Đề xuất thành lập quỹ cho vay mua nhà ở giá rẻ

Nhà ở Việt nAM
17:41 - 28/09/2023
TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia. Ảnh: Reatimes
TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia. Ảnh: Reatimes
Khẳng định nhà ở giá rẻ là "tử huyệt" của thị trường bất động sản, TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất thành lập một quỹ cho vay mua nhà ở giá rẻ để tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường, cho người mua nhà vay trực tiếp.

Tại Diễn đàn Bất động sản mùa thu lần thứ I ngày 28/9, nhận định thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm vẫn còn nhiều khó khăn, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để vực dậy thị trường.

TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho biết, hiện thị trường bất động sản đang có hai vấn đề cần giải quyết là vai trò quản lý của cơ quan chức năng và phát triển các dự án nhà ở giá rẻ.

Đối với việc phát triển nhà ở giá rẻ, ông Nghĩa nhấn mạnh đây là "tử huyệt" của thị trường bất động sản nhưng hiện nay, phân khúc thiếu nhất lại là phân khúc này do vậy cần phải bổ sung thêm nhiều nguồn cung để thị trường được phát triển dựa trên giá trị thực.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng cho biết việc bổ sung nguồn cung nhà ở giá rẻ rất khó triển khai dù các cơ quan chức năng đã tập trung xử lý cơ chế, chính sách cho một số doanh nghiệp nhưng thị trường nhà ở giá rẻ vẫn chưa đâu vào đâu.

Để giải quyết nguồn cung phân khúc này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng Nhà nước cần quan tâm đến vấn đề tài chính, phải có quỹ cho vay nhà ở hoặc quỹ tín thác nhà ở.

"Nếu hiện nay ngân hàng đang “thừa tiền”, chúng ta có thể phát hành trái phiếu Chính phủ để ngân hàng mua, sau đó thành lập quỹ để cho vay mua nhà ở giá rẻ, cho người mua nhà vay trực tiếp”, ông Nghĩa đề xuất.

Tuy nhiên, nếu thành lập quỹ thì Chính phủ cần thành lập dưới dạng công ty tư nhân, không nên hành chính hóa nó rồi vướng mắc vào vấn đề quản trị, tham nhũng.

Cùng với đó, vị chuyên gia này cũng lưu ý đừng để cho những nhà phát triển bất động sản giá rẻ bị thiệt thòi tài chính so với nhà phát triển bất động sản thương mại. Ví dụ quy định lợi nhuận chỉ 15%, nhà phát triển phải xác định ai là đối tượng chính sách để cho mua, nếu sai phải chịu trách nhiệm hình sự là không hợp lý. Chính vì nhiều trách nhiệm đổ lên đầu như vậy nên chủ đầu tư mới không muốn làm.

Đồng tình với ý kiến của ông Nghĩa, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ phát triển quỹ phát triển nhà ở xã hội bởi đây là chính sách kinh tế nhân văn, vừa giúp phát triển kinh tế thị trường, vừa đem đến tác động lớn với an sinh xã hội.

Từ kinh nghiệm quốc tế, Chủ tịch HĐQT CEO Group Đoàn Văn Bình cũng kiến nghị thành lập quỹ đầu tư tín thác bất động sản (Real Estate Investment Trust - REIT) và trong thời gian tới Hiệp hội bất động sản Việt Nam sẽ có kiến nghị liên quan đến các quỹ này để cung cấp nguồn vốn bền vững cho thị trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.