghi nhận thanh khoản tăng, cho thấy dòng tiền quan tâm tới chứng khoán vẫn rất lớn.

Giao dịch khối ngoại hôm nay cũng khá tích cực khi họ mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị mua đạt 1.662 tỷ đồng, tổng giá trị bán 1.118 tỷ đồng. Trong đó, DGC và DCM mua ròng lần lượt 87 tỷ đồng và 67 tỷ đồng. Ngoài ra, danh sách mua ròng nhiều còn có HPG (64 tỷ đồng), STB (63 tỷ đồng), KBC (55 tỷ đồng)…

Ngược lại, YEG là cổ phiếu chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại với giá trị 42 tỷ đồng. Xếp tiếp theo danh sách bán ròng còn có VIC (39 tỷ đồng), PVT (33 tỷ đồng), VNM (21 tỷ đồng)…

Chỉ số VN30 hôm nay tăng gần 24 điểm, về mức 1522.49, nhờ sự phục hồi hầu hết các mã blueschip. Ngoài HPG tăng trần thì còn có HDB tăng 3,3%, VPB tăng 2,6%, GVR tăng 2,5%, NVL tăng 2,1%... VIC cũng tăng nhẹ được 0,1%, VHM tăng 0,6% trong khi “người em út” là VRE tiếp tục giảm nhẹ. Chiều giảm trong nhóm còn có VJC, VNM, SAB, POW với tỷ lệ không nhiều.

Diễn biến chỉ số VN-Index và VN30 trong phiên 3/3.

Diễn biến chỉ số VN-Index và VN30 trong phiên 3/3.

Ngân hàng sau phiên thất bại hôm qua đã phục hồi thành công. Ngoài KLB đứng giá thì tất cả các mã đều kết phiên trong sắc xanh. Tuy nhiên, các mã vẫn chưa thể lấy lại giá trị đã mất hôm qua khi tăng mạnh nhất chỉ được 2-3,5%, ghi nhận ở BAB, HDB, LPB, MSB, VPB.

Màu xanh cũng bao phủ nhóm chứng khoán khi chỉ có TVB, IBC, APG ở chiều giảm. Tỷ lệ tăng tốt hơn ngân hàng với OGC tăng trần, DSC +10,4%, SBS +6,2%, BCG +5,2%, EVF +4,4%, FTS +3,8%. Các mã còn lại cũng tăng từ 1-3%.

Nhóm xây dựng và bất động sản có 8 mã tăng trần, 134 mã tăng giá, 130 mã đứng giá và 60 mã giảm giá. Tăng trần là PTC, PTL, PXI, CT6, MH3, PXT, FDC và DGG. Tăng mạnh từ 5-13% vẫn chủ yếu là các mã nhỏ như QCC, ICC, VSI, XLV, LUT, SD6, PVL, BOT, C92, DC2, VRG… Các mã lớn ngoài VIC và VHM thì NVL, DIG, PDR, SSH, KDH, BCM, THD, DXG, DXS, REE, VCG, CEO, ITA, HDG… cũng ở chiều tăng giá.

Nông nghiệp có BAF và SJF tăng trần; HNG, SEA, ASM, APC cũng tăng 3-5%. HAG sau 2 phiên hồi phục thì lại quay đầu giảm. Còn dầu khí và phân bón đã giảm nhiệt hơn khi đã có nhiều mã kết phiên trong sắc đỏ.

Ba nhóm rực rỡ nhất hôm nay là vận tải, than và thép. Nhóm vận tải ghi nhận tới 18 mã tăng trần, như MVN, GMD, PVT, PSC, HAS, VOS, GSP, VIP, VTO, VNF… Tuy nhiên hai “anh cả” là ACV và VJC lại ở chiều giảm,

Than cũng có 12 mã tăng trần như TVD, HLC, TDL, TMB, ITS, NBC, MDC, HPM… Đa số các mã còn lại cũng đều tăng giá với tỷ lệ chênh lệch đáng kể.

Thép có hai mã tăng trần là HPG và POM, các mã khác cũng tăng mạnh như TVN +6,8%, HSG, NKG +6%, VIS +5,5%, SMC +4,4%... Như vậy, sau bao ngày chờ mong, cổ đông nhóm này đã có được một ngày vui, đặc biệt là với những ai đang nắm giữ HPG – cổ phiếu vốn được cho là ì ạch nhất trong nhóm. Kết phiên hôm nay, HPG đạt mức giá 50.100 đồng/cp, trong khi mức đỉnh của mã là 58.000 đồng.

Đáng chú ý, đi kèm với thị giá tăng mạnh, HPG cũng đã lập kỷ lục về thanh khoản khi khớp lệnh hơn 76,2 triệu cổ phiếu, cao kỷ lục từ khi niêm yết tới nay. Không những vậy, thanh khoản HPG còn chiếm tới hơn 12% thanh khoản sàn HoSE. Kỷ lục được xác lập trước đó vào phiên 12/8/2021, khi khối lượng giao dịch khớp lệnh tại mã này đạt 75,5 triệu đơn vị.

Thời gian qua, cổ phiếu ngành thép đã có tín hiệu hồi phục sau một thời gian trượt dốc từ đỉnh, tuy nhiên chưa có phiên nào thực sự ấn tượng như hôm nay. Triển vọng nhóm ngành này đến từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, hạ tầng và thu hút FDI.

Cụ thể, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ hồi phục kinh tế, trong đó phân bổ cho phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung cho các dự án trọng điểm sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ sắt thép gia tăng. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng dân dụng phục hồi cũng thúc đẩy tiêu thụ thép trong nước, giá thép theo đó kỳ vọng sẽ tăng tốt.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.