Đề xuất bổ sung quy định được thu hồi đất để phát triển du lịch

Đất Đai DU LỊCH
17:07 - 03/11/2023
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam - Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung đất để phục vụ phát triển du lịch vào đối tượng được Nhà nước thu hồi nhằm phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 3/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Khung pháp lý về phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hiện chưa đầy đủ

Góp ý về nội dung thu hồi đất phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng tại Điều 76, đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị bổ sung trường hợp thu hồi đất đối với các khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng bên cạnh kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch vào Khoản 27 được thiết kế tại phương án 1.

Theo đại biểu, khung pháp lý về phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hiện nay chưa đầy đủ, chưa thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.

Phạm vi điều chỉnh của Luật Du lịch không bao gồm việc xây dựng và hình thành phát triển hạ tầng du lịch và tài nguyên du lịch. Trong khi đó, các lĩnh vực khác được hỗ trợ tiếp cận được đất đai để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc Nhà nước thực hiện thu hồi đất.

Do vậy, việc Luật Đất đai không có quy định tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân để phát triển du lịch, dịch vụ sẽ không khuyến khích phát triển hạ tầng du lịch và tạo ra sự không bình đẳng đối với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận đất đai.

Theo đại biểu, việc giao các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án nhà ở thương mại hoặc khu đô thị mới kết hợp với kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch, khu vui chơi giải trí, tổ hợp đa năng được coi là dự án trọng điểm của địa phương sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đồng bộ hóa phát triển đô thị kết hợp với du lịch, thương mại và hình thành nên các khu đô thị mới với trung tâm tài chính thương mại, du lịch thu hút đầu tư quốc tế và khách du lịch trong nước. Đây cũng là mô hình đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới.

"Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên 50% thì cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy việc quy định thu hồi đất, phát triển quỹ đất cho hoạt động du lịch là cần thiết trong Luật đất đai", đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Luật Đất đai dài 226 trang, chỉ có 2 từ dành cho ngành du lịch

Đồng quan điểm, Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị bổ sung thêm một đối tượng điều chỉnh của điều 79, đó là đất để phát triển phục vụ du lịch.

Theo ông, đất liên quan đến du lịch có 2 loại, gồm tài nguyên du lịch và đất dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch - loại hình cần đặc biệt quan tâm.

Ông Tạ Văn Hạ dẫn Nghị quyết 08/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nội dung nghị quyết nêu rõ, đây là định hướng chiến lược để phát triển đất nước, là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Ngoài ra, khoản 2, điều 5 Luật Du lịch năm 2017 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành, áp dụng các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

Khoản 4 điều luật này cũng nêu rằng Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư hình thành khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn; hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch.

Từ những cơ sở trên, ông Hạ đề nghị phải quy định làm sao thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 08/2017 và đồng bộ với Luật Du lịch năm 2017.

"Dự án Luật Đất đai sửa đổi có tổng cộng 16 chương, 265 điều với 226 trang giấy, thế nhưng chỉ có 11 từ du lịch, trong đó 2 từ du lịch là dành cho ngành du lịch, 9 từ du lịch khác là dành cho giải quyết vấn đề sửa Luật Lâm nghiệp", đại biểu đặt vấn đề.

Cho rằng quy định dự thảo luật là chưa thỏa đáng, đại biểu một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của việc thu hồi đất nhằm phát triển du lịch.

Thu hồi đất để phát triển các dự án trọng điểm thúc đẩy kinh tế địa phương

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cũng bày tỏ thống nhất về vấn đề thu hồi đất để phát triển du lịch và thu hồi đất tại Điều 79.

Đại biểu cho biết, về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và đang có quyền sử dụng đất đối với dự án phát triển kinh tế - xã hội, trình tại kỳ họp này, Chính phủ đưa ra 2 phương án.

Phương án 1: Giữ như dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 "Đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất thì nhà đầu tư thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội".

Phương án 2: Sửa đổi theo hướng ưu tiên người đang có quyền sử dụng đất. "Người sử dụng đất đang có quyền sử dụng đất có đề xuất dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất có đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất mà được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thì được sử dụng đất để thực hiện dự án mà Nhà nước không thực hiện thu hồi đất theo quy định tại Điều 79 của luật này".

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nghiêng về phương án 1. Bởi theo đại biểu, phương án này nhằm thu hồi đất để phát triển các dự án kinh tế trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương và đồng bộ hóa phát triển du lịch kết hợp với thương mại. Đây sẽ là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đọc tiếp