Cơ hội tăng trên 30% giá trị cho sản phẩm nông sản khi có chỉ dẫn địa lý

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
09:04 - 05/12/2021
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00

Việt Nam có nhiều lợi thế về các mặt hàng nông sản nhưng lại chưa có được nhiều phương thức chế biến đa dạng, vì vậy chỉ dẫn địa lý sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để giúp nâng cao giá trị trên thị trường trong nước và cơ hội lớn vươn quốc tế.

Mới đây, Cục sở hữu trí tuệ ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm chỉ dẫn địa lý số 111, 112 và 113 cho 3 sản phẩm hạt tiêu “Đắk Nông”, ốc hương “Khánh Hòa” và chè shan “Phình Hồ”.

Hạt tiêu “Đắk Nông” là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Đắk Nông được Cục cấp phép chứng nhận chỉ dẫn địa lý, đây là dấu hiệu dùng để chỉ dẫn cho các sản phẩm tiêu đen, tiêu đỏ và tiêu trắng.

Chỉ dẫn địa lý cho hạt tiêu Đắk Nông đánh dấu một thành công lớn trong việc khẳng định chất lượng, vị thế của hồ tiêu Đắk Nông trên thị trường. Các sản phẩm này có chất lượng đặc thù, được thu hoạch từ cây hạt tiêu trồng trên địa bàn tỉnh.

Đăk Nông là một trong những khu vực cho năng suất hạt tiêu cao nhất Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu hạt tiêu số 1 thế giới. Từ những năm 1980, hạt tiêu đã được phát triển tại Đắk Nông, tập trung chủ yếu ở các hợp tác xã và nông trường quốc doanh với diện tích khoảng 40 – 50 ha. Tổng diện tích trồng hiện đạt 33.591 ha, sản lượng 60.049 tấn.

Nhờ phát triển trên nền đất bazan màu mỡ nên thành phần khoáng có trong hạt tiêu của Đắk Nông cao hơn so với các vùng trồng tiêu khác. Bên cạnh đó, Đắk Nông được cộng đồng hạt tiêu trong và ngoài nước đánh giá cao là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào sản xuất hạt tiêu sạch, an toàn.

Khu vực chỉ dẫn địa lý được bảo hộ gồm địa bàn các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đây là những nơi có yếu tố tự nhiên, thổ nhưỡng đáp ứng các tiêu chí như: Loại đất sản xuất, độ cao tuyệt đối, độ dốc, lượng mưa, nhiệt độ...

Đối với sản phẩm chè mang chỉ dẫn địa lý “Phình Hồ” dùng để phân biệt giữa giống chè shan được trồng ở khu vực có độ cao trung bình từ 1.100 mét đến 1.300 mét tại Yên Bái so với các vùng chè shan khác. Khu vực địa lý được bảo hộ là xã Phình Hồ và xã Làng Nhì thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.

Các nghiên cứu về chè Shan đã chỉ ra ở những nơi có độ cao lớn thì biên độ nhiệt độ ngày đêm lớn, khu vực địa lý có biên độ nhiệt ngày và đêm từ 8°C đến 10°C, ánh sáng yếu, thời gian chiếu sáng trong ngày ngắn, khí hậu ẩm và có nhiều mây mù nên đã tạo ra trong chè hàm lượng chất thơm cao hơn những nơi có độ cao thấp.

Ngoài yếu tố tự nhiên, yếu tố con người cũng góp phần không nhỏ xây dựng tính đặc thù của chè shan “Phình Hồ”. Trong quá trình sản xuất, người dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, hạn chế việc đốn, tỉa đặc biệt là đốn đau nên thời gian tích lũy dinh dưỡng trong cây dài, tạo búp chè có chất lượng cao.

Chè được thu hái hoàn toàn bằng tay với tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá non, mỗi năm chỉ thu hái từ 3- 4 lần, không tận thu. Để tạo màu trắng đục của chè trắng, người dân phơi chè rất tỉ mẩn, chỉ phơi dưới nắng nhẹ đến khoảng 10h vào buổi sáng và luôn duy trì độ ẩm ổn định ở mức 12% đến 13% đối với chè phổ nhĩ thành phẩm. Chính vì vậy, các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu chè san Phình Hồ có mùi thơm mạnh hơn các sản phẩm của các khu vực địa lý khác.

Quy trình sạch tạo nên thương hiệu chè shan "Phình Hồ"
Quy trình sạch tạo nên thương hiệu chè shan "Phình Hồ"

Ốc hương “Khánh Hòa” là loại ốc sống trong môi trường nước biển sạch, với nhiệt độ nước trung bình dao động từ 28,9 – 30 độ C, nồng độ muối từ 32,4 – 33%, hàm lượng oxy hòa tan trong nước cao từ 5,0 – 5,3mg/l. Bởi vậy ốc hương “Khánh Hòa” có vị đặc trưng riêng biệt, không hòa lẫn với các vùng khác.

