Chiến sự Ukraine đẩy hàng trăm nghìn người phải chạy nạn qua biên giới

Tị nạn ukraine
15:11 - 27/02/2022
0:00 / 0:00
0:00
Kéo theo những vali quần áo, đồ đạc, hàng trăm nghìn người Ukraine đã ôm con cái chạy đến khu vực biên giới Ukraine và các nước láng giềng để xin tị nạn. Con số này sẽ còn tăng lên nếu tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine không hạ nhiệt. 

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, ít nhất 150.000 người dân Ukraine đã di tản sang Ba Lan và các nước láng giềng khác, kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2.

Một số người dân đã đi bộ hàng chục kilomet trong đêm, trong khi những người khác cố gắng rời đi bằng tàu hỏa, ô tô hoặc xe buýt, tạo thành những hàng dài hàng km tại các cửa khẩu biên giới. Họ được hỗ trợ bởi các trung tâm tiếp dân do chính phủ các nước lập ra.

Cuộc hành trình trong đêm của dòng người Ukraine chạy trốn khỏi xung đột quân sự. Ảnh: AP

Cuộc hành trình trong đêm của dòng người Ukraine chạy trốn khỏi xung đột quân sự. Ảnh: AP

Joung-ah Ghedini-Williams, phát ngôn viên của UNHCR cho biết: “Các con số và tình hình đang thay đổi từng phút. Ít nhất có hơn 100.000 người, nhưng có lẽ con số còn lớn hơn nhiều, đã phải di dời khỏi Ukraine”.

Cơ quan này dự kiến ​​khoảng 5 triệu người Ukraine sẽ chạy sang nước khác nếu tình hình chiến sự tiếp tục leo thang. Những người Ukraine tị nạn chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già, do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ban lệnh cấm đàn ông trong độ tuổi nhập ngũ từ 18 đến 60 xuất cảnh.

Các nước châu Âu sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn Ukraine

Trái ngược với các cuộc xung đột khác trên toàn cầu, cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine đang khơi dậy làn sóng các quốc gia ủng hộ những người Ukraine đang di tản khỏi đất nước. Ngay cả những người dân bình thường tại nhiều nơi cũng sẵn sàng cho những người tị nạn đến ở nhờ.

Ba Lan từng tiếp nhận 2 triệu người Ukraine định cư vào năm 2014 – thời điểm bất ổn khi Crimea sáp nhập vào Nga. Trong ngày 26/2, chính phủ Ba Lan cho biết có hơn 100.000 người Ukraine đã vượt qua biên giới Ba Lan-Ukraine chỉ trong 48 giờ qua.

Một người lính biên phòng Ba Lan hỗ trợ những người tị nạn từ Ukraine khi họ đến cửa khẩu Korczowa, Ba Lan. Ảnh: AP

Một người lính biên phòng Ba Lan hỗ trợ những người tị nạn từ Ukraine khi họ đến cửa khẩu Korczowa, Ba Lan. Ảnh: AP

Một trang Facebook đã được thành lập tại quốc gia này nhằm giúp mọi người được cung cấp dịch vụ đi ô tô riêng từ biên giới và các trợ giúp khác. Chính phủ Ba Lan cũng tuyên bố mở cửa biên giới cho bất kỳ công dân Ukraine, ngay cả đối với những người không có giấy tờ chính thức và bỏ yêu cầu xuất trình xét nghiệm Covid-19 âm tính.

Thậm chí Thủ tướng Hungary Viktor Orban, một trong những nhà lãnh đạo chống người di cư nhất châu Âu, đã đến thị trấn biên giới Beregsurany và tuyên bố Hungary chấp nhận tất cả công dân và cư dân hợp pháp của Ukraine. “Chúng tôi đang cho phép tiếp nhận mọi công dân Ukraine tị nạn”, ông cho biết.

Một chiếc xa buýt chở người tị nạn tại biên giới Romania-Ukraine. Romania, có chung khoảng 600 km biên giới với Ukraine về phía bắc, đang chứng kiến một dòng người tị nạn đổ về. Ảnh: AP

Một chiếc xa buýt chở người tị nạn tại biên giới Romania-Ukraine. Romania, có chung khoảng 600 km biên giới với Ukraine về phía bắc, đang chứng kiến ​​một dòng người tị nạn đổ về. Ảnh: AP

Trong ngày 27/2, Ba Lan đã cử một chuyến tàu bệnh viện đến đón những người bị thương trong cuộc chiến ở Mostyska, miền tây Ukraine và đưa họ đến thủ đô Warsaw để điều trị. Đoàn tàu bệnh viện rời thị trấn biên giới Przemysl với 5 toa chở những người bị thương và 4 toa khác chở hàng viện trợ nhân đạo cho thành phố Lviv của Ukraine.

