Cổ phiếu Techcombank chào tạm biệt top 10 vốn hóa lớn trên sàn HoSE

techcombank NGÂN HÀNG
18:07 - 19/04/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Cổ phiếu TCB của Techcombank vừa chạm đáy thấp nhất 1 năm qua, rời top 10 vốn hóa lớn. Kết phiên 19/4, TCB lui về mức giá 43.700 đồng/cp. Từ 1/4 đến nay, mã bank này liên tục lao dốc, từ mức giá 50.300 đồng, tương đương mức giảm 15%.

Vốn hóa của Techcombank trên sàn cũng giảm từ hơn 176.000 tỷ đồng xuống còn 157.465 tỷ đồng và rời khỏi top 10 vốn hóa lớn.

Còn tính từ tháng 7/2021 với mức giá đỉnh 58.000 đồng, thị giá TCB đã giảm gần 33% và vốn hóa bốc hơi hơn 45.500 tỷ đồng. Chuỗi xuống dốc này đã khiến Techcombank bị VPBank vượt qua về giá trị vốn hóa.

Mặc dù theo xu hướng giảm chung của thị trường và nhóm ngân hàng nhưng TCB có thể đã gây thất vọng hơn bởi đây là nhà băng nằm trong nhóm được kỳ vọng nhất về tăng trưởng. SSI Research dự báo, Techcombank đạt 6.500 - 6.700 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I/2022, tăng 18 - 21% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và chi phí tín dụng giảm.

Chứng khoán KB (KBSV) nhận định lợi nhuận sau thuế của Techcombank năm 2022 có thể đạt 23.621 tỷ đồng, tăng 28,2%. Lợi nhuận này đến từ thu nhập lãi thuần 36.249 tỷ, tăng 35,7%; tăng trưởng tín dụng có thể đạt 23% nhờ vào việc các doanh nghiệp đẩy mạnh vay nợ để hồi phục sau dịch Covid-19. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ có thể tăng thêm 1.973 tỷ, đạt mức 8.355 tỷ. Trên cơ sở đó, KBSV đưa ra mức giá mục tiêu cho TCB là gần 65.600 đồng/cp.

Giá cổ phiếu TCB lình xình quanh mốc 50.000 đồng rồi lao dốc. TradingView

Giá cổ phiếu TCB lình xình quanh mốc 50.000 đồng rồi lao dốc. TradingView

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Techcombank sẽ ở mức 29.100 tỷ đồng, tăng trưởng 25%. Dựa trên giá trị sổ sách dự phóng năm 2022 cho mỗi cổ phiếu là 32.721 đồng, VDSC duy trì giá mục tiêu 71.000 đồng, tương đương suất sinh lợi hơn 62% so với giá đóng cửa phiên 19/4.

Trong báo cáo đánh giá về ngành ngân hàng Việt Nam mới đây, Ngân hàng đầu tư toàn cầu Credit Suisse cũng đã đưa TCB vào danh sách 6 mã tiềm năng và nổi bật nhất trong ngành ngân hàng với giá mục tiêu 77.000 đồng, tương ứng upside tăng giá 76% so với thời điểm hiện tại.

Thực tế trong 10 năm qua, Techcombank là nhà băng có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong hệ thống ngân hàng với tỷ lệ 451%. Nhờ tiên phong trong chuyển đổi số, miễn phí dịch vụ, cuối năm 2020, TCB ghi dấu ấn khi đạt tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao nhất lịch sử ngành ngân hàng (46,1%). Năm 2021, TCB tiếp tục dẫn đầu ở mảng này với tỷ lệ với 50,5%. Năm ngoái cũng là năm TCB cán mốc lợi nhuận tỷ USD, chỉ đứng sau Vietcombank.

Với mức tăng trưởng đã đạt và đang được kỳ vọng, việc cổ phiếu TCB chỉ lình xình quanh vùng giá 50.000 đồng khiến nhà đầu tư không khỏi sốt ruột. Trong khi đó, những mã bank khác như BID, VPB, VCB, CTG… đều đã có những phiên tỏa sáng từ đầu năm.

Vẫn chưa chia cổ tức

Theo tài liệu họp cổ đông 2022, ban lãnh đạo TCB sẽ trình cổ đông thông qua việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh. Cộng với hơn 26.743 tỷ đồng chưa sử dụng của các năm trước, lợi nhuận tích lũy có thể phân phối của Techcombank dự kiến tăng lên gần 40.137 tỷ đồng.

Nếu được được thông qua thì đây sẽ là năm thứ 11 TCB không chia cổ tức bằng tiền mặt và là năm thứ tư liên tiếp không chia cổ tức. Lần gần nhất, Techcombank chia cổ tức với hình thức cổ phiếu là năm 2018. Khi đó, TCB “chơi lớn” với tỷ lệ phát hành 200%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận thêm 2 cổ phiếu thưởng. Sau phát hành, vốn điều lệ của Techcombank đã tăng lên gấp 3 lần.

Trong cuộc họp cổ đông năm 2021, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết, vốn chủ sở hữu mới thực sự quan trọng đối với hoạt động ngân hàng, trong khi vốn điều lệ chỉ có ý nghĩa tại một số văn bản pháp lý. Một số ngân hàng thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc thưởng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ là định hướng riêng của từng nhà băng và việc phát hành mới sẽ khiến giá cổ phiếu bị pha loãng.

Theo Chủ tịch TCB, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu hay không chia là không quan trọng vì Techcombank đã tăng đủ vốn điều lệ để đáp ứng các chỉ số hoạt động. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để sử dụng sao cho giá trị ngân hàng tăng lên.

Ban lãnh đạo Techcombank cũng từng thừa nhận động thái không chia cổ tức khiến một số cổ đông không vui nhưng bù lại giá trị cổ phiếu và các chỉ số an toàn sẽ tăng lên.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.