Môi trường nước biển sạch tạo điều kiện để người dân Khánh Hòa có thể chủ động được nguồn, từ đó có nhiều lựa chọn giống tốt để thả nuôi.

Tỉnh Khánh Hòa có bờ biển dài với một hệ thống vũng vịnh, đảo, bán đảo, cửa sông, đầm phá, ít bị gió bão. Đặc thù địa hình này giúp cho hình thức nuôi ốc hương tại Khánh Hòa đa dạng. Ngoài nuôi ốc hương bằng lồng trên biển, người dân địa phương còn nuôi ốc hương trong ao, trong đầm bằng cách dẫn nước từ biển.

Mặt khác, người dân tại Khánh Hòa sử dụng máy sục xới đảo nền máy thay vì dùng công cụ thô sơ. Điều đó không chỉ giúp nền đáy nuôi ốc hương sạch đều hơn mà còn phân tán đều thức ăn trong khu vực nuôi, đảm bảo trọng lượng cân của số lượng ốc.

Khu vực địa lý bảo hộ bao gồm xã Vạn Thọ, xã Vạn Phước, xã Vạn Khánh, xã Vạn Thắng, xã Vạn Hưng, xã Vạn Thạnh, thị trấn Vạn Giã thuộc huyện Vạn Ninh; Xã Ninh Phú, xã Ninh Phước…

Tiền đề để tiến tới sở hữu chỉ dẫn địa lý nước ngoài

Các sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam cần đáp ứng đủ các yêu cầu về quy mô sản xuất lớn, đồng đều; có hệ thống nhân viên sản xuất có trình độ chuyên môn cao…

Sản phẩm chỉ dẫn địa lý sẽ có lợi thế về mặt danh tiếng, đồng thời giá trị sản phẩm cũng tăng lên rất nhiều.

Thực tế cho thấy, khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, giá bán nước mắm Phú Quốc tăng từ 30-50%, chuối ngự Đại Hoàng tăng 100-130%, mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%, bưởi Phúc Trạch tăng từ 30-35%, cam Vinh tăng hơn 50% sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đáng chú ý là một số sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý cũng đã được xuất khẩu, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài như thanh long Bình Thuận, vải thiều Lục Ngạn...

Theo Bộ Công Thương, cập nhật đến 30/11/2021, Việt Nam đã bảo hộ 107 sản phẩm chỉ dẫn địa lý trong nước và 6 sản phẩm chỉ dẫn địa lý nước ngoài (bao gồm rượu mạnh Scotch whisky, rượu mạnh Cognac, đường thốt nốt Kampong Speu, hạt tiêu Kampot, thịt bò Kagoshima Wagyu và hồng Ichida).

Hồng Ichida và 5 sản phẩm khác được chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam

Hồng Ichida và 5 sản phẩm khác được chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam

Việc được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý sẽ là tiền đề để các sản phẩm tại Việt Nam có cơ hội đăng ký chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, có cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản… từ đó tạo ra thương hiệu cho sản phẩm và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, người sản xuất.

Tại thị trường châu Âu, Việt Nam có 39 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận địa lý như nước mắm Phú Quốc, trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuật, bưởi Đoan Hùng…

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu phải đạt hai loại chứng nhận cơ bản là GolbalGap (tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) và chứng nhận HACCP (hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên cơ sở phân tích mối nguy hiểm và điểm kiểm soát tới hạn).

Với thị trường “khó tính” như châu Âu, người sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát trong mọi khâu sản xuất. Ngoài ra, các chủ thể sản xuất cần đảm bảo phúc lợi cho người lao động, độ tuổi lao động và vấn đề bảo vệ môi trường.

Tại Nhật Bản, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm chỉ dẫn địa lý, doanh nghiệp đăng ký phải chứng mình được đặc tính của sản phẩm được tạo ra từ phương pháp sản xuất đã được duy trì ổn định trong ít nhất 25 năm.

Bên cạnh đó, các hoạt động quản lý sản phẩm chỉ dẫn địa lý sau bảo hộ là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành. Việc nhanh chóng kiện toàn năng lực của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý và nâng cao nhận thức của người nông dân, nhằm tuân thủ một cách chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất, đảm bảo đặc tính của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sản phẩm là yêu cầu cần thiết khi muốn tồn tại ở thị trường “khó tính” này.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.