Dẫn đầu thu hút FDI, bức tranh kinh tế Hà Nội 6 tháng đầu năm có gì?

KINH TẾ HÀ NỘI
11:15 - 02/07/2023
0:00 / 0:00
0:00
Nửa đầu năm 2023, bức tranh kinh tế của TP Hà Nội có nhiều điểm sáng, thu hút được 2,27 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dẫn đầu cả nước và vượt kết quả năm 2022.

Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, quý 1 tăng 5,95%; quý 2 tăng 5,98%.

Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm nay tuy thấp hơn mức tăng 7,1% của cùng kỳ năm trước nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, xuất khẩu gặp khó khăn, sức mua thị trường nội địa chững lại, mức tăng trưởng trên với xu hướng duy trì đà tăng trưởng qua các quý là rất quan trọng và đáng ghi nhận.

Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 4,98 điểm % vào mức tăng GRDP, trong đó một số ngành tăng trưởng khá như: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 30,98%, đóng góp 0,96 điểm % vào mức tăng chung; bán buôn, bán lẻ tăng 9,08%, đóng góp 0,9 điểm %; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 9,03%, đóng góp 0,85 điểm %; vận tải, kho bãi tăng 10,14%, đóng góp 0,81 điểm %; nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 10,0%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 3,28% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,65 điểm % vào mức tăng GRDP. Ngành công nghiệp những tháng đầu năm gặp khó khăn do nhiều đơn hàng chủ lực sụt giảm, ước 6 tháng giá trị tăng thêm đạt 2,82%, đóng góp 0,36 điểm %. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm ước tăng 4,14%, đóng góp 0,29 điểm % vào mức tăng chung.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm ước tính tăng 2,24% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP.

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 0,29 điểm % mức tăng GRDP chung.

Cơ cấu GRDP 6 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,81%; khu vực dịch vụ chiếm 65,88%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 11,14%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 2,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,9%; chỉ số tiêu thụ giảm 1,3%.

Riêng quý 2/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 7%; khai khoáng tăng 5,7%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 0,07% so với tháng 12/2022 và giảm 0,23% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,22% so với bình quân cùng kỳ năm 2022.

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố 6 tháng đầu năm 2023 đạt 194,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn Nhà nước 64,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5%; vốn ngoài nhà nước 115,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 14 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý 6 tháng đầu năm nay đạt 19 nghìn tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước và bằng 36,9% kế hoạch năm.

Trong đó, NSNN cấp Thành phố thực hiện 8,2 nghìn tỷ đồng, giảm 4,8% và đạt 36,2%; NSNN cấp huyện thực hiện 10,1 nghìn tỷ đồng, giảm 1,2% và đạt 37,2%; NSNN cấp xã thực hiện 707 tỷ đồng, giảm 5,4% và đạt 40,2%.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội thu hút 2.265 triệu USD vốn FDI.

Trong đó, đăng ký cấp mới 196 dự án với số vốn đạt 75 triệu USD; 89 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 209 triệu USD; 169 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 1.981 triệu USD, bao gồm 1 lượt giao dịch của Nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD.

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, cộng dồn 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội có 15,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 151,1 nghìn tỷ đồng, giảm 16%. Cùng với đó, 5,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 14% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, Thành phố thực hiện thủ tục giải thể cho gần 1,8 nghìn doanh nghiệp, giảm 5%; hơn 15,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 36%.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 2/2023 cho thấy: Có 21% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 2/2023 tốt hơn quý 1/2023; 44,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 34,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Nếu những tháng tiếp theo thị trường xuất khẩu được cải thiện, số lượng đơn đặt hàng tăng lên, xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3/2023 là: 26,1% số doanh nghiệp dự kiến quý 3/2023 sẽ tốt lên so với quý 2/2023; 49% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 24,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện 220,1 nghìn tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán pháp lệnh năm và tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, thu nội địa 207,2 nghìn tỷ đồng, đạt 64% dự toán và tăng 25,7% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô 1,7 nghìn tỷ đồng, đạt 79,9% và tăng 34,4%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 11,3 nghìn tỷ đồng, đạt 41,7% và giảm 13,4%.

Chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện 39,8 nghìn tỷ đồng, đạt 37,8% dự toán năm và tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, chi đầu tư phát triển 14,6 nghìn tỷ đồng, đạt 31% dự toán và tăng 35% so với cùng kỳ; chi thường xuyên 25,2 nghìn tỷ đồng, đạt 45,1% và tăng 24,4%.

Hoạt động huy động vốn đến cuối tháng 6/2023, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 4.965 nghìn tỷ đồng, tăng 0,11% so với tháng trước, và tăng 2,28% so với thời điểm kết thúc năm 2022.

Tổng dư nợ tín dụng đến 30/6/2023 đạt 3.052 nghìn tỷ đồng, tăng 0,32% so với tháng trước và tăng 3,58% so với thời điểm kết thúc năm 2022.

Thành phố Hà Nội kiên định mục tiêu đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế

Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý 2/2023 vừa qua, ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nhấn mạnh, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế Thủ đô bị ảnh hưởng rõ rệt, nhất là thị trường xuất khẩu suy giảm, doanh nghiệp khó khăn, sức mua của thị trường nội địa và sản xuất, kinh doanh có xu hướng tăng chậm lại qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thực hiện hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023.

"Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 7,0% thì quý 3 phải tăng từ 7,54% trở lên, quý 4 phải tăng từ 8,23% trở lên. Đây là những nhiệm vụ rất thách thức, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm", ông Vũ Duy Tuấn cho biết.

Theo UBND TP Hà Nội, từ nay đến cuối năm, một trong những ưu tiên hàng đầu của TP Hà Nội là tiếp tục tập trung đảm bảo tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng.

Thành phố đẩy mạnh thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhất là các công trình trọng điểm như Đường vành đai 4; các dự án thuộc kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, tôn tạo di tích…

Chú trọng công tác giải phóng mặt bằng; tăng trách nhiệm người đứng đầu; đưa kết quả giải ngân thành một tiêu chí để đánh giá thi đua năm 2023.

Đồng thời, đẩy nhanh công tác lập quy hoạch; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nêu.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.