Doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng nhộn nhịp phát hành trái phiếu

TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP
07:57 - 03/09/2023
Doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng nhộn nhịp phát hành trái phiếu
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động phát hành trái phiếu của các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản bất ngờ nhộn nhịp trở lại trong tháng 8/2023 sau những giải pháp tích cực từ Chính phủ. Dẫu vậy, mùa cao điểm đáo hạn vẫn là thách thức mà thị trường này phải đối mặt.

Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, tính đến ngày cuối cùng của tháng 8/2023, có 7 doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu trong tháng với tổng giá trị là 22.905 tỷ đồng. Đáng chú ý là tổng giá trị này gần bằng với tổng giá trị phát hành của nhóm bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 (tương đương 62.512 tỷ đồng).

Lãi suất cao nhất trái phiếu ngành bất động sản phát hành trong tháng 8 thuộc về Phát triển Nhà ở xã hội Thuận Thành và Bất động sản Liên Lập 14%. Lãi suất thấp nhất là của Capitaland Tower 1%.

Có một số lô trái phiếu đáng lưu ý như Bất động sản Lan Việt huy động 4.100 tỷ đồng từ trái phiếu. Trái phiếu này có kỳ hạn 15 tháng, đáo hạn ngày 25/11/2024. Lãi suất phát hành cố định 13,3%/năm. Còn Công ty TNHH Đầu tư Nhà ở xã hội Thuận Thành (Nhà Thuận Thành) thông báo hoàn tất phát hành thành công lô trái phiếu TTHCH2328001 trị giá 800 tỷ đồng, kỳ hạn 59 tháng vào ngày 21/8/2023.

CTCP Phú Thọ Land cũng vừa phát hành một lô trái phiếu với tổng mệnh giá 1.900 tỷ đồng. Lãi suất phát hành của lô trái phiếu là 10,5%/năm, kỳ hạn trả lãi là 3 tháng/lần. Lô trái phiếu PTJCB2324001 có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 12 tháng. Ngày phát hành 25/8 và đáo hạn vào 25/8/2024.

Bên cạnh sự trở lại của các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng cũng đang rầm rộ phát hành trái phiếu đó chính là ngân hàng. Thống kê cho thấy, trong tháng 8, có tới 10 đợt phát hành trái phiếu của các ngân hàng với giá trị phát hành lên tới hơn 12.000 tỷ đồng.

Trong đó, ACB có 3 đợt phát hành với tổng giá trị 6.500 tỷ đồng, MSB phát hành 1.000 tỷ đồng, OCB 2.000 tỷ đồng, BacABank 800 tỷ đồng, BIDV 700 tỷ đồng…

Hiện tại, một số doanh nghiệp cũng đang lên kế hoạch phát hành trái phiếu. Cụ thể, HĐQT Vingroup đã thông qua phương án phát hành ra công chúng 5 lô trái phiếu có tổng giá trị 10.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và xác lập nghĩa vụ nợ trực tiếp với Vingroup.

HĐQT HDBank cũng đã thông qua phương án phát hành ra công chúng tối đa 5.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 7 năm. Trái phiếu được phát hành nhằm mục đích bổ sung vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn và phục vụ nhu cầu vay của khách hàng.

Mua lại trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trước hạn chững lại

Ở chiều ngược lại, theo thống kê của FiinRatings, quy mô trái phiếu mua lại trước ngày đáo hạn chứng kiến sự sụt giảm với tổng khối lượng đạt 12.360 tỷ đồng, giảm 51% so với tháng 7 và giảm hơn 44% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu trái phiếu mua lại vẫn giữ ổn định với nhóm tổ chức tín dụng chiếm đa số (hơn 49%), tiếp theo đến nhóm ngành bất động sản và các nhóm ngành khác.

"Theo đánh giá của chúng tôi, trong các tháng tiếp theo, áp lực đáo hạn vẫn sẽ tiếp tục là khó khăn chung của thị trường. Cụ thể, quý 4/2023 là cao điểm đáo hạn trái phiếu với tổng giá trị lên đến 65.500 tỷ đồng (không tính các lô giãn hoãn), với gần 80% thuộc nhóm ngành bất động sản.

Tuy vậy, nhóm phân tích cũng nhìn nhận, trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/8/2023 nhằm ngưng hiệu lực các điều khoản liên quan đến hoạt động cho vay tái cơ cấu nợ và hợp đồng hợp tác đầu tư. Động thái này phần nào gỡ bỏ nút thắt của thị trường bằng việc cho phép các doanh nghiệp đang gặp khó khăn huy động nguồn vốn mới, từ đó tăng khả năng phục hồi của nhóm ngành bất động sản nói riêng và toàn thị trường nói chung.

Nhận định tương tự, Chứng khoán VNDirect cho hay, trong tháng 8, hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trước hạn đã có sự chững lại so với các tháng trước đó.

Dẫu vậy, nhóm phân tích cho biết, hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra tích cực trong tháng 8/2023. Tính đến ngày 23/8 đã có 44 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX với tổng giá trị được gia hạn là hơn 58.803 tỷ đồng.

Tuy nhiên, áp lực đáo hạn trái phiếu trong tháng 9 vẫn lớn, trong khi danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của HNX vẫn tiếp tục tăng lên.

Theo ước tính của VNDirect, trong tháng 9 sẽ có khoảng hơn 25.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, là một trong những tháng có giá trị đáo hạn lớn nhất trong năm 2023.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.
Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.