Đề nghị hỗ trợ 3 - 4,4 triệu đồng cho ngư dân vì giá xăng tăng cao

Nghề cá GIÁ XĂNG
09:48 - 26/06/2022
40 - 55% tàu cá đang phải nằm bờ vì giẵng "nhảy múa"
40 - 55% tàu cá đang phải nằm bờ vì giẵng "nhảy múa"
0:00 / 0:00
0:00
Bộ NN&PTNT đề nghị mức hỗ trợ đối với ngư dân theo Nghị định số 90 - tức khoảng 3 - 4,4 triệu đồng/người trong vòng 6 tháng do ảnh hưởng của giá xăng tăng cao khiến 40 – 55% tàu cá phải nằm bờ.

Những nội dung trên được nêu trong công văn đề nghị ngày 24/6 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) gửi Bộ Công Thương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá.

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua cùng với sự phát triển chung của các ngành kinh tế, ngành khai thác thủy sản đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp Việt Nam, sản lượng khai thác hải sản năm 2021 đạt 3,92 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hải sản đạt 3,435 tỷ USD.

Đặc biệt ngành khai thác thủy sản đã đảm bảo việc làm, thu nhập cho hơn 600 nghìn ngư dân trực tiếp tham gia khai thác thủy sản trên biển và gần 4 triệu lao động làm các nghề dịch vụ thủy sản ven biển; sự có mặt của tàu cá khai thác trên biển còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Tuy nhiên do giá xăng tăng cao ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế mỗi chuyến đi biển của ngư dân nên đã có 40 - 55% tàu cá ngừng hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống của ngư dân. Chuỗi cung ứng sản xuất thủy sản trong nước, xuất khẩu bị ảnh hưởng theo.

Để tháo gỡ những khó khăn, kịp thời hỗ trợ cho ngư dân đảm bảo đời sống, thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình xã hội trong cộng đồng cư dân ven biển, tạo động lực khuyến khích ngư dân an tâm sản xuất, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương và Bộ LĐTB&XH xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá.

Cụ thể, đối tượng hỗ trợ là thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng. Thời gian hỗ trợ trước mắt 06 tháng. Mức hỗ trợ theo mức lương tối thiểu theo vùng áp dụng đối với người lao động quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ, tức khoảng 3 - 4,4 triệu đồng/người trong vòng 6 tháng.

Hơn một nửa tàu cá phải nằm bờ vì giá xăng tăng chưa có điểm dừng

Số liệu Bộ NN&PTNT thống kê cho thấy, tính đến ngày 31/12/2021 cả nước có 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển, trong đó tàu cá khai thác vùng ven bờ 42.642 chiếc; khai thác vùng lộng 18.683 chiếc; khai thác vùng biển khơi (xa bờ) 30.391 chiếc.

“Tính chung cả nước đến thời điểm hiện nay tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40 - 55%, đặc biệt các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như: Lưới kéo, nghề rê... ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống của ngư dân. Đồng thời tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản trong nước và xuất khẩu", Bộ NN&PTNT đánh giá.

Theo tính toán, mỗi tháng bình quân hoạt động khai thác thủy sản tiêu thụ khoảng 330 triệu lít dầu, trong khi giá dầu diesel - loại nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản, đã tăng hơn 1,7 lần, đắt hơn 12.440 đồng so với cuối 2021.

Nhiên liệu thường chiếm 45 - 60% chi phí đầu vào cho sản xuất của tàu cá khai thác thủy sản. Thêm vào đó, giá nhiên liệu tăng đã đẩy giá các mặt hàng khác phục vụ khai thác thủy sản tăng theo 10 - 15%. Kết quả là chi phí đầu vào khai thác thủy sản đội lên 35 - 48%, trong khi giá bán đầu ra lại tăng không đáng kể.

Mặt khác, Bộ cũng cho biết số lượng tàu cá ngừng sản xuất, không thường xuyên hiện diện trên các vùng biển còn ảnh hưởng đến công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia.

Chiều 21/6, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Trong kỳ điều chỉnh lần này, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 110 đồng, RON 95 tăng 500 đồng/lít.

Cụ thể, giá xăng RON 95 tại kỳ điều chỉnh lần này đã tăng 500 đồng/lít, lên mức 32.870 đồng mỗi lít; xăng E5 RON 92 tăng 110 đồng/lít, lên mức 31.300 đồng mỗi lít.

Giá dầu Diesel 0.05S tăng 990 đồng/lít, lên mức 30.010 đồng/lít; dầu hoả tăng 950 đồng, lên mức 28.780 đồng/lít; Còn dầu mazut tăng 380 đồng lên mức 20.730 đồng một kg.

Như vậy, đây là đợt tăng giá lần thứ 7 liên tiếp từ 21/4 đến nay. Tổng cộng mỗi lít RON 95-III đắt thêm 5.560 đồng; còn E5 RON 92 cũng tăng thêm 4.830 đồng.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 13 lần tăng, 3 lần giảm. Mặc dù từ ngày 1/4, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, đà giảm của giá xăng dầu vẫn khá nhỏ giọt.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.