Định hình khu vực phát triển Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

KINH TẾ Địa phương
22:52 - 31/05/2023
Định hình khu vực phát triển Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương
0:00 / 0:00
0:00
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 198/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương về giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.

Thông báo nêu rõ, trong bối cảnh chung cả nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương đã bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đạt được những kết quả tích cực.

Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại

Phó Thủ tướng lưu ý phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm.

Chú trọng đào tạo, nâng cao phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhất là cho công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ cảng biển, logistic; tài chính - ngân hàng,… để phấn đấu xây dựng Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ biển của cả nước và là động lực phát triển của Vùng.

Định hướng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại gắn với phát triển các dịch vụ đô thị và công nghiệp để phát huy vai trò là tỉnh kết nối giữa các tỉnh phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội với cửa biển tại Hải Phòng và Quảng Ninh.

Các địa phương khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm đề xuất cho vùng đồng bằng Sông Hồng nói chung và thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương nói riêng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các địa phương nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển.

Phấn đấu xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.

Phấn đấu xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.

Về thành tựu các địa phương này thời gian qua

Tốc độ tăng trưởng (GRDP) quý 1 của các địa phương đều thuộc nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng tốt nhất nước, cao hơn bình quân chung của cả nước (3,32%), cụ thể: TP Hải Phòng tăng 9,65% - đứng thứ 3 cả nước, đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH); Hải Dương tăng 8,35% - đứng thứ 9 cả nước, đứng thứ 3 vùng ĐBSH; Quảng Ninh tăng 8,06% - đứng thứ 12 cả nước, đứng thứ 6 vùng ĐBSH.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của các địa phương đều tăng so với cùng kỳ , trong đó, Hải Phòng tăng 13,37%, Hải Dương tăng 10,7%, Quảng Ninh tăng 4,7%.

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; kim ngạch xuất khẩu 04 tháng của Hải Phòng ước đạt 9 tỷ USD, tăng 16,58%; Quảng Ninh ước đạt 929 triệu USD, tăng 13,7%.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của 3 địa phương đạt 1,06 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng số vốn của vùng đồng bằng sông Hồng, chiếm gần 12% cả nước. Các địa phương đều thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các địa phương còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần khắc phục như tốc độ tăng trưởng GRDP quý 1/2023 đạt cao hơn mức bình quân chung cả nước nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra; sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, giảm mạnh nhất là ngành công nghiệp - xây dựng.

Tiến độ triển khai lập Quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương còn chậm. Tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương thấp dưới mức bình quân của cả nước.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần tập trung huy động tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, ưu tiên đầu tư các dự án giao thông kết nối liên vùng để tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có về hạ tầng giao thông.

Đặc biệt, các địa phương này cần phát huy vai trò là điểm trung chuyển vận tải đa phương thức phía Bắc, phát triển dịch vụ tiếp vận hậu cần cảng, các khu công nghiệp logistics,.. để kết nối với Trung Quốc, khu vực Đông Bắc Á và ASEAN nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và của vùng đồng bằng sông Hồng nói chung.

Thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương sớm hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh. Định hướng phát triển kinh tế của tỉnh gắn với hành lang giao thông Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, và các hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh và Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Hải Dương hướng tới trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại gắn với phát triển các dịch vụ đô thị và công nghiệp

Hải Dương hướng tới trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại gắn với phát triển các dịch vụ đô thị và công nghiệp

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần chủ động đề xuất và tích cực tham gia trong các hoạt động liên kết, điều phối phát triển vùng, nhất là các lĩnh vực quy hoạch, phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, chuỗi sản phẩm liên kết, xúc tiến đầu tư, xử lý môi trường. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất đai để thu hút các nhà đầu tư lớn, chiến lược.

Chú trọng đào tạo, nâng cao phát triển nguồn nhân lực phù hợp với định hướng phát triển về dịch vụ đô thị và công nghiệp đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và trong liên kết, phối hợp với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Tiếp tục duy trì và tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, nhất là thu hút các dự án FDI lớn, có hàm lượng công nghệ cao, ít sử dụng tài nguyên.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là một nhân tố quan trọng để tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án lớn, trọng điểm kết nối liên vùng.

Đọc tiếp