Đầu tư công là một trong 3 trụ cột phục hồi của kinh tế Việt Nam 2022

VĨ MÔ Việt nAM
07:46 - 09/02/2022
Đầu tư công là một trong 3 trụ cột phục hồi của kinh tế Việt Nam 2022
0:00 / 0:00
0:00
Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) vừa công bố cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 2 mang tên “Thích ứng với bình thường mới”, trong đó nhận định tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam dao động trong khoảng 5,7-6,2% trong trường hợp mở cửa kinh tế thành công.

Tính đến cuối tháng 1/2022, tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 đủ hai liều cơ bản của Việt Nam đã đạt 73%, tạo nền tảng cho Chính phủ duy trì chiến lược sống chung với COVID-19. Nhóm phân tích MAS nhận định nhờ chiến lược này kết hợp với tốc độ tiêm chủng mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam tháng 1/2022 duy trì đà phục hồi tháng thứ hai liên tiếp với số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lạm phát và tỷ giá ở mức ổn định.

Tuy vậy, cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đều hồi phục với tốc độ chậm lại, vốn FDI đăng ký giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Dựa trên nhiều phân tích, MAS nhận định trong năm 2022, “sức đề kháng” của nền kinh tế với đại dịch đã cao hơn so với năm 2021, do đó ít có khả năng có đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt nào được thực hiện.

Về tăng trưởng kinh tế, MAS duy trì dự phóng tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam trong khoảng 5,7−6,2% trong kịch bản mở cửa kinh tế thành công. Trong đó, 3 động lực tăng trưởng kinh tế chính bao gồm đầu tư công được đẩy mạnh, thu hút vốn FDI tiếp tục mạnh mẽ và xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ kinh tế như duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, ổn định vĩ mô cũng như việc thúc đẩy chuyển đổi số được cho rằng sẽ đóng đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình hồi phục của nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh các động lực tiềm năng, một số rủi ro chính với tăng trưởng nhóm phân tích MAS đưa ra là nguy cơ số ca nhiễm tăng lên khi Việt Nam mở cửa kinh tế trở lại, sự phát triển các biến chủng COVID-19 mới trên phạm vi toàn cầu. Đáng lo ngại hơn là nguy cơ phục hồi chậm chạp của lĩnh vực dịch vụ du lịch, hàng không.

Giải ngân đầu tư công là động lực phục hồi kinh tế

Bản báo cáo vĩ mô của MAS cập nhật hôm 7/2 ghi rõ: “Chúng tôi cho rằng đầu tư công sẽ là động lực hồi phục kinh tế trong năm 2022 khi các động lực tăng trưởng kinh tế khác chịu tác động tiêu cực bởi làn sóng COVID-19 lần thứ tư và cần nhiều thời gian hơn để hồi phục”.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) ước tính đạt 25,3 nghìn tỷ đồng, bằng 4,8% kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Có thể thấy đây là một khởi đầu lạc quan cho một năm mà nhiệm vụ giải ngân đầu tư công nặng nề hơn nhiều so với năm 2021, do tiếp tục thực hiện các kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 song song với giải ngân vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội vừa được Quốc hội phê duyệt.

Theo kế hoạch của Bộ Tài chính trình Quốc hội, chi đầu tư phát triển trong năm 2022 tăng 7,4% so với thực hiện năm 2021, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm giai đoạn 2021−2024 là 7,7%.

Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình đã nêu rất rõ nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay.

Nghị quyết quy định rõ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, định kỳ hằng quý, các bộ ngành, địa phương cần báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ đầu tư và tổng hợp nhu cầu giải ngân vốn trong quý kế tiếp gửi Bộ Tài chính để lập kế hoạch huy động vốn sát với thực tế, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đôn đốc, thúc đẩy giải ngân.

