Đã có FTA, xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vẫn khó

XUẤT KHẨU Việt nAM
08:21 - 05/01/2022
Đã có FTA, xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vẫn khó
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam và Trung Quốc đã có FTA từ năm 2016, nhưng còn nhiều bất cập và chậm đàm phán các Nghị định thư liên quan dẫn tới xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn phải dựa nhiều vào hình thức tiểu ngạch.

Xuất khẩu nông sản vẫn phụ thuộc vào tiểu ngạch

Công tác đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc về thuế nhập khẩu đã hoàn tất, nhiều nông sản đã được hưởng thuế nhập khẩu 0% khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, công tác đàm phán về quản lý chất lượng hàng hóa còn chậm nên mới chỉ có 9 loại trái cây gồm mít, thanh long, xoài, chuối, chôm chôm, vải, nhãn, dưa hấu, măng cụt được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, theo hình thức “chính ngạch”.

Những loại trái cây còn lại chỉ có thể xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân, hay còn gọi là “tiểu ngạch”. Vì vậy bị phụ thuộc gần như toàn bộ vào các cửa khẩu phụ, lối mở, nhưng những lối này thường bị ảnh hưởng đầu tiên mỗi khi xảy ra vấn đề chính trị, xã hội.

Vì vậy, trong thời điểm này, khi phía Trung Quốc dừng hoàn toàn hoạt động thông quan tại gần như tất cả các cửa khẩu phụ thì lập tức lượng nông sản đang dồn ứ, chờ thông quan theo đường tiểu ngạch không thể xuất khẩu.

Theo Bộ Công Thương, nhiều cửa khẩu quan trọng với lượng hàng hóa xuất khẩu thông thường rất lớn đã chịu ảnh hưởng từ chính sách “zero COVID” của Trung Quốc như Kim Thành (Lào Cai), Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh).

Với những cửa khẩu còn tạm thời mở cửa như Hữu Nghị, Chi Ma, Hoành Mô… quy trình giao nhận hàng hóa được siết rất chặt để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh, dẫn đến ùn tắc trên diện rộng.

Ngoài ra, việc đàm phán về thủ tục kiểm dịch cũng chậm nên tỷ lệ trái cây Việt Nam phải qua kiểm tra lên tới 100% trong khi Thái Lan chỉ 30%, dẫn đến thời gian thông quan kéo dài, gia tăng ách tắc, nhất là khi vào chính vụ thu hoạch.

Trong khi đó, tuy các địa phương đã quan tâm tới sản xuất, xuất khẩu nông sản nhưng cũng có lúc, có nơi chưa được thực sự sâu sắc. Cơ sở hạ tầng (bao gồm hạ tầng thương mại, logistics) cửa khẩu biên giới đường bộ chưa được đầu tư nâng cấp theo kịp nhu cầu và quy mô thương mại song phương.

Kết nối đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc qua hai cửa khẩu quốc tế đường sắt (Lào Cai - Hà Khẩu và Đồng Đăng - Bằng Tưởng) chưa đồng bộ khiến cho đường sắt không thể phát huy đầy đủ vai trò trong vận tải, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và giảm tải cho đường bộ.

Thanh long là một trong số những mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Thanh long là một trong số những mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Giảm sản xuất tự phát

Để giải quyết triệt để tình trạng này, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc, cần phải có các giải pháp căn cơ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền địa phương.

Cụ thể, UBND các tỉnh sản xuất nông sản lớn phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng và chuẩn hóa nông sản Việt, đáp ứng các yêu cầu cao từ những thị trường khó tính, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa phương thức vận chuyển, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu “tiểu ngạch”.

Các giải pháp quan trọng nhất là giảm sản xuất tự phát, tăng sản xuất theo tín hiệu thị trường và theo đơn đặt hàng, nâng cao và kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thuỷ sản, đáp ứng sự trông đợi của người tiêu dùng trong nước và ngoài nước.

Đồng thời, các địa phương cần phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân về phương thức sản xuất, nuôi trồng, đóng gói, chế biến...để đáp ứng tiêu chuẩn của từng nước, từng khu vực nhập khẩu, cùng với đó là đẩy mạnh việc đăng ký vùng trồng cũng như công tác truy xuất nguồn gốc để tạo điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch và giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Bộ Công thương tư vấn, UBND các tỉnh sản xuất nông sản lớn nên tìm hiểu mô hình kết nối sớm, đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ hàng hóa sang Trung Quốc của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương để chủ động áp dụng tại tỉnh mình, vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, vừa giúp giảm bớt tình trạng ùn ứ tại các tỉnh biên giới khi vào vụ thu hoạch.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tích cực đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng số lượng trái cây được chính thức xuất khẩu vào Trung Quốc cũng như thị trường khác.

Đẩy nhanh đàm phán các nghị định thư cần thiết với Trung Quốc để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải qua kiểm tra khi xuất khẩu vào nước này. Cùng với đó là nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành và các sản phẩm, từ đó, khai thác hiệu quả tối đa 17 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.

UBND các tỉnh biên giới chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng logistics, đặc biệt là mở rộng, tăng diện tích các kho bãi, địa điểm tập kết cho hàng hóa và phương tiện vận tải hàng hóa.

Hạn chế bố trí các khu tập kết hàng hóa, phương tiện quá gần cửa khẩu khiến khó mở rộng và khó điều tiết, phân luồng khi lượng hàng và phương tiện tăng cao.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý, giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại

Gần đây, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký thỏa thuận hợp tác về “Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025”.

Với nhiệm vụ chính là đẩy mạnh tư vấn trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài gắn với sản phẩm xuất khẩu.

Đồng thời, thí điểm hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường nước ngoài trọng điểm.

Trước mắt, 3 Bộ sẽ lựa chọn 3 sản phẩm, gồm vải thiều Bắc Giang, xoài của Đồng Tháp, nhãn quả và long nhãn của tỉnh Sơn La để nghiên cứu thí điểm đánh giá xác định sản phẩm tiềm năng và thị trường trọng điểm để có đề xuất hướng hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý ở các thị trường phù hợp. Việc hỗ trợ sẽ được mở rộng cho những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng khác, nhất là với các sản phẩm nông sản, đặc sản của các địa phương.

Việc triển khai Kế hoạch phối hợp sẽ là nhiệm vụ quan trọng để 3 Bộ cùng các ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển và bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng ở nước ngoài, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị của sản phẩm xuất khẩu và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp