Ùn ứ nông sản 'đến hẹn lại lên' và câu chuyện xuất khẩu chính ngạch, tiểu ngạch

XNK Việt nAM
10:18 - 04/01/2022
Vẫn còn hàng nghìn xe hàng nông sản bị ùn ứ ở Cửa khẩu Lạng Sơn và Quảng Ninh
Vẫn còn hàng nghìn xe hàng nông sản bị ùn ứ ở Cửa khẩu Lạng Sơn và Quảng Ninh
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu giáp biên giới Trung Quốc mới diễn ra, đây giống như một câu chuyện “đến hẹn lại lên”, nhưng năm nay, tình hình nghiêm trọng hơn khi nước bạn siết chặt các biện pháp phòng dịch.

Mít gói bằng giấy không phải thương mại hiện đại

“Điều quan trọng là chúng ta phải có sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch thì chẳng ai cấm được, còn cứ đi tiểu ngạch thì rất khó”. Đây là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về vấn đề ùn ứ nông sản trong hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch cho năm 2022 của Bộ NN&PTNT, diễn ra ngày 29/12.

Thủ tướng đánh giá việc ùn tắc xe chở hàng tại cửa khẩu biên giới phía Bắc không phải là vấn đề mới xảy ra mà là “câu chuyện muôn thuở, năm nào cũng có”. Thủ tướng cũng cho biết mới đây, sau hội nghị ASEAN, ông đã có thư gửi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường về việc ủng hộ hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhiều lần chỉ đạo Bộ Ngoại giao về việc cần phải cải thiện mối quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, để giải quyết dứt điểm vấn đề trên thì chúng ta phải có sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch. Muốn xuất khẩu được chính ngạch thì phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Và để có sản phẩm chất lượng thì phải quy hoạch vùng nguyên liệu, sản phẩm và có sự hỗ trợ về khoa học công nghệ, hỗ trợ về thị trường… Như vậy mới xây dựng được sản phẩm mang tầm quốc gia, quốc tế.

Thủ tướng cũng lấy ví dụ vừa rồi mở container ra thấy quả mít gói bằng giấy. Đó không phải là thương mại hiện đại. Thương mại hiện đại phải có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm… Vì chúng ta chưa làm được như vậy nên cứ đi tiểu ngạch. Và đi tiểu ngạch thì có lúc thế này, thế kia…

Trung Quốc không còn là thị trường nhập khẩu nông sản dễ tính

Trung Quốc không còn là thị trường nhập khẩu nông sản dễ tính

Vì sao bị ùn ứ ở đường tiểu ngạch?

Về thuật ngữ “chính ngạch”, “tiểu ngạch”, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), những từ này chưa có trong hệ thống văn bản pháp luật, kinh doanh nhưng đã xuất hiện và được sử dụng rất rộng rãi sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ và mở rộng giao thương với Trung Quốc. Do không có định nghĩa chính thức nên mọi người chỉ hiểu về chính ngạch, tiểu ngạch thông qua một số đặc điểm của mỗi loại hình.

Chẳng hạn như xuất khẩu chính ngạch sẽ đi kèm hợp đồng và các chứng từ thương mại hóa đơn, vận đơn, kiểm dịch, C/O… Cùng với đó, khối lượng hàng hóa lớn, giá trị cao; thanh toán qua ngân hàng và giao hàng qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Còn xuất khẩu tiểu ngạch là không có hợp đồng hoặc không đầy đủ các chứng từ thương mại; khối lượng hàng hóa ít, giá trị thấp; giao dịch theo hình thức thanh toán tiền mặt, hàng đổi hàng và giao hàng qua cửa khẩu phụ, lối mở.

Theo ông Hải, đến nay Trung Quốc mới chỉ chính thức cho phép nhập khẩu 9 loại trái cây của Việt Nam, đó là xoài, mít, thanh long, chuối, chôm chôm, vải, nhãn, dưa hấu, măng cụt. Vậy nên chỉ 9 loại trái cây trên mới được nhập khẩu chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Còn những loại như dưa hấu, sầu riêng, vú sữa..., mặc dù Việt Nam rất dồi dào nhưng không có tên trong danh sách nên buộc phải đi đường tiểu ngạch, qua các cửa khẩu phụ.

