'Trong nguy luôn có cơ': Việt Nam từng bước hồi phục sau đại dịch

QUỐC HỘI Việt nAM
17:04 - 08/11/2021
'Trong nguy luôn có cơ': Việt Nam từng bước hồi phục sau đại dịch
0:00 / 0:00
0:00
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trong 2 ngày 8-9/11, Quốc hội họp tập trung, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2022.

Tại phiên họp, Quốc hội thảo luận Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Quốc hội cũng thảo luận Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024, trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam, lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương.

Tại phiên thảo luận sáng 8/11, các đại biểu đều nhất trí rằng công tác phòng chống dịch COVID-19 là một quá trình lâu dài và nhiều thách thức, tuy nhiên, Đảng và Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng dịch trong đợt dịch vừa qua với các chính sách khoanh vùng, dập dịch quyết liệt, thống nhất, kịp thời chuyển chiến lược từ zero COVID-19 sang thích ứng linh hoạt, an toàn, phòng chống dịch hiệu quả; triển khai chiến lược ngoại giao vaccine và tiêm chủng vaccine nhanh chóng, kịp thời ở hầu hết các tỉnh thành trên toàn quốc.

Bàn về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) đề nghị cần tạo động lực cho người lao động quay trở lại làm việc. Nhấn mạnh "đây là thời điểm người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước", đại biểu Trần Văn Khải đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ tốt hơn để người lao động quay lại nơi làm việc.

Đại biểu Trần Văn Khải thuộc đoàn đại biểu tỉnh Hà Nam. Ảnh: VGP

Đại biểu Trần Văn Khải thuộc đoàn đại biểu tỉnh Hà Nam. Ảnh: VGP

Theo ông Trần Văn Khải, cần đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống; triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân. Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm thuộc đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình đề nghị đẩy nhanh tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân để duy trì “nguồn cung” lực lượng lao động an toàn, tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Đại biểu Minh tâm cũng đề nghị cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh, đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang đề nghị cần tăng đầu tư toàn xã hội, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo nguyên tắc phân cấp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo đảm công khai, minh bạch.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang. Ảnh: VGP

Đại biểu Phạm Văn Thịnh thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang. Ảnh: VGP

Ngoài ra, đại biểu đại biểu Nguyễn Như So thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bắc Ninh đề nghị cần khẩn trương, quyết liệt giải ngân gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã ban hành, rút gọn, tối giản các thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ.

Theo đại biểu, cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, tung ra gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để phục hồi kinh tế mà vẫn đảm bảo kiểm soát được ổn định vĩ mô.

Đặc biệt, đại biểu cho rằng việc phát triển, mở rộng thị trường là nhiệm vụ sống còn của nền kinh tế. Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài làm cho nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương. Do đó cần phải có chính sách đột phá nhằm ổn định phát triển thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường quốc tế, mở rộng môi trường xuất khẩu mới có tiềm năng tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại trực tuyến gắn với chuyển đổi số, xây dựng Trung tâm quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam.

Đại biểu đại biểu Nguyễn Như So thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: VGP

Đại biểu đại biểu Nguyễn Như So thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: VGP

Đại biểu Lê Thanh Vân thuộc đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau đề nghị Chính phủ triển khai 5 giải pháp trọng tâm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, bao gồm: Ưu tiên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung rà soát và sửa đổi thể chế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, bảo quản vào sản xuất và lưu thông; cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, cán bộ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhằm phát huy được cái tính năng động, sáng tạo của cán bộ.

Về nông nghiệp, đại biểu Trần Thị Thanh Hương thuộc đoàn đại biểu tỉnh An Giang cho rằng ngành nông nghiệp đã và đang tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn, đặc biệt là những tác động của đại dịch COVID-19.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành trung ương cần quan tâm, trước mắt có giải pháp hạ giá phân bón nói riêng và bình ổn các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nói chung một cách căn cơ, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn nhiều hơn vì lợi ích của bà con nông dân nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương thuộc đoàn đại biểu tỉnh An Giang. Ảnh: VGP

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương thuộc đoàn đại biểu tỉnh An Giang. Ảnh: VGP

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai xây dựng những mô hình mới, kết nối cung cầu, tăng cường liên kết vùng một cách hiệu quả hơn, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách chính quy, chuyên nghiệp hơn nữa để vừa cung cấp sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ cho người tiêu dùng.

Về du lịch, đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm (Quảng Bình) đề nghị triển khai các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp và linh hoạt cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch và người dân kinh doanh du lịch cộng đồng, tăng cường thanh khoản và khả năng tiếp cận các quỹ, nguồn vốn đầu tư, các khoản tín dụng, gia hạn trả nợ...

Tạo cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin hiệu quả, nhanh chóng giữa chính quyền, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội để kịp thời đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn và tận dụng các cơ hội cho phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm thuộc đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình. ẢNh: VGP
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm thuộc đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình. ẢNh: VGP

Đại biểu nhấn mạnh cần xây dựng môi trường du lịch an toàn để kích thích nhu cầu du lịch, đề nghị sớm ban hành chính sách và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến để tạo sự tin tưởng cho du khách.

Về giáo dục, đại biểu Dương Tấn Quân thuộc đoàn đại biểu QH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh, việc chuyển đổi sang hình thức dạy trực tuyến là cần thiết. Tuy nhiên giải pháp này có hạn chế đối với khu vực vùng sâu, vùng xa và con em các gia đình nghèo, cận nghèo gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hạn chế, bản thân giáo viên cũng lúng túng trong phương pháp giảng dạy trực tuyến,...

Để khắc phục các hạn chế trên, đại biểu cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với tình hình mới, xây dựng hệ thống học liệu điện tử, bài giảng điện tử, xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá phù hợp bảo đảm chất lượng, chính xác, khách quan, công bằng, thống nhất phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong giáo dục, triển khai tiêm chủng vaccine cho học sinh...

Về y tế, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cho rằng cần tập trung nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực cho y tế cơ sở và rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận. Ảnh: VGP

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận. Ảnh: VGP

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước để chủ động nguồn cung và tự chủ vaccine để đảm bảo cung cấp cho người dân trong nước. Cần chỉ đạo triển khai hiệu quả chiến lược, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19 để đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả và phân bổ vaccine hợp lý.

Đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu, cán bộ công nhân viên, viên chức các ngành, các cấp, nhất là cán bộ ở sở và các tình nguyện viên do làm nhiệm vụ mà mắc COVID-19 và những đồng chí hy sinh, những người tử vong do thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch…

Bên cạnh đó cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm, chi phí cho phòng, chống dịch và các gói an sinh xã hội và cương quyết xử lý nghiêm, đúng theo quy định pháp luật các trường hợp phát hiện có sai phạm.

Tuy nhiên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa thuộc đoàn đại biểu tỉnh Nam Định cho biết, vẫn còn nhiều địa phương không chặt chẽ, nghiêm túc trong công cuộc phòng chống dịch, vẫn còn hiện tượng cát cứ, gây ách tắc giao thông, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp