Cơ hội để cà phê Việt Nam tiếp cận các thị trường có giá trị cao hơn

cà phê Việt nAM
01:31 - 27/11/2021
Thu hoạch cà phê tại Đắk Lắk
Thu hoạch cà phê tại Đắk Lắk
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà bán lẻ và công ty rang xay thế giới đang có xu hướng rút ngắn chuỗi cung ứng, tìm trực tiếp các nguồn cung ứng cà phê nhân, đây là cơ hội cho các DN xuất khẩu cà phê Việt Nam bước chân vào các thị trường lớn có lợi nhuận cao hơn. 

Khó khăn trong nước: giá cao, xuất khẩu tốt nhưng thiếu nguồn nhân lực

“Đại dịch đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê ở nhiều địa phương. Hiện nay, giá cà phê đang có chiều hướng tăng nhưng lại thiếu nhân công thu hoạch trong khi chi phí sản xuất cao... khiến cả người trồng và doanh nghiệp đều gặp rất nhiều khó khăn khi bước vào niên vụ mới".

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Đắk Lắk tại hội thảo “Các giải pháp phục hồi kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành cà phê trong nền kinh tế số”, sáng 26/11

Trong niên vụ 2020-2021, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu cà phê đạt 201.393 tấn, tăng 6.146 tấn so với niên vụ 2019-2020 (tăng 3,1%), chiếm tỷ trọng 13,4% so với cả nước. Kim ngạch xuất khẩu cà phê toàn tỉnh đạt 366,2 triệu USD, tăng 34,224 triệu USD so với niên vụ trước, chiếm tỷ trọng 13% so với cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Hiền, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với ngành cà phê Đắk Lắk là nguồn lao động, lực lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lao động không thể tập trung vào các địa bàn thu, hái cà phê như những năm trước.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Thế giới thiếu hụt nguồn cung cà phê arabica và cơ hội cho Việt Nam

Nói chuyện với 120 doanh nghiệp cà phê Đắk Lắk tham gia hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thông tin về việc để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng của ngành cà phê thế giới, các nhà bán lẻ và công ty rang xay thế giới đang có xu hướng rút ngắn chuỗi cung ứng, tìm trực tiếp các nguồn cung ứng cà phê nhân.

"Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp, các hộ trồng cà phê của Việt Nam. Điều đó có nghĩa là, nếu chúng ta cải thiện được chất lượng (rang, khử caffein) thì có thể tiếp cận các thị trường lớn và lợi nhuận cao hơn", ông Cương nói.

Tờ Bloomberg tuần rồi cũng đưa tin một số công ty rang xay và nhà bán lẻ cà phê trên thế giới đang chuyển sang sử dụng cà phê robusta hoặc đang có ý định như vậy khi giá cà phê arabica tăng vọt do nguồn cung thiếu hụt trên toàn cầu. Với tư cách là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nếu sự chuyển đổi này diễn ra mạnh mẽ.

"Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, được kỳ vọng bội thu vụ cà phê trong năm nay nhưng các nhà xuất khẩu trong nước đang chật vật chuyển cà phê ra nước ngoài do cuộc khủng hoảng vận tải biển. Giới kinh doanh dự báo cà phê robusta rốt cục sẽ được bung ra thị trường quốc tế nhờ nguồn cung dồi dào hơn cà phê arabica," tờ Bloomberg viết.

FTAs là cánh cửa để ngành cà phê tiếp cận các thị trường có giá trị lớn hơn

Bên cạnh đó, theo ông Cương việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã tạo thêm cơ hội rõ rệt cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường lớn có thu nhập cao.

Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2020 Đức là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm 12,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt 223.581 tấn, kim ngạch thu về 350,41 triệu USD.

Đối với CPTPP, có 9 nước xóa bỏ thuế quan ngay đối với cà phê nguyên liệu (mã HS 09) và cà phê hòa tan (mã HS 21) khi Việt Nam mới gia nhập. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng đã đưa thuế nhập khẩu cà phê Việt Nam về 0% và có sự bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cà phê Buôn Mê Thuột. Đây là cơ hội đầu tư tập trung gắn với thương hiệu cho loại cà phê này.

Quan hệ Việt Nam trong các FTA

Quan hệ Việt Nam trong các FTA

“Bắc Âu là một gợi ý đầy tiềm năng trong xu hướng này. Nếu năm 2019, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê chưa rang, chưa khử cafein vào Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và giá trị chỉ đạt khoảng 6,8 triệu USD thì thời gian sau dịch là cơ hội để chúng ta cải thiện con số đó”, ông Cương phân tích.

