Doanh nghiệp Nhật chuyển giao kỹ thuật lên men và bảo quản vải thiều Hải Dương

Vải thiều Hải Dương
12:08 - 29/06/2023
Việc lên men cho quả vải thiều Hải Dương nhằm bảo quản lâu dài là một trong những hướng đi để nâng cao giá trị quả vải hiện nay, mở ra cơ hội để sản phẩm từ quả vải có thể tiêu thụ ở nhiều thị trường trên thế giới.

Ngày 28/6, tại huyện Thanh Hà, đại diện Công ty A-Word (doanh nghiệp Nhật Bản chuyên về lĩnh vực bảo quản, chế biến thực phẩm) đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương, lãnh đạo huyện Thanh Hà và CTCP Ameii Việt Nam về việc chuyển giao kỹ thuật chế biến, lên men cho quả vải thiều.

Công nhân CTCP Ameii Việt Nam sơ chế quả vải thiều.

Công nhân CTCP Ameii Việt Nam sơ chế quả vải thiều.

Theo bà Sadahiro Mari, Tổng Giám đốc Công ty A-World, hiệu quả của việc lên men là nâng cao giá trị dinh dưỡng vì sinh vật sẽ tạo ra lượng chất dinh dưỡng lớn trong quá trình lên men, làm tăng giá trị dinh dưỡng của thực phẩm và bảo quản được lâu dài.

Đối với quả vải tươi, việc áp dụng kỹ thuật lên men sẽ chế biến sản phẩm này thành nhiều sản phẩm khác như nước ép, rượu, mỹ phẩm… Điều kiện của kỹ thuật lên men là sản phẩm, nguyên liệu ban đầu phải hoàn toàn sạch không có bất kỳ một loại hóa chất nào, sản phẩm có thể bảo quản được hàng chục năm mà không bị hỏng.

Bà Sadahiro Mari, Tổng Giám đốc Công ty A-World (áo đỏ) giới thiệu quy trình lên men các thực phẩm của công ty đang triển khai.

Bà Sadahiro Mari, Tổng Giám đốc Công ty A-World (áo đỏ) giới thiệu quy trình lên men các thực phẩm của công ty đang triển khai.

Hiện nay không chỉ quả vải có thể lên men mà nhiều sản phẩm khác như đậu phụ, nước tương, măng muối, cá muối, củ cải… Sử dụng sản phẩm lên men sẽ giúp tăng hệ miễn dịch, hạn chế cholesterol, tăng vị ngon, cải thiện làn da, giảm stress, phòng bệnh do thói quen sinh hoạt… cho người sử dụng.

Vải thiều tươi được sơ chế và rửa sạch bằng nước pha hỗn hợp từ cây tía tô (sản phẩm hỗn hợp có xuất xứ tại Nhật Bản). Tiếp đó, thấm khô cho quả vải.

Vải thiều tươi được sơ chế và rửa sạch bằng nước pha hỗn hợp từ cây tía tô (sản phẩm hỗn hợp có xuất xứ tại Nhật Bản). Tiếp đó, thấm khô cho quả vải.

Tuy nhiên sản phẩm này nếu để ở nhiệt độ trên 48 độ C thì các vi khuẩn có lợi trong quá trình lên men sẽ bị chết, nên sản phẩm không còn tốt cho cơ thể nữa, đây cũng là một điểm trừ cho sản phẩm lên men.

Cũng theo Tổng Giám đốc Công ty A-World, quy trình lên men này có thể được thực hiện không chỉ ở doanh nghiệp mà còn có thể thực hiện tại mỗi gia đình để bảo quản nông sản. Đây là một trong những giải pháp hạn chế sự thiếu hụt lương thực ở những vùng khó khăn về lương thực.

Công đoạn thái cùi vải thiều.

Công đoạn thái cùi vải thiều.

Tại buổi làm việc, bà Sadahiro Mari đã hướng dẫn cho các công nhân CTCP Ameii Việt Nam về công nghệ, kỹ thuật lên men quả vải. Theo đó, vải tươi được sơ chế và rửa sạch bằng nước pha hỗn hợp từ cây tía tô; sau đó vớt ra thấm cho khô nước, tách vỏ, bỏ hạt, thái cùi rồi trộn đều ngâm ủ với men Hakkoh+, cuối cùng phủ một lớp đường trắng để hoàn tất công đoạn. Thông thường chỉ sau khoảng 2 tuần, sản phẩm sẽ lên men thành công.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân khẳng định, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản phối hợp trong việc sơ chế, bảo quản, chế biến và xúc tiến thương mại để tiêu thụ quả vải thiều Hải Dương tại thị trường Nhật Bản.

Việc lên men cho quả vải thiều nhằm bảo quản lâu dài sẽ là một trong những hướng đi để nâng cao giá trị quả vải hiện nay. Đồng thời, mở ra cơ hội để sản phẩm từ quả vải có thể tiêu thụ ở nhiều thị trường trên thế giới với thời gian dài và đảm bảo tốt chất dinh dưỡng cho người tiêu dùng.

Trộn đều cùi vải ngâm ủ với men Hakkoh+ có xuất xứ từ Nhật Bản, sau đó phủ một lớp đường trắng lên hỗn hợp cùi vải đã ủ với men để hoàn tất công đoạn.

Trộn đều cùi vải ngâm ủ với men Hakkoh+ có xuất xứ từ Nhật Bản, sau đó phủ một lớp đường trắng lên hỗn hợp cùi vải đã ủ với men để hoàn tất công đoạn.

Dự kiến, sau khi sản phẩm được thử nghiệm lên men thành công, CTCP Ameii Việt Nam sẽ phối hợp với Công ty TNHH Long Hải để sản xuất sản phẩm trên quy mô lớn, nhằm phục vụ tiêu dùng tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 8.880 ha vải, tập trung chủ yếu ở huyện Thanh Hà khoảng 3.250 ha và thành phố Chí Linh khoảng 3.400 ha, còn lại là các vùng khác. Vải của Hải Dương đến nay cơ bản được sản xuất theo quy trình an toàn. Trong đó, có có 52 vùng trồng với diện tích 610 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Tin liên quan

Đọc tiếp