Với cách mặt hàng phải đi đường tiểu ngạch, thương nhân Trung Quốc thường tập trung cửa khẩu phụ Tân Thanh (phía bên Trung Quốc gọi là Pò Chài) để nhận hàng. Do vậy, phía Việt Nam có muốn giao ở cửa khẩu phụ khác như Cốc Nam, Na Hình cũng khó. Trong khi đó, cửa khẩu Tân Thanh mỗi ngày chỉ thông quan được khoảng 250 - 300 xe. Bởi vậy khi có dịch phải kiểm soát chặt hoặc lượng xe dồn lên cửa khẩu bất thường vào mùa thu hoạch thì việc cả nghìn xe bị ùn ứ không có gì khó hiểu.

Đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Hải cho rằng để giải quyết dứt điểm tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu, chúng ta phải đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên để người nông dân hay các thương lái nhỏ làm được điều này thì cần phải mất rất nhiều thời gian nữa. Vì vậy hiện tại rất cần có những doanh nghiệp lớn, đủ mạnh, có thể đứng ra đặt hàng nông dân sản xuất, sau đó bao tiêu sản phẩm.

Những doanh nghiệp này sẽ hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình mới, phù hợp với nhu cầu khách hàng, áp dụng truy xuất nguồn gốc, sử dụng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu. Cũng chính những doanh nghiệp đó sẽ có đủ năng lực để ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp phân phối ở bên kia biên giới, sử dụng phương thức vận chuyển quy mô lớn như đường biển, đường sắt để tối ưu chi phí.

Thực chất hiện nay những doanh nghiệp như vậy đã có, chỉ có điều số lượng chưa nhiều. Trong khi chờ đợi các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn thêm và nhiều lên, ông Hải cho rằng rất cần vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ nông dân, thương lái. Bài học tiêu thụ vải của Bắc Giang, Hải Dương, xoài, nhãn của Sơn La là những minh chứng rất rõ một khi chính quyền vào cuộc, đồng hành cùng nông dân thì việc tiêu thụ nông sản không phải là quá khó khăn.

Trung Quốc không chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 ra thế giới mà còn là thị trường quan trọng bậc nhất của Việt Nam với các sản phẩm nông sản và thực phẩm

Trung Quốc không chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 ra thế giới mà còn là thị trường quan trọng bậc nhất của Việt Nam với các sản phẩm nông sản và thực phẩm

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Tiến sĩ, chuyên gia nông nghiệp Võ Mai cho rằng, những hình ảnh ùn ứ tại cửa khẩu gần đây cho thấy, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt đang phụ thuộc quá lớn vào một thị trường truyền thống. Hàng xuất qua đường tiểu ngạch, nên khi phía bạn thay đổi chính sách là doanh nghiệp, thương nhân thiệt hại đủ đường.

Theo TS. Mai, lâu nay nhiều thương nhân nước ta vẫn quen cung cách làm việc với bạn hàng Trung Quốc theo kiểu “alo là có hàng”. Tuy nhiên cung cách làm ăn này đã không còn hợp thời khi Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Họ đã nâng tiêu chuẩn, quy chuẩn với hàng nhập khẩu từ các nước. Theo chính sách mới từ 1/1/2022, tất cả hàng hoá thực phẩm, trong đó có nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc bắt buộc phải đáp ứng các quy định mới về đăng ký, kiểm tra và dán nhãn. Vì vậy, giờ chúng ta không chuyển đổi sản xuất là sẽ tự đưa mình vào đường lùi.

Để chuyển đổi sản xuất, TS. Võ Mai cũng cho rằng quan trọng nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Chất lượng hàng một khi xuất khẩu là phải đồng nhất, để thị trường này "tắc", chúng ta có thể lập tức quay sang xuất nơi khác mà không gặp khó khăn trong xác định lại mã vùng trồng hay chất lượng sản phẩm... Ngoài ra, các nhà sản xuất, doanh nghiệp cần mở rộng thêm nhiều thị trường cho hàng xuất khẩu, thay vì phụ thuộc vào một thị trường truyền thống và đẩy mạnh chế biến sâu, phát triển các kho lạnh bảo quản hàng hoá.

Đọc tiếp