Liên Hợp Quốc cho biết hầu hết người Ukraine đang hướng đến các quốc gia láng giềng Ba Lan, Moldova, Hungary, Romania và Slovakia, thậm chí một số người còn chạy sang Belarus. Một số khác dự định tiến xa hơn đến các quốc gia khác ở châu Âu.

Khó khăn vẫn chồng chất

Trong số các tình nguyện viên đến từ những nơi khác ở châu Âu để đón người tị nạn, có một cặp vợ chồng già người Đức, tên Tanja Schwarz. Cả hai đã đánh xe từ Hamburg đến thị trấn biên giới Medyka của Ba Lan, trên tay cầm tấm biển nói rằng họ có thể trợ giúp và đưa một vài người tị nạn về nhà.

“Lúc này chúng tôi cảm thấy mình cần phải làm điều gì đó để giúp họ”, Tanja Schwarz nói.

Người tị nạn đi bộ dọc trên con đường ách tắc bởi các phương tiện xếp hàng để vượt biên từ Ukraine sang Moldova. Ảnh: AP

Người tị nạn đi bộ dọc trên con đường ách tắc bởi các phương tiện xếp hàng để vượt biên từ Ukraine sang Moldova. Ảnh: AP

Jeremy Myers, đến từ Manchester (Anh) cho biết anh đi nghỉ ở Ukraine với bạn gái ngay thời điểm cuộc xung đột quân sự nổ ra. Cả hai chạy khỏi thủ đô Kiev và chờ đợi 23 giờ trong một khu vực có hàng rào, nơi không có thức ăn hoặc nước uống và được kiểm soát bởi lực lượng bảo vệ có vũ trang phía Ukraine.

Tại khu vực hỗ trợ, anh chứng kiến ​​cảnh mọi người đánh nhau, hỗn loạn và một người phụ nữ ngất xỉu. “Chúng tôi thấy một số người bị thương. Ở đây không có nhà vệ sinh, không có hỗ trợ y tế,” anh nói. "Bạn phải đứng yên ở vị trí của mình, nếu không, bạn sẽ mất vị trí trong hàng”.

Một người phụ nữ tên Lina đến từ thành phố Lviv (Ukraine) cho biết, cô đang cố gắng đưa bốn đứa con của mình đến khu vực an toàn ở Ba Lan và dự định quay trở lại để tham gia quân đội cùng chồng.

Một đứa bé đang ngồi tại sảnh một khách sạn, nơi cung cấp chỗ nghỉ cho người tị nạn Ukraine tại Siret, Romania. Ảnh: AP

Một đứa bé đang ngồi tại sảnh một khách sạn, nơi cung cấp chỗ nghỉ cho người tị nạn Ukraine tại Siret, Romania. Ảnh: AP

Trong ngày 26/2, cửa khẩu Siret, Romania có rất đông người Ukraine và các nhóm nhân đạo dựng lều cách đó vài dặm và cung cấp đồ ăn thức uống cho những người đến.

Một gia đình đến từ Chernivtsi, miền tây Ukraine đã đợi 20 giờ trước khi có thể vượt biên sang Romania. Cô bé Natalia Murinik, 14 tuổi, đã khóc khi nói lời tạm biệt với ông bà, những người không thể rời quê hương. “Cháu thực sự rất đau lòng. Cháu chỉ muốn về nhà”, cô bé nói.

Mặc dù nhận sự tiếp nhận tị nạn của nước bạn, gia đình cô bé Natalia Murinik không biết sẽ phải đi đâu tiếp theo. “Gia đình cháu vẫn chưa có kế hoạch gì cả. Mọi người đang chờ đợi bạn bè và người thân, sau đó mới quyết định”.

Trong ngày 27/2, lực lượng Nga mở đợt tấn công mới nhằm vào các sân bay và cơ sở dầu khí của Ukraine. Đây là giai đoạn tiếp theo trong chiến dịch quân sự, sau khi vấp phải sức kháng cự quyết liệt từ quân đội Ukraine.

Quân đội Nga được cho là sẽ tung lực lượng lớn xe tăng, khoảng 500 chiếc, tấn công vào Kiev từ nhiều hướng với mục tiêu nhanh chóng kiểm soát thành phố.

Đáp lại, các nước phương Tây tăng cường biện pháp trừng phạt tài chính với Nga, loại một số ngân hàng của nước này khỏi hệ thống tài chính quốc tế SWIFT, đồng thời cung cấp thêm vũ khí cho quân đội Ukraine.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.