Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành, địa phương vào cuộc 'giải phóng' nông sản ùn ứ tại biên giới

XUẤT KHẨU Việt nAM
16:52 - 04/01/2022
Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành, địa phương vào cuộc 'giải phóng' nông sản ùn ứ tại biên giới
0:00 / 0:00
0:00
Đến ngày 4/1, chỉ có 8 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động, năng lực thông quan ít ỏi, trong khi đó, vẫn còn hơn 4.200 xe ùn ứ tại biên giới, Bộ Công Thương đề nghị có sự 'vào cuộc' của các bộ, ngành, địa phương liên quan. 

Tính đến ngày 4/1/2022, trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc chỉ còn 8/76 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động. Trong đó, cửa khẩu quốc tế đang hoạt động là 4/7 cửa khẩu gồm Hữu Nghị, Ga quốc tế đường sắt Đồng Đăng, Ga quốc tế đường sắt Lào Cai và Kim Thành II, cửa khẩu phụ đang hoạt động là 4/6 cửa khẩu: Chi Ma, Tà Tùng, Sóc Giang và Hoành Mô, cửa khẩu phụ đang hoạt động là 0/21, lối mở/điểm thông quan đang hoạt động là 0/42. Phía Trung Quốc tạm dừng các cửa khẩu, lối mở/điểm thông quan để kiểm soát dịch bệnh.

Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc, tổng số phương tiện đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến ngày 3/1 là 4.250 xe.

Trước tình trạng này, Bộ Công Thương đề nghị UBND các địa phương có giải pháp điều tiết việc đưa hàng lên biên giới phía Bắc, đặc biệt các cửa khẩu đang có hiện tượng ùn tắc, bao gồm cả những trường hợp mà khách hàng Trung Quốc đã thanh toán tiền hàng.

Nếu xe vẫn tiếp tục lên cửa khẩu, Bộ Công Thương đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu điều tiết sớm lượng xe này vào chờ tại các địa phương phía sau bởi từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ có thể xử lý các xe đang tồn tại ở cửa khẩu, nhất là khi lao động phía Trung Quốc có thể nghỉ tới 21 ngày trước Tết để kịp hoàn thành thời gian cách ly.

Trường hợp khách hàng đã thanh toán tiền hàng và vẫn đề nghị đưa hàng lên biên giới, yêu cầu thương nhân trao đổi với khách hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác như: Cao Bằng, nhằm giảm ùn tắc tại Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác như: đường sắt, đường biển. Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp thủy sản đang khai thác tốt hình thức vận chuyển này.

Cần kích cầu nội địa. Ảnh minh họa

Cần kích cầu nội địa. Ảnh minh họa

Về lâu dài, Bộ Công Thương vẫn khuyến cáo các địa phương hướng dẫn bà con nông dân giảm sản xuất tự phát, nâng cao chất lượng nông sản, thủy sản… tăng cường sản xuất theo kế hoạch, theo tình hình thị trường.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng thêm số lượng trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh bị động, phụ thuộc vào một thị trường là Trung Quốc.

Đối với việc thúc đẩy tiêu thụ trong nước, Bộ Công Thương đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương có vùng trồng phải chủ động xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động tiêu thụ nội địa. Qua các hoạt động này, sẽ góp phần giảm hàng hóa đưa lên cửa khẩu.

Việc giải cứu nông sản qua các sàn thương mại điện tử đã được tỉnh Lạng Sơn thực hiện từ tháng 12, tính đến 21/12/2021, lượng nông sản mà Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn kêu gọi tiêu thụ đã lên tới khoảng 200 tấn. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn còn chậm, con số 200 tấn vẫn chưa thể giải quyết được nhiều cho lượng nông sản đang ùn ứ tại các cửa khẩu.

Kinh nghiệm từ việc giải cứu nông sản trong thời gian cao điểm bùng phát dịch Covid-19 của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Sơn La trong năm 2021, thì việc kích cầu nội địa cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc sát sao của chính quyền địa phương trong công cuộc quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, bởi sức tiêu thụ của thị trường nội địa vẫn còn rất lớn và chưa được khai thác hết, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp