'Chúng tôi không xin tiền Nhà nước, mà xin cơ chế'

DOANH NGHIỆP Việt nAM
23:34 - 25/02/2022
'Chúng tôi không xin tiền Nhà nước, mà xin cơ chế'
0:00 / 0:00
0:00
Ông Bùi Hữu Thêm, đại diện Hiệp hội Gỗ và Mỹ nghệ TP HCM nhấn mạnh tại tọa đàm “Hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân trong tình hình mới” rằng, các doanh nghiệp không xin tiền Nhà nước mà xin cơ chế, chính sách để phục hồi sau dịch.

Các hiệp hội đồng loạt xin hỗ trợ chuyển đổi số, cơ chế tiếp cận tín dụng

Một khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào quý III/2021 cho thấy cứ 10 doanh nghiệp thì có 9 doanh nghiệp cho người lao động nghỉ hoặc giãn việc do ảnh hưởng của dịch bệnh tới hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Còn theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, cũng trong quý III năm ngoái, có tới khoảng 96% doanh nghiệp phải đối diện với ít nhất một trong các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị, như khả năng tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền hay gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp trong đó cho biết không thể tiếp cận các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ của Chính phủ.

Đến nay, nhiều số liệu kinh tế khác nhau từ Tổng cục Thống kê cũng cho biết hoạt động doanh nghiệp đã có sự phục hồi rõ rệt trong quý IV/2021 và tháng 1/2022. Tuy nhiên, trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch, việc phục hồi nhanh chóng vẫn còn đối diện nhiều thách thức lớn.

Tại tọa đàm “Hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân trong tình hình mới” do Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) phối hợp với Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức chiều 25/2, hàng loạt hiệp hội ngành nghề trên toàn quốc đã bày tỏ kỳ vọng cấp thiết trong việc nhận hỗ trợ liên quan đến chuyển đổi số, tiếp cận tín dụng, mở rộng thị trường…

Ảnh tác giả

“Chúng tôi không xin tiền Nhà nước, chúng tôi xin cơ chế, xin chính sách, xin hỗ trợ... Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã đi mọi cửa, mất rất nhiều thời gian nhưng vẫn gặp khó khăn trong thủ tục vay vốn ngân hàng nên chưa thể tiếp cận được vốn”.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Mỹ nghệ TP HCM Bùi Hữu Thêm

Ông Thêm cho biết thêm, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp trẻ, mới hình thành và phải trải qua một giai đoạn khó khăn do tác động của đại dịch càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn.

Bên cạnh nhu cầu vốn, đại diện Hiệp hội Gỗ và Mỹ nghệ TP HCM bày tỏ hai nhu cầu cấp thiết khác mà khoảng 600 doanh nghiệp thành viên mong được hỗ trợ là chuyển đổi số và mở rộng thị trường. “Doanh nghiệp nghe về chuyển đổi số thì cũng rất muốn thực hiện, tuy nhiên loay hoay rất lâu, mất nhiều thời gian, công sức và chi phí mà hiệu quả chuyển đổi số lại không cao. Ngoài ra, khả năng tiếp cận thông tin để mở rộng thị trường còn rất hạn chế”, ông nói thêm.

Chủ tịch Hội nữ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mai Thị Thùy cũng gửi đến tọa đàm những nhận định về hàng loạt khó khăn của các doanh nghiệp thành viên trong bối cảnh phục hồi kinh tế: “Bây giờ mà nói về khó khăn thì nhiều lắm, nhiều vô cùng. Hàng tồn kho không bán được, doanh nghiệp không tuyển được lao động…”

Ảnh tác giả

"Chúng tôi chỉ trình bày nguyện vọng hỗ trợ 3 vấn đề chính: Một là đào tạo nâng cao năng lực bán hàng trực tuyến, kết nối đến các kênh thương mại điện tử quốc tế như Alibaba, Amazon; hai là hỗ trợ chuyển đổi số, lĩnh vực mà còn rất nhiều doanh nghiệp đang loay hoay; ba là đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý doanh nghiệp”.

Chủ tịch Hội nữ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mai Thị Thùy

Đồng quan điểm, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cũng cho rằng, doanh nghiệp du lịch rất cần hỗ trợ liên quan đến chuyển đổi số trong các khâu như chăm sóc khách hàng, booking… và ưu đãi tín dụng. “Một nhu cầu thiết thực là tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi trong bối cảnh du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất từ đại dịch”, ông Hoàng Nhân Chính cho hay.

Đại diện Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ, bà Đặng Thị Bích Hường nêu ý kiến rằng cần thiết có sự hỗ trợ và liên kết hợp tác giữa các hiệp hội trong quá trình chuyển đổi số, cũng như các hỗ trợ cơ chế thiết thực khác. “Ngành nông nghiệp hữu cơ có đặc thù là phần lớn sản phẩm đều là tươi sống, do đó rất mong được hỗ trợ, nhất là trong công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp sao cho tối ưu về chi phí và có tính áp dụng thực tiễn cao nhất”.

Nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp từ Dự án IPSC

Trong khi đó, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ hướng tới các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề, nhằm triển khai hiệu quả, bền vững và thiết thực 7 gói hỗ trợ dành cho khu vực tư nhân.

7 gói hỗ trợ mà IPSC dành cho các hiệp hội, tổ chức và doanh nghiệp khu vực tư nhân

7 gói hỗ trợ mà IPSC dành cho các hiệp hội, tổ chức và doanh nghiệp khu vực tư nhân

Theo đó, IPSC dành riêng một gói hỗ trợ đặc biệt cho các hiệp hội ngành nghề là gói kết nối mạng lưới phát triển dịch vụ. Gói này nhằm tăng cường kỹ năng ứng dụng công cụ số và gia nhập nền kinh tế số, đồng thời hướng tới nâng cao năng lực thực hiện đối thoại công tư (PPD) và vận động chính sách cho các hiệp hội thông qua các sự kiện tham vấn và phân tích chính sách của IPSC.

5 trong số 6 gói hỗ trợ còn lại hướng tới các doanh nghiệp Việt thuộc các hiệp hội, ngành nghề ưu tiên bao gồm nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, logistics, du lịch/sản phẩm hỗ trợ, với điều kiện bắt buộc là quy mô không quá 500 lao động toàn thời gian, doanh thu tăng trưởng 2 năm liên tiếp trong giai đoạn 2017-2021.

Gói hỗ trợ đầu tiên được thiết kế trong bối cảnh phục hồi kinh tế là gói thích ứng và tăng trưởng. Gói này hướng tới mục tiêu duy trì và cải thiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, với nội dung hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa, điều chỉnh kế hoạch nguồn cung ứng, quản trị linh hoạt nguồn nhân lực, quản lý dòng tiền, xây dựng kế hoạch thích ứng với đại dịch COVID-19.

Được quan tâm tại tọa đàm còn có gói hỗ trợ số hóa hoạt động doanh nghiệp. Nội dung gói mang đến hỗ trợ cho doanh nghiệp trong đánh giá nhu cầu số hóa, ứng dụng nền tảng SaaS, tức nền tảng số hóa hệ thống marketing và quản lý khách hàng, giao dịch trực tuyến, số hóa quản trị nhân sự…

Bên cạnh đó, IPSC cũng xây dựng gói hỗ trợ nâng cao năng lực tài chính nhằm tái cấu trúc tài chính và tiếp cận sản phẩm tài chính đa dạng. Nội dung gói này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các kênh cung cấp công cụ tài chính, công cụ tự đánh giá tài chính, tiếp cận các kênh cung ứng tài chính phù hợp và xây dựng các tài liệu, hồ sơ tiếp cận vốn. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được tư vấn 1-1 từ các chuyên gia về lựa chọn sản phẩm tài chính và kết nối với các tổ chức tài chính, từ đó nâng cao cơ hội tiếp cận dòng tín dụng chất lượng.

Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ, IPSC cũng dành một phần cho gói nâng tầm giá trị Việt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thị trường và khách hàng mục tiêu, nghiên cứu và tìm kiếm nguyên liệu đầu vào mới của Việt Nam, tích hợp các giá trị thuần Việt vào chiến lược thiết kế và tiếp thị sản phẩm, từ đó tạo ra tăng cường giá trị gia tăng và thương hiệu cho doanh nghiệp nội.

Gói hỗ trợ cuối cùng cho nhóm đối tượng doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa mang tên mở rộng thị trường, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá các kênh phân phối hiện tại, tìm hiểu các kênh mới, xây dựng kế hoạch tiếp thị và bán hàng cho tăng kênh, triển khai các kênh bán hàng trực tuyến, tối ưu hóa tiếp thị trực tuyến (Digital Marketing).

Một gói hỗ trợ đặc biệt khác dành riêng cho các doanh nghiệp tiên phong, đầu ngành có sản phẩm mang tính “giá trị Việt” là gói “Giá trị Việt Nam vươn ra thế giới”. Gói này được thiết kế với thời gian triển khai dài hơi trong khoảng 30 tháng, trải qua 4 giai đoạn: định hướng (2 tháng), đánh giá doanh nghiệp (2 tháng), hỗ trợ kỹ thuật (24 tháng), tổng kết (2 tháng).

Thông qua gói này, doanh nghiệp có cơ hội được hỗ trợ đánh giá toàn diện và xây dựng lộ trình chuyển đổi trong kế hoạch kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và năng lực tài chính, văn hóa doanh nghiệp và cuối cùng là năng lực cạnh tranh, đổi mới.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.