Đối thoại Shangri-La 2023 dự kiến trao đổi các chủ đề an ninh nóng

An ninh THẾ GIỚI
08:21 - 02/06/2023
Đối thoại Shangri-La năm 2023 dự kiến sẽ bàn luận về quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung, chiến sự tại Ukraine, nội chiến tại Myanmar cũng như các chương trình tên lửa của Triều Tiên và Iran.
Đối thoại Shangri-La năm 2023 dự kiến sẽ bàn luận về quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung, chiến sự tại Ukraine, nội chiến tại Myanmar cũng như các chương trình tên lửa của Triều Tiên và Iran.
0:00 / 0:00
0:00
Mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Mỹ - Trung cùng các tác động của chiến sự tại Ukraine đối với châu Á dự kiến sẽ là tâm điểm chú ý tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La 2023) tại Singapore.

Đối thoại Shangri-La được thành lập vào năm 2002 như một nền tảng cho hoạt động ngoại giao trực tiếp giữa các quan chức quốc phòng hàng đầu toàn cầu. Theo truyền thống, hội nghị sẽ bao gồm các bài phát biểu, tranh luận và các cuộc trò chuyện riêng tư liên quan đến an ninh giữa các đại biểu cấp cao bên lề.

Tới năm 2020 và 2021, sự kiện thường niên này bị hủy bỏ do đại dịch Covid-19 và được nối lại vào năm 2022. Tới năm 2023 này, Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 sẽ diễn ra từ 2/6 tới đến 4/6 tại khách sạn Shangri-La Singapore. Hơn 550 đại biểu từ hơn 40 quốc gia sẽ có mặt tại hội nghị kéo dài 3 ngày này, trong đó bao gồm các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc.

Ông Austin dự kiến sẽ phát biểu vào 3/6 về vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong khi Tướng Lý sẽ trình bày về các sáng kiến an ninh mới của Trung Quốc vào 4/6.

Các quan chức cấp cao khác dự kiến tham gia và phát biểu tại đây bao gồm Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cùng các chỉ huy quân đội của Anh, Đức, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trước thềm Đối thoại năm nay, các nhà quan sát chính trị đã dự đoán một cuộc gặp có thể xảy ra giữa các bộ trưởng quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc bên lề hội nghị thượng đỉnh. Trước đó vào năm 2022, Đối thoại Shangri-La cũng ghi nhận cuộc gặp đầu tiên giữa ông Austin và Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ của Trung Quốc, Tướng Ngụy Phượng Hòa – một động thái làm dấy lên hy vọng về các cuộc đàm phán quân sự mới giữa Washington và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, tân Bộ trưởng Quốc phòng của Trung Quốc từ tháng 3 là ông Lý Thượng Phúc đã đã từ chối yêu cầu của Washington về việc này, theo một tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết hôm đầu tuần. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ tạo ra “các chướng ngại vật” làm xói mòn lòng tin và cản trở nỗ lực cải thiện liên lạc giữa hai cường quốc trong khi ông Lý vẫn đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Nhận định về điều này, ông Austin cho biết đây là một sự “đáng tiếc” và ông hoan nghênh mọi cơ hội tiếp xúc với người đồng cấp Trung Quốc.

Theo Straits Times trích dẫn Tiến sĩ Chong Ja Ian, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, việc không có cuộc gặp song phương chính thức trong năm nay cho thấy mối quan hệ “không thoải mái, thậm chí căng thẳng” giữa hai cường quốc.

Trong khi đó theo ông James Crabtree, giám đốc điều hành văn phòng châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) – đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La - tình thế khó xử giữa Washington và Bắc Kinh “cho thấy những góc nhìn khác nhau về vai trò của truyền thông trong mối quan hệ giữa các cường quốc”.

Ông giải thích: “Nhìn từ góc độ của Washington, thông tin liên lạc là cần thiết nhất trong một cuộc khủng hoảng nhưng quan điểm của Bắc Kinh ngược lại”. “Trung Quốc coi giao tiếp là điều nên xảy ra khi quan hệ tốt đẹp. Nếu vấn đề nghiêm trọng hơn, việc cắt đứt các kênh liên lạc là cách dễ dàng để thể hiện sự không hài lòng”.

Mặt khác, chiến dịch quân sự Nga tiến hành tại Ukraine cũng được dự đoán sẽ tiếp tục là một chủ đề nổi bật tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 20. Cuộc xung đột này ở châu Âu đã định hình lại quan điểm và chính sách của nhiều quốc gia trong năm qua và tiếp tục phủ bóng đen lên cuộc tranh luận về các mối quan tâm và chiến lược địa chính trị rộng lớn hơn của họ.

Những vấn đề an ninh quốc tế đáng chú khác theo Tiến sĩ Chong bao gồm các cuộc thảo luận về các cấu trúc an ninh đang phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương bao gồm hiệp ước Aukus giữa Australia, Anh và Mỹ, nhóm Quad gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ cùng việc Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường quan hệ với NATO từ đầu năm 2023. Trung Quốc coi các động thái này nhằm mục đích kìm hãm sự phát triển của mình.

Các nỗ lực quản lý các chương trình vũ khí và tên lửa ở Bắc Triều Tiên và Iran và các cách giải quyết cuộc nội chiến ở Myanmar và những tác động lan tỏa của nó cũng được dự đoán là một chủ đề được thảo luận.

Tiến sĩ Chong hy vọng các cuộc thảo luận tại Đối thoại Shangri-La sẽ làm sáng tỏ quan điểm của các nước liên quan đến các khuôn khổ an ninh này và cách chúng đóng góp cho sự ổn định khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen hôm 1/5 cũng thể hiện quan điểm này khi cho biết diễn đàn này trong nhiều năm “đã cung cấp một nền tảng có giá trị, cởi mở và trung lập để trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc phòng và an ninh quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương”.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.