Đại biểu Quốc hội lo bảo mật thông tin khi tích hợp dữ liệu dân cư vào CCCD

CCCD QUỐC HỘI
17:27 - 22/06/2023
Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn Bắc Giang. Ảnh: Quochoi
Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn Bắc Giang. Ảnh: Quochoi
0:00 / 0:00
0:00
Với hệ thống dữ liệu dân cư được tích hợp nhiều nhóm thông tin, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại nếu không được quy định rõ ràng, chặt chẽ khi tích hợp vào CCCD sẽ tạo kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng.

Chiều 22/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Căn cước công dân sửa đổi. Hầu hết các đại biểu đều ủng hộ, cho rằng sự cần thiết phải xây dựng luật này khi Việt Nam đang xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số... Đây cũng là xu thế tất yếu trên toàn cầu. Việc áp dụng công nghệ trong căn cước thuận tiện cho cả người dân và cơ quan quản lý Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Đoàn Bắc Kạn) đánh giá cao sự quyết liệt của Bộ Công an trong việc cấp căn cước công dân và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay đã có khoảng 80 triệu thẻ căn cước được cấp cho những người đủ điều kiện, cơ sơ sở dữ liệu dân cư đã kết nối được với 13 bộ ngành và 63 địa phương.

Nhận định hồ sơ dự án Luật Căn cước đã được chuẩn bị công phu, đạt chất lượng cao, đại biểu góp ý thêm về nội dung liên quan đến tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư vào căn cước công dân.

Dự thảo quy định có 24 nhóm thông tin của cư dân được tích hợp. Đại biểu cơ bản tán thành với việc thu thập các thông tin này. Tuy nhiên bà Thuỷ băn khoăn về việc trong dự thảo còn có quy định thu thập các thông tin khác của dân cư chia sẻ từ dữ liệu dân cư, dữ liệu chuyên ngành.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng cần quy định rõ ràng hơn, vì dữ liệu chuyên ngành rất nhiều. Như Bộ Tài chính đến nay đã ban hành 12 cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cộng với các bộ ngành khác thì sẽ có hàng trăm cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

“Những thông tin khác là thông tin gì? Tôi cho rằng cần phải làm rõ, vì có những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư”, bà Thuỷ nói.

Nữ đại biểu cũng đề cập đến các chủ thể được khai thác thông tin từ dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội. Bà Thuỷ cho rằng, các thông tin trong cơ sở dữ liệu dân cư rất rộng, và nhiều thông tin liên quan đến đời sống riêng tư. Như số điện thoại, nếu không được quản lý phù hợp sẽ gây phiền phức cho người dân.

Mặt khác, mỗi cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, nên mục đích khai thác và phạm vi khai thác không giống nhau.

Ảnh: Quochoi

Ảnh: Quochoi

Như cảnh sát giao thông chỉ cần khai thác thông tin về giấy phép lái xe, cơ quan địa chính chỉ có nhu cầu khai thác về đất đai, nhà cửa... Dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về phạm vi khai thác và giao hết việc này cho Chính phủ. Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, quy định ngay trong luật. Chính phủ chỉ quy định về trình tự thủ tục quá trình khai thác thông tin. Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) cũng đề nghị ban soạn rà soát, bổ sung các quy định về thu thập thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tránh việc thu thập, cập nhật những thông tin không cần thiết.

Đại biểu nêu, tại Điều 10 dự thảo Luật quy định 24 nhóm thông tin cần thu thập, tuy nhiên ông cho rằng cần cân nhắc nhóm thông tin về quê quán. Đặt vấn đề “việc cập nhật thông tin này có thực sự cần thiết không”, đại biểu Trần Văn Tuấn nêu quy định tại Luật Hộ tịch 2014 về giải thích từ ngữ thì quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ, hoặc được ghi trong tờ khai khai sinh.

Theo ông Tuấn, quê quán vốn được quan niệm là gốc, nhưng nguồn gốc là nơi sinh, nơi sống lâu dài của cha mẹ hay là nơi sinh trưởng? Những vấn đề đó đều chưa được quy định cụ thể. “Hiện khi cấp giấy khai sinh, chính quyền cơ sở thường xác định quê quán là nơi sinh của cha và mẹ. Nhưng có trường hợp nơi cha mẹ sinh ra không phải nơi sinh sống thường xuyên của ông bà mà chỉ là nơi công tác”, ông Tuấn nói.

Vị đại biểu cũng đề nghị cân nhắc quy định về nhóm thông tin khác được chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. “Thông tin khác là gì cũng phải quy định rõ”, ông Tuấn nêu ý kiến.

Ngoài ra, ông Tuấn còn đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm, điều kiện đối với các tổ chức cá nhân, kể cả cơ quan Nhà nước khi kết nối, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử. Việc này tránh việc thông tin bị sử dụng trái pháp luật.

“Đời tư cá nhân phải được tôn trọng. Việc quy định không rõ ràng về trách nhiệm, điều kiện khai thác dữ liệu có thể là kẽ hở để vi phạm bí mật đời tư công dân. Thực tế hiện nay có khá nhiều thông tin dễ dàng bị sử dụng”, đại biểu cho biết. Đồng thời ông đề xuất thêm quy định về việc xử lý hoặc thu hồi thẻ căn cước khi công dân chết để tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.