Đổi mới sáng tạo: Quan trọng là doanh nghiệp phải 'sẵn sàng học'

DOANH NGHIỆP Đổi mới
13:02 - 30/09/2023
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh: Anh Thư
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh: Anh Thư
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện CIEM lưu ý các FTA thế hệ mới và ASEAN+ đều có nội dung về hợp tác nâng cao năng lực, nhưng quan trọng là chính các doanh nghiệp phải muốn học, sẵn sàng học.

Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 29/9 đã tổ chức Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường”.

Theo các diễn giả, thách thức với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay là khả năng ứng dụng công nghệ, tính sẵn sàng đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và tận dụng ưu đãi từ các FTA.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Anh Thư

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Anh Thư

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, tăng năng suất lao động giúp làm giảm giá thành sản phẩm, cải thiện chất lượng sản phẩm, tiết kiệm được chi phí nhân công trên một đơn vị sản phẩm, từ đó đáp ứng được các nhu cầu và tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của khách hàng trong và ngoài nước, đặc biệt là yêu cầu của các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP/ EVFTA.

Các diễn giả đã nêu những giải pháp về chuyển đổi, quản trị doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm.

Ông Phạm Tiến Dũng, chuyên gia kinh tế - tư vấn của Economica Việt Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 bình quân đạt khoảng 6 - 7%/năm. Trong 5 - 7 năm tới, mỗi 5% tăng trưởng tương đương với khoảng 18 - 22 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, hơn 70% xuất khẩu là nhờ các doanh nghiệp FDI, còn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế về sản phẩm, năng suất, chất lượng...

Từ thực thế này, ông Dũng đề xuất doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần tìm cách tham gia chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI, chuỗi sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đồng thời cung ứng cho nhà đầu tư trong nước. Doanh nghiệp cũng cần có tinh thần luôn luôn sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị và cung cấp hàng hóa Made in Vietnam, Made by Vietnam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; phát triển thương mại điện tử.

Ông Phạm Tiến Dũng, chuyên gia kinh tế - tư vấn của Economica Việt Nam. Ảnh: Anh Thư

Ông Phạm Tiến Dũng, chuyên gia kinh tế - tư vấn của Economica Việt Nam. Ảnh: Anh Thư

Dành lời khuyên cho các nhà xuất khẩu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng để tận dụng lợi thế của các FTA doanh nghiệp cần thích ứng với yêu cầu ở các thị trường đối tác. Nhất là khi có sự thay đổi về quy định hướng tới phát triển bền vững ở các thị trường xuất khẩu chính.

Như vậy, doanh nghiệp cần chuyển tư duy kinh doanh sang "bán sản phẩm thị trường cần", đồng thời hợp tác chặt chẽ với nhà đầu tư nước ngoài để có cơ hội nhận chuyển giao công nghệ hiện đại, hơn nữa, đối tác nhập khẩu là người chỉ dẫn đầy đủ nhất.

Doanh nghiệp cần đáp ứng quy tắc xuất xứ để khai thác hiệu quả các FTA thông qua kết nối doanh nghiệp; ứng dụng kinh tế tuần hoàn và có tư duy tích cực hơn với các chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Dương cũng lưu ý các FTA thế hệ mới và ASEAN+ đều có nội dung về nâng cao năng lực, ví dụ như nội dung Hợp tác và nâng cao năng lực trong CPTPP, EVFTA; Hợp tác kinh tế và kỹ thuật trong RCEP.

Quan trọng là chính doanh nghiệp phải muốn học, sẵn sàng học, ông Dương nói.

Tuy nhiên trên thực tế, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay là khó tiếp cận được hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn và chuyển giao khoa học - công nghệ. Cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà khoa học, nhà trường, viện nghiên cứu còn lỏng lẻo, thiếu chuyên gia tư vấn. Do đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI.

Các diễn giả cho rằng, doanh nghiệp rất mong muốn có nhiều hơn sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, hiệp hội, đoàn thể, vừa hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, vừa tạo ra không gian trao đổi, học hỏi giữa các doanh nghiệp với nhau.

Tin liên quan

Đọc tiếp