Công tác giải ngân cần khẩn trương từ khâu giải phóng mặt bằng cho đến thi công, nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Ngoài ra, thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn; kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra…

Thu hút FDI kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng

Trong tháng 1/2022, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn FDI thực hiện đạt 1,61 tỷ USD, tăng 6,8%. Tuy nhiên, vốn FDI đăng ký cấp mới chỉ đạt 388 triệu USD cho 103 dự án, giảm 70,7% về số vốn và tăng 119,1% về dự án so với cùng kỳ 2021.

Nhóm nghiên cứu MAS kỳ vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trong năm 2022 khi tỷ lệ tiêm phòng vaccine COVID-19 trên cả nước tiếp tục được cải thiện, doanh nghiệp thích ứng với trạng thái bình thường mới, chính sách di chuyển giữa các quốc gia dần bình thường hóa tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài khảo sát và hoàn thiện các thủ tục đầu tư.

Một nguyên nhân quan trọng hơn, MAS cho rằng Việt Nam vẫn đang hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, với lợi thế về vị trí địa lý và chi phí lao động rẻ.

Tuy nhiên, rủi ro lớn là việc thu hút 100% lao động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội hồi quý III/2021 có thể cần nhiều thời gian, thêm vào đó việc cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia có chiều hướng ngày càng gia tăng.

MAS dự kiến giải ngân FDI năm 2022 đạt 21 tỷ USD, tăng từ mức 19,7 tỷ USD vào năm 2021.

Xuất khẩu tiếp tục bứt phá

Trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu quốc gia ước đạt 29 tỷ USD, tăng nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu chính như điện thoại và linh kiện (ước đạt 4 tỷ USD, giảm 34,4% so với tháng 1/2021), điện tử, máy tính và linh kiện (ước đạt 3,5 tỷ USD, giảm 10,2%) có xu hướng giảm rõ rệt.

Trong khi đó, nhập khẩu tháng 1 ước đạt 29,5 tỷ USD, tăng 11,5% và đưa thâm hụt thương mại ước tính đạt 0,5%.

Duy trì triển vọng tích cực cho thương mại Việt Nam năm 2022, MAS dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt 22% trong khi tăng trưởng nhập khẩu đạt 21%. Mức tăng trưởng này tương đương kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2022 dự báo đạt 410,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 402 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại năm 2022 dự báo đạt 8,2 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi mức 4 tỷ USD đạt được trong năm ngoái.

Các động lực tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới được nhận định bao gồm sự phục hồi hoạt động của doanh nghiệp, nhà máy với công suất dần trở lại trạng thái thông thường; sự cải thiện nhu cầu quốc tế nhờ tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu ngày một tăng và sự tham gia ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như lợi thế từ những FTA chủ chốt.

Sản xuất và tiêu dùng tiếp tục phục hồi

Ngoài ra, MAS duy trì dự báo tích cực cho sản xuất công nghiệp và tiêu dùng trong nước.

Về sản xuất công nghiệp, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Việt Nam đã duy trì trên mức 50 điểm trong 4 tháng liên tiếp, thể hiện sự mở rộng trong sản xuất. Tháng 1/2022, PMI đạt 53,7 điểm, cho thấy sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng mạnh trong tháng khi nhu cầu tiếp tục cải thiện.

Nhóm phân tích của MAS kỳ vọng sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục đà hồi phục trong năm 2022, nhờ vào việc tiếp tục thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiến độ đẩy mạnh tiêm vaccine cũng như sự phục hồi nhu cầu trong thị trường nội địa cũng như tại các thị trường xuất khẩu.

Về tiêu dùng trong nước, kỳ vọng sự phục hồi doanh số bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tiếp tục được duy trì trong năm 2021 khi thu nhập người lao động được cải thiện do quay lại thị trường lao động và kỳ vọng ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch khởi sắc trong năm 2022 khi Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng, hướng tới mở cửa hoàn toàn.

Một số dự báo chỉ số kinh tế năm 2022 do nhóm phân tích MAS đưa ra (Ảnh: MAS)

Một số dự báo chỉ số kinh tế năm 2022 do nhóm phân tích MAS đưa ra (Ảnh: MAS)

Tin liên quan

Đọc tiếp