Cuộc xung đột Nga - Ukraine tròn một tháng nhưng vẫn chưa rõ hồi kết

chiến sự Nga – Ukraine
23:01 - 24/03/2022
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và Ukraine hôm nay tròn một tháng kể từ khi mở màn, trong khi vẫn chưa xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào của một bản thỏa thuận hòa bình đang đến gần. 

Giằng co trên mặt trận quân sự

Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt “nhằm phi quân sự hóa Ukraine” và bài trừ “những người theo chủ nghĩa dân tộc tân phát xít”. Moscow cho rằng Nga không có lựa chọn nào khác cho việc này sau khi Mỹ và các đồng minh phớt lờ yêu cầu đảm bảo an ninh của Nga.

Trong khi đó, phương Tây bác bỏ tuyên bố của Nga và cho rằng đây chỉ là cái cớ cho một hành động quân sự của Moscow vào Ukraine.

Một xe tăng bọc thép của Nga bốc cháy sau khi giao tranh ở Kharkov, Ukraine, ngày 27/2. Ảnh: AP
Một xe tăng bọc thép của Nga bốc cháy sau khi giao tranh ở Kharkov, Ukraine, ngày 27/2. Ảnh: AP

Các lực lượng Nga đã mở đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" bằng các cuộc không kích vào các cơ sở quân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng tại các thành phố lớn của Ukraine. Ngay sau đó, Nga đưa lục quân vượt biên giới và đổ bộ vào Ukraine từ nhiều hướng.

Ở phía đông, quân đội Nga tiến vào Ukraine từ bán đảo Crimea, áp sát các thành phố Kherson và các vùng lân cận. Ở phía nam, các đơn vị bộ binh, tăng thiết giáp tiến vào vùng Donbass. Ở phía bắc, Nga hành quân hướng về thủ đô Kiev của Ukraine thông qua lãnh thổ của đồng minh Belarus.

Sau nhiều ngày giao tranh, hiện quân đội Nga đã tiến vào thủ đô Kiev, áp sát thành phố Kharkov lớn thứ hai của Ukraine ở phía đông và tiến dọc theo bờ Biển Azov và Biển Đen ở miền nam.

Trận pháo kích trúng vào một trung tâm mua sắm ở Kiev, Ukraine, ngày 21/3. Ảnh: AP
Trận pháo kích trúng vào một trung tâm mua sắm ở Kiev, Ukraine, ngày 21/3. Ảnh: AP

Tuy nhiên, sau một tháng triển khai chiến dịch quân sự, các lực lượng Nga vẫn chưa thể kiểm soát các thành phố lớn của Ukraine trước kháng cự của quân đội nước này. Nga đã nắm được Kherson, Mariupol và các cảng Berdyansk và Kherson, nhưng vẫn chưa có nhiều tiến triển tại trung tâm đóng tàu quan trọng Mykolaiv hay mở rộng chiến dịch xa hơn về phía tây đến Odesa.

Trả đũa qua lại trên mặt trận kinh tế

Các đồng minh phương Tây nhanh chóng đáp trả chiến dịch quân sự của Nga bằng các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính chưa từng có tiền lệ. Trong đó, các nước nhất trí cắt giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, loại các ngân hàng chủ chốt của Nga ra khỏi hệ thống giao dịch toàn cầu SWIFT, đồng thời chặn Moscow nhận tiền mặt bằng USD và Euro.

Bên cạnh đó, phương Tây còn đóng băng một nửa trong số ước tính 640 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Nga và cấm vận trên toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - thương mại của nước này. Tiếp theo đó là hàng loạt thông báo rời thị trường Nga của các công ty đa quốc gia trên toàn thế giới.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm cô lập nền kinh tế Nga, chặt đứt các nguồn tiền từ bên ngoài đổ vào nước này. Đồng Rúp giảm gần một phần ba so với đồng USD. Ảnh: Reuters

Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm cô lập nền kinh tế Nga, chặt đứt các nguồn tiền từ bên ngoài đổ vào nước này. Đồng Rúp giảm gần một phần ba so với đồng USD. Ảnh: Reuters

Các biện pháp trừng phạt nặng này đã khiến giá đồng Rúp lao dốc, nguy cơ cao vỡ nợ từ các ngân hàng Nga và hàng loạt các phản ứng xấu từ thị trường. Tuy nhiên, các nhà chức trách Nga đã phản ứng bằng cách tăng lãi suất lên gần 20%, siết chặt hạn chế đối với các giao dịch tiền tệ cứng và tạm thời ngừng thị trường chứng khoán.

Nga nắm trong tay “quân át chủ bài” là năng lượng dầu mỏ, phân bón và lương thực. Nước này đã lên danh sách “các quốc gia không thân thiện”, ban hành cấm xuất khẩu đối với hàng trăm mặt hàng và tuyên bố sẽ cắt đứt nguồn cung khí đốt đến châu Âu. Mới đây nhất, Nga cho biết sẽ cho phép giao dịch dầu mỏ với “các quốc gia không thân thiện”, với điều kiện thanh toán các hợp đồng bằng đồng Rúp.

Giá xăng toàn cầu đã tăng chóng mặt sau các lệnh trừng phạt qua lại giữa Nga và phương Tây. Ảnh: Reuters

Giá xăng toàn cầu đã tăng chóng mặt sau các lệnh trừng phạt qua lại giữa Nga và phương Tây. Ảnh: Reuters

Cuộc khủng hoảng địa chính trị Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã gây ra tác động lớn đến kinh tế toàn cầu. Chưa bao giờ thế giới chứng kiến giá dầu mỏ, giá vàng tăng cao kỷ lục mỗi ngày. Chuỗi cung ứng toàn cầu căng mình trước sức nóng từ cuộc chiến, đà lạm phát gia tăng và nguy cơ mất an ninh lương thực trở thành mối lo ngại của nhiều quốc gia.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, chiến sự Nga – Ukraine đang tác động nghiêm trọng đến tình hình thế giới. Tổ chức này dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay có thể xuống mức thấp hơn cả mục tiêu ban đầu là 4,4%.

Nguy cơ thảm họa nhân đạo

Ngay trong ngày đầu tiên của chiến sự, các lực lượng Nga đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã ngừng hoạt động, nơi chất phóng xạ vẫn đang rò rỉ từ thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử 36 năm trước.

Vài ngày sau, Nga chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu. Tuy nhiên, cuộc giao tranh giữa hai bên gây ra một đám cháy lớn và nhanh chóng được dập tắt. Sau đó, các lực lượng quân sự Nga đã phá hủy một phòng thí nghiệm mới của Ukraine tại Chernobyl.

Người Ukraine tập trung dưới một cây cầu bị phá hủy khi họ cố gắng chạy trốn qua sông Irpin ở ngoại ô Kiev, Ukraine, ngày 5/3. Ảnh: AP
Người Ukraine tập trung dưới một cây cầu bị phá hủy khi họ cố gắng chạy trốn qua sông Irpin ở ngoại ô Kiev, Ukraine, ngày 5/3. Ảnh: AP

Trong khi đó, cuộc chiến này sau một tháng đã làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người dân Ukraine. Cho đến ngày 23/3, Cao ủy Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc (OHCHR) ước tính, xung đột quân sự đã khiến hơn 1.500 người bị thương và 977 người dân thiệt mạng. Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo con số thực tế có thể sẽ lớn hơn nhiều.

Liên Hợp Quốc cũng cho biết, kể từ khi các cuộc giao tranh nổ ra, có đến 10 triệu người đã phải rời bỏ nơi sinh sống để lánh nạn tại khu vực khác hoặc tị nạn ở các nước láng giềng, gây nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo trên diện rộng.

Bế tắc trên bàn đàm phán hòa bình

Kể từ khi chiến dịch quân sự diễn ra, Nga và Ukraine đã tổ chức nhiều vòng đàm phán. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực ngoại giao song phương, cả hai bên đều thừa nhận vẫn chưa có nhiều đột phá về thỏa thuận hòa bình, mặc dù đã đồng ý thiết lập hành lang nhân đạo cho người dân sơ tán khỏi các vùng chiến sự.

Moscow vẫn kiên quyết yêu cầu Ukraine áp dụng quy chế trung lập, từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO, đồng ý “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa”, thừa nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea và thừa nhận nền độc lập cho hai vùng ly khai ở Donbas.

Trong khi đó, Kiev nêu điều kiện đàm phán là Nga phải chấm dứt mọi hoạt động quân sự và rút lực lượng khỏi lãnh thổ Ukraine. Đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Zelensky khẳng định, Ukraine sẽ không chấp nhận “nhượng bộ lãnh thổ” với Nga. Đồng thời, Ukraine sẵn sàng thảo luận về tình trạng trung lập, nhưng các bên phải đảm bảo an ninh dài hạn để ngăn chặn bất kỳ hành động xung đột nào.

Các nhà đàm phán Nga và Ukraine nói rằng, họ vẫn còn lâu mới soạn thảo được một thỏa thuận tương lai mà cả Tổng thống Putin và người đồng cấp Zelensky có thể thảo luận. Kịch bản về cuộc chiến tại Ukraine vẫn chưa thể đoán trước khi hai bên vẫn khó tìm được tiếng nói chung.

Tin liên quan

Đọc tiếp