VPBank thế chỗ Techcombank trên bảng xếp hạng vốn hóa lớn

NGÂN HÀNG Việt nAM
10:45 - 08/04/2022
VPBank thay đổi mặt tiền chi nhánh theo định vị thương hiệu mới. Ảnh: VPBank
VPBank thay đổi mặt tiền chi nhánh theo định vị thương hiệu mới. Ảnh: VPBank
0:00 / 0:00
0:00
Trong khi cổ phiếu của VPBank (mã VPB) đang có dấu hiệu vượt đỉnh thì cổ phiếu của Techcombank (mã TCB) lại lình xình suốt một thời gian dài. Tại thời điểm ngày 8/4, VPB đã chính thức vượt qua TCB trên bảng xếp hạng top 10 vốn hóa lớn trên sàn HoSE.

Trong khi thị trường bị tác động bởi những thông tin tiêu cực khiến dòng tiền tháo chạy khỏi nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, chuyển sang nhóm vốn hóa lớn an toàn hơn thì cổ phiếu VPB của VPBank đã bứt phá lên gần vùng đỉnh lịch sử (40.400 đồng/cp). Nhờ vậy, vốn hóa của VPB trên sàn đã đạt mức trên 177.000 tỷ đồng, xếp vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng top 10 vốn hóa lớn. Tính từ đầu năm đến nay, vốn hóa VPBank đã tăng thêm 22.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn hóa lớn thứ 3 trên sàn, chỉ còn đứng sau Vietcombank và BIDV.

Cũng nằm trong rổ VN30 nhưng cổ phiếu TCB của Techcombank lại không nhận được sự quan tâm của dòng tiền. Suốt từ đầu tháng 3 đến nay, mã này chỉ lình xình quanh vùng 49.000 đồng. Vốn hóa cũng giậm chân tại chỗ ở mức hơn 172.561 tỷ đồng. Từ vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng top 10, TCB bị VPB, MSN vượt qua và hiện đã lui về vị trí thứ 9. Theo sau là NVL với vốn hóa 165.437 tỷ đồng.

Sức hấp dẫn của VPB

Cùng là hai ngân hàng có sự tăng trưởng vượt trội trong những năm gần đây nhưng thời gian qua, VPBank dường như lấn lướt hơn khi liên tục tung ra các thông tin hấp dẫn. Mới đây, VPBank gây chú ý khi chính thức công bố tái định vị thương hiệu lần thứ 2.

Theo đó, hình ảnh hoa thịnh vượng cách điệu với hai màu xanh lá - đỏ quen thuộc vẫn được VPBank lưu giữ, tuy nhiên cụm logo đã được tinh chỉnh lại theo tỷ lệ vàng với sự kết hợp của hai khối vuông và tròn - biểu trưng cho sự kết hợp giữa con người và công nghệ. Đi cùng với "bông hoa thịnh vượng" là một tuyên ngôn hoàn toàn mới: "Vì một Việt Nam thịnh vượng".

Cổ phiếu VPB đang có dấu hiệu vượt đỉnh. TrangdingView

Cổ phiếu VPB đang có dấu hiệu vượt đỉnh. TrangdingView

Hơn 10 năm trước (năm 2010), thời điểm VPBank chính thức đổi tên và lần đầu công bố phương châm "Hành động vì những ước mơ", "ngân hàng màu xanh" lúc ấy vẫn bị xếp ở nhóm các ngân hàng "đàn em" với lợi nhuận ít ỏi.

Lãnh đạo của VPBank cũng vừa dự phóng về khoản lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I năm nay có thể đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với mức hơn 4.006 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Khoản lợi nhuận này đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và các khoản thu nhập bất thường. Trước đó, tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank từng chia sẻ: "2022 là năm VPBank đột phá trở lại ở cả ngân hàng mẹ và FE Credit".