Các FTA cũng là cơ hội thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, chế biến cà phê của Việt Nam như việc tập đoàn Nestle vừa tăng đầu tư vào Đồng Nai thêm 132 triệu USD đầu tháng 10/2021 là một minh chứng rõ ràng.

Để ngành cà phê Việt Nam có thể nắm bắt tốt cơ hội, Phó Viện trưởng CIEM khuyến nghị việc cần làm ngay lúc này là các doanh nghiệp nên đầu tư hơn vào chiều sâu, nâng cao năng suất, trình độ khoa học công nghệ trong chế biến… để tiến đến phân khúc giá mới, tăng cường kết nối để cùng thực hiện các đơn hàng lớn của nhà nhập khẩu nước ngoài.

Ảnh tác giả

Tuy nhiên, nếu thiếu năng lực thể chế và năng lực của các doanh nghiệp cà phê trong việc tận dụng cơ hội từ các FTAs thế hệ mới, thì tất cả sẽ chỉ là “cơ hội”, là “tiềm năng”, là “có thể”.

Yêu cầu đặt ra là cần cải thiện được quy trình chế biến cà phê gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, để xuất khẩu sản phẩm này sang các nước đối tác FTA dễ dàng hơn, tận dụng được triệt để mọi ưu đãi thuế quan và hỗ trợ kỹ thuật trong các hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEP

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM

Trả lời câu hỏi của MEKONG ASEAN về ảnh hưởng của Covid đối xuất khẩu cà phê và những định hướng hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành cà phê Việt Nam, ông Nguyễn Hoa Cương nói "ngành cà phê không chịu quá nhiều ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19."

“Một báo cáo cho thấy có đến 23% tổng số lực lượng lao động toàn cầu sẽ làm việc tại nhà với năng suất không đổi trong khi đó, cà phê là sản phẩm có thể dùng được mọi lúc, mọi nơi nên khả năng tiêu thụ cũng sẽ không đổi”, ông Cương nói.

Ảnh tác giả

"Khả năng xuất khẩu cà phê của Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu của các thị trường mà còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng sản phẩm. Để đưa cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới là một chuyện nhưng để cà phê Việt Nam có chỗ đứng vững chắc và cạnh tranh được thì câu chuyện này còn nhiều thách thức"

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng CIEM

Để hỗ trợ các doanh nghiệp và các hộ trồng cà phê phục hồi sau COVID-19, Phó Viện trưởng Cương cho biết, Chính phủ đã có nhiều chính sách liên quan đến phát triển cà phê bền vững, mô hình tái canh cà phê, một số chương trình hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch...

Về chính sách, ông Cương nói, nội dung quan trọng đang được các Bộ đẩy mạnh là hỗ trợ doanh nghiệp về chuyển đổi số và hướng hoạt động doanh nghiệp theo các phương thức của nền kinh tế số. "Tuy nhiên, muốn có được kết quả tốt thì trước hết, doanh nghiệp phải là người nhìn ra vấn đề. Doanh nghiệp nào “đứng dậy” sớm nhất, nhận thức được lợi ích của tận dụng kinh tế số thì sẽ sớm hưởng thành quả”, ông Cương nói.

Xuất khẩu cà phê cả nước nhích về kim ngạch, giảm về số lượng

Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,273 triệu tấn, trị giá 2,41 tỷ USD trong khi con số này của năm 2020 là 1,57 triệu tấn đạt 2,74 tỷ USD.

Như vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 5,1% về khối lượng nhưng giá trị vẫn tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước...

Giá cà phê xuất khẩu hiện đạt gần 2.370 USD/tấn. Công ty tư vấn Fitch Solutions dự báo giá cà phê có thể duy trì cao đến năm 2022 do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng trở lại, giá cà phê arabica bình quân năm 2022 dự kiến sẽ tăng từ 1,25 USD/lb lên 1,5 USD/lb.

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 11 và 12/2021, mỗi tháng sẽ đạt khoảng 130 nghìn tấn. Nếu vẫn giữ được giá cao như hiện nay, có thể đem về thêm 600 triệu USD trong 2 tháng cuối năm, đưa kim ngạch cà phê cả năm đạt ngưỡng 3 tỷ USD.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.