Đồng thuận chuyển đổi quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định ASEAN - Hàn Quốc

Thương Mại asean
18:39 - 27/03/2024
Các đại biểu tham dự hội nghị. Nguồn: Bộ Công Thương.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Nguồn: Bộ Công Thương.
0:00 / 0:00
0:00
Một hội nghị thảo luận về Chuyển đổi Quy tắc mặt hàng trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc năm 2024 đã diễn ra trong 3 ngày từ 25 - 27/3 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh). 

Quy tụ hơn 80 đại biểu đến từ 10 nước ASEAN, Hàn Quốc và Ban thư ký ASEAN, hội nghị có mục tiêu rà soát để đưa gần 7.000 dòng thuế của danh mục quy tắc mặt hàng (PSR) trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) được chuyển đổi từ mã hệ thống hài hòa (Harmonized System-HS) của Tổ chức Hải quan thế giới 2107 sang HS 2022.

Hội nghị cũng thảo luận sâu về tiến độ và cơ chế thực thi quy tắc xuất xứ theo HS mới, theo thông tin từ Bộ Công Thương.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại lễ bế mạc hội nghị ngày hôm nay, 27/3 rằng, mục tiêu đưa gần 7.000 dòng thuế của danh mục PSR trong AKFTA cần được chuyển đổi đòi hỏi sự đồng thuận lớn từ các nước ASEAN và Hàn Quốc.

Toàn cảnh phiên bế mạc. Nguồn: Báo Công Thương.

Toàn cảnh phiên bế mạc. Nguồn: Báo Công Thương.

Sau ba ngày làm việc, các đại biểu đã hoàn thành chương trình đề ra, thảo luận chuyên sâu, đóng góp nhiều ý kiến vào báo cáo tới Tiểu ban Thuế và Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định AKFTA.

Thông tin về nội dung trao đổi, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Điều phối trưởng Dự án chuyển đổi PSR ASEAN - Hàn Quốc cho biết, các nước đã rà soát được từ Chương 1 đến Chương 97 của danh mục PSR và thống nhất tiêu chí xuất xứ của đa số dòng hàng.

Theo bà Sasikanya Ponien, đồng Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong AKFTA, kết quả cuộc họp chính là tiền đề quan trọng để Tiểu ban Thuế và Quy tắc xuất xứ hàng hóa đệ trình lên Ủy ban Thực thi Hiệp định AKFTA thông qua Danh mục quy tắc cụ thể mặt hàng theo HS mới.

“Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ xây dựng và ban hành Thông tư quy định thực hiện quy tắc xuất xứ AKFTA nhằm cập nhật danh mục PSR. Từ đó tạo thuận lợi cho việc tận dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt AKFTA,” bà Trần Minh Trang, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam chia sẻ.

Bên lề Hội nghị, nước chủ nhà Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc song phương với đoàn đại biểu Thái Lan và Hàn Quốc. Bà Siriporn Ulao, Trưởng đoàn đại biểu Thái Lan bày tỏ mối quan tâm đến việc triển khai mẫu con dấu và chữ ký điện tử trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Hiệp định ASEAN - Ấn Độ (AIFTA).

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu tiếp xúc song phương với ông Min-ho Son, Trưởng đoàn đại biểu Hàn Quốc. Nguồn: Bộ Công Thương.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu tiếp xúc song phương với ông Min-ho Son, Trưởng đoàn đại biểu Hàn Quốc. Nguồn: Bộ Công Thương.

Ông Min-ho Son, Trưởng đoàn đại biểu Hàn Quốc đề nghị hai bên tăng cường phối hợp trong việc thực thi quy tắc xuất xứ, đặc biệt là công tác xác minh xuất xứ hàng hóa.

Ông cũng thay mặt đối tác Hàn Quốc và các nước thành viên ASEAN đánh giá cao và cảm ơn thịnh tình của nước chủ nhà Việt Nam trong công tác tổ chức hội nghị lần này, cũng như việc thúc đẩy đồng thuận về PSR trong khuôn khổ Hiệp định AKFTA.

ASEAN và Hàn Quốc ký kết Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện năm 2005 và Hiệp định về Thương mại hàng hóa có hiệu lực từ tháng 6/2007. Thời gian gần đây, Hàn Quốc liên tục là một trong những thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA cao nhất.

Năm 2023, thị trường Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi 52,1%, với kim ngạch hàng hóa có giấy chứng nhận xuất xứ xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 12,2 tỷ USD.

Nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu đi Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA tốt nhất gồm thủy sản (96,32%). Các mặt hàng nông sản như rau quả, cà phê và hạt tiêu đều có tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi rất cao, lần lượt đạt 91,18%, 94,54% và 100%. Gỗ và sản phẩm gỗ (73,76%); giày dép và hàng dệt may có tỷ lệ gần 100%, theo thông tin từ Bộ Công Thương.

Tin liên quan

Đọc tiếp