Trong báo cáo chiến lược mới đây của SSI Research, VPB là một trong hai cổ phiếu ngân hàng tiềm năng, cùng với MBB của MB. Nhóm phân tích kỳ vọng ngân hàng này sẽ đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý I, với tăng trưởng tín dụng và huy động trong quý I dự kiến đạt lần lượt +7% và +12% so với cùng kỳ năm trước (so với mức bình quân ngành là khoảng 4% và 2%). Lợi nhuận trước thuế dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng (tăng 175% so với cùng kỳ), bao gồm toàn bộ khoản phí trả trước từ hợp đồng bancassurance với AIA.

Trước đó, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng nhận định hoạt động của FE Credit sẽ phục hồi vào năm 2022. Sự phục hồi của mảng tài chính tiêu dùng của VPBank vào năm 2022 sẽ hỗ trợ cho việc mở rộng NIM hợp nhất. Ngoài ra, VCSC cũng đặt kỳ vọng lớn vào quá trình tăng vốn tại VPBank vào năm 2022. Vốn tự có cao là tài sản chiến lược của các ngân hàng tại Việt Nam trong những năm gần đây do Ngân hàng Nhà nước ưu tiên các ngân hàng có vốn hóa tốt hơn khi phân bổ hạn mức tín dụng.

Trong năm 2021, VPBank đã hoàn tất việc bán 50% vốn tại FE Credit, nâng vốn chủ sở hữu ngân hàng lên gần 90.000 tỷ đồng, thuộc nhóm cao nhất hệ thống.

Tuy nhiên, vấn đề của VPBank là nợ xấu năm 2021 đã vươn lên vị trí dẫn đầu toàn ngành, với con số nợ xấu nội bảng là 15.887 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021, tăng 60% so với cuối năm 2020.

TCB có gì?

Còn đối với ngân hàng Techcombank, thông tin gần đây nhất của doanh nghiệp này là kế hoạch không chia cổ tức năm 2021, nâng quỹ lợi nhuận chưa phân phối sau nhiều năm lên hơn 40.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo giải thích, động thái trên nhằm bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Nếu được cổ đông thông qua, đây sẽ là năm thứ 11 Techcombank không chia cổ tức bằng tiền mặt. Lần gần nhất, Techcombank chia cổ tức với hình thức cổ phiếu là năm 2018, mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ nhận thêm 2 cổ phiếu mới. Nguồn chia cổ phiếu lấy từ lợi nhuận chưa phân phối và thặng dư vốn từ việc bán cổ phiếu quỹ.

Cổ phiếu TCB trượt dốc từ hồi đầu tháng 2 năm nay và chưa thể bứt phá trở lại. TradingView

Cổ phiếu TCB trượt dốc từ hồi đầu tháng 2 năm nay và chưa thể bứt phá trở lại. TradingView

Tại đại hội cổ đông năm ngoái, lãnh đạo Techcombank tuyên bố sẽ đưa giá trị vốn hóa của ngân hàng này trên thị trường chứng khoán lên 20 tỷ USD vào năm 2025, từ mức hơn 6 tỷ USD chốt phiên 23/4/2021. Hiện tại, sau gần 1 năm, vốn hóa của TCB đã tăng lên 7,5 tỷ USD. Năm 2021, Techcombank ghi nhận lợi nhuận sau thuế 18.398 tỷ đồng, tăng tới 46% so với năm 2020, nhờ đó vượt qua VietinBank để trở thành “á quân” lợi nhuận ngân hàng niêm yết. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) nằm trong nhóm dẫn đầu ngành, đạt mức 22% trong năm 2021.

Theo Chứng khoán Mirae Asset, TCB là một trong 6 cổ phiếu ngân hàng có triển vọng tăng trưởng thu nhập cao, chất lượng tài sản tốt, cùng với VIB, VPB, VCB, BID, CTG. TCB có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao, khả năng huy động vốn giá rẻ (CASA cao) sẽ hỗ trợ tốt cho NIM, CIR và chi phí dự phòng giảm giúp lợi nhuận tăng trưởng ổn định. Ngân hàng này cũng có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 0,7% cuối năm 2021.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.