Dự báo kinh tế cuối năm phục hồi nhanh nhưng gặp nhiều thách thức

CHÍNH SÁCH VĨ MÔ
12:14 - 31/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới.

Dòng vốn FDI suy giảm kéo theo nhiều khó khăn về ổn định vĩ mô

Trước tình hình nền kinh tế gặp nhiều áp lực và khó khăn về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào "leo thang" cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước tạo áp lực lạm phát và tăng chi phí sản xuất, chiều 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ trì làm việc với các bộ, ngành, cơ quan để lấy ý kiến hoàn thiện Đề án "Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chống suy thoái và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế".

Phát biểu đề dẫn thảo luận tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới; rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, biến động về dịch bệnh, chính sách ngày càng nhanh.

Bên cạnh đó, tình hình các nước lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam chuyển dịch rất nhanh giữa các xu hướng đối nghịch: Từ tăng trưởng kinh tế cao năm 2021 sang tăng trưởng chậm lại, thậm chí có nguy cơ suy thoái nhẹ năm 2022 tại Mỹ, EU, Trung Quốc; từ xu hướng dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát sang mất kiểm soát trong nửa đầu năm 2022 tại Trung Quốc; từ ổn định sang nguy cơ mất ổn định, thiếu hụt nguồn cung, giá năng lượng, lương thực, hàng hóa tiêu dùng tăng cao tại Mỹ, EU; từ nguy cơ thiếu hụt sang dư thừa nguồn cung trong năm 2022 tại Ấn Độ, Thái Lan (gạo), Malaysia, Indonesia (dầu cọ).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP.

Trước những biến động của bối cảnh thế giới và khu vực, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu ra những áp lực và khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm 2022.

Cụ thể, công tác quản lý giá, điều tiết sản xuất, cung - cầu đối với một số nhóm hàng hóa gặp áp lực khi lạm phát từ bên ngoài đã bắt đầu ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất trong nước. Nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đã xuất hiện tình trạng người dân hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ do giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn do áp lực giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao. Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt hoặc chuyển sang tìm kiếm công việc tại các dự án FDI, gây thiếu nhân công thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Khó khăn đến từ chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công do một số chính sách, giải pháp chậm triển khai, phần nào làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài khóa, tiền tệ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/7/2022 đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 đạt 36,71%).

Trong khi đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản dễ bị tổn thương, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, có thể ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và kéo theo nhiều hệ lụy nếu có biến động xảy ra như tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán. Công tác quản lý thị trường còn nhiều vướng mắc; quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chưa chặt chẽ.

Đáng lưu ý, dòng vốn FDI có chất lượng chưa cao, suy giảm từ năm 2020 đến nay, kéo theo nhiều khó khăn, thách thức về phát triển sản xuất trong nước, ổn định vĩ mô.Tổng vốn FDI đăng ký năm 2020 (28,53 tỷ USD), 2021 (31,15 tỷ USD) chưa lấy lại được quy mô của năm trước dịch 2019 (38,02 tỷ USD). Tính chung 7 tháng đầu năm 2022 chỉ bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó FDI đăng ký cấp mới chỉ bằng 56,5% so với cùng kỳ.

Ảnh: VGP

Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương

"Chất lượng FDI chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, khả năng đổi mới công nghệ của khu vực trong nước, cũng như có thể tác động đến cán cân thanh toán, khả năng dự trữ ngoại hối, tỷ giá … trong trung và dài hạn”.

Phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, trước bối cảnh nhiều biến động

Đưa ra dự báo về tình hình trong những tháng cuối năm 2022, Bộ KH&ĐT nhận định, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc; nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giải ngân nhanh hơn, mạnh hơn.

