Cổ phiếu bất động sản 'nổi sóng' kéo VN-Index vượt 1.170 điểm

VHM PGB
16:27 - 17/07/2023
Giao dịch nhóm bất động sản và xây dựng phiên 17/7.
Giao dịch nhóm bất động sản và xây dựng phiên 17/7.
0:00 / 0:00
0:00
Cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng giúp VN-Index tiếp đà tiến lên. VHM của Vinhomes tiếp tục diễn biến tích cực sau thông tin trúng dự án lớn tại Hải Phòng.

Sau tuần trước tăng điểm mạnh, VN-Index tiếp tục tích cực trong phiên đầu tuần mới. Chỉ số tăng gần 5 điểm so với kết phiên thứ Sáu, lên mốc 1.173,13 điểm. HNX-Index và UPCoM cũng đều kết phiên trong sắc xanh.

Thanh khoản cũng duy trì ở mức cao với hơn 21.000 tỷ đồng được giao dịch. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 2.500 tỷ đồng và mua ròng hơn 500 tỷ đồng. VHM được mua ròng mạnh nhất với giá trị 178 tỷ đồng. Tiếp theo là SSI với 130 tỷ đồng, VNM 66 tỷ đồng, HCM 53 tỷ đồng, VIC 52 tỷ đồng, VCB, PNJ và NVL hơn 40 tỷ đồng.

Chiều người lại, khối ngoại tập trung bán ròng cổ phiếu ngân hàng. Dẫn đầu là VPB với 103 tỷ đồng. CTG và STB bị bán ròng hơn 50 tỷ đồng. Còn lại, khối ngoại bán ròng rải rác EIB, BID, PLX, POW, LPB, MSN…

VHM là mã tác động tích cực nhất đến thị trường khi tăng 4,6%, lên mức giá 59.000 đồng - cao nhất kể từ tháng 9/2022. So với vùng đáy lịch sử hồi đầu tháng 3/2023, VHM đã tăng gần 44% thị giá. Vốn hóa Vinhomes cũng theo đó tăng thêm khoảng 78.000 tỷ đồng (khoảng 3,3 tỷ USD) chỉ sau khoảng hơn 4 tháng.

Với quy mô vốn hóa lên đến hơn 256.900 tỷ đồng (gần 11 tỷ USD), Vinhomes hiện đang là doanh nghiệp giá trị nhất trong nhóm bất động sản và lớn thứ 2 toàn sàn chứng khoán chỉ sau Vietcombank.

VHM diễn biến tích cực sau khi Vinhomes được TP Hải Phòng chấp thuận là nhà đầu tư dự án khu đô thị mới tại khu vực quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy có tổng diện tích dự án gần 241 ha. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 23.218 tỷ đồng.

Không chỉ VHM, nhóm bất động sản hôm nay còn chứng kiến nhiều mã tăng mạnh, giúp vốn hóa toàn nhóm tăng 2,5% và dẫn đầu thị trường. Tăng trần có DXS, LDG, QCG, HAR… VIC tăng gần 3%, VRE tăng 2,3%; DIG, DXG, KDH, PDR đều tăng hơn 2%. DIG dẫn đầu thanh khoản với 47,5 triệu cổ phiếu được giao dịch.

Nhóm xây dựng vốn có mối liên hệ thuận chiều với nhóm bất động sản nhưng hôm nay lại đi ngược. CTD giảm 2,5%. CII, VCG, HHV, LCG, FCN, PC1 đều kết phiên với sắc đỏ. Cá biệt có HTN của Hưng Thịnh Incons vẫn tăng trần lên mức giá 16.200 đồng/cp.

Ngoài nhóm bất động sản đột phá thì các nhóm khác có biến động không lớn, dòng tiền phân hóa theo cổ phiếu. Như tại nhóm chứng khoán, SSI, HCM và VIX có đóng góp lớn nhất cho chiều tăng với tỷ lệ +1,1%, +2,2% và +2,4%. Ngược lại, VND là gánh nặng nhất khi giảm 1,1%. Tăng mạnh nhất trong nhóm là BMS +12,1%, EVS +7,9%, IVS +5%, ORS +2,6%; còn giảm mạnh nhất là HAC -4,3%, CSI -2,1%.

Nhóm ngân hàng bị kéo giảm nhẹ do STB giảm 3,4% xuống mức 28.000 đồng/cp. Sau khi leo lên vùng giá 30.000 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 4/2022, cổ phiếu của Sacombank đã chịu áp lực điều chỉnh. Cổ phiếu này liên tục nằm trong top bán ròng của khối ngoại các phiên gần đây.

Các bluechip ngân hàng BID, CTG, MBB, TCB, VCB đều giảm giá, tuy nhiên mức điều chỉnh chỉ trên dưới 1%. Vốn hóa toàn nhóm được bảo toàn nhờ VPB tăng 2,8%, TPB tăng 0,6%, EIB tăng 3,4%... Đáng chú ý là PGB tăng 12,7%.

Từ đầu tháng 7 đến nay, cổ phiếu của PG Bank lại có nhịp tăng dựng đứng, từ vùng giá 26.000 đồng lên 32.900 đồng (kết phiên 17/7), tương ứng 27%. Trước đó, giai đoạn từ 20/2-10/4, mã này cũng “phi nước đại” từ vùng giá 17.000 đồng lên trên 33.000 đồng.

Cổ phiếu PGB biến động mạnh cùng câu chuyện thoái vốn. Ngày 7/4, Petrolimex (mã PLX) bán đấu giá thành công 120 triệu cổ phiếu PGB, tương ứng 40% vốn điều lệ PG Bank với giá trung bình là 21.400 đồng/cổ phiếu cho 4 nhà đầu tư (3 tổ chức và 1 cá nhân).

Mới đây nhất, trong ngày 11/7, hai người thân (chị ruột và em ruột) của ông Đinh Thành Nghiệp - Phó Tổng giám đốc kiêm Ủy viên HĐQT PGB đã bán ra toàn bộ gần 7,5 triệu cổ phiếu PGB để giảm sở hữu về 0%. Số cổ phiếu này tương ứng 2,51% vốn điều lệ tại PG Bank.

Tin liên quan

Đọc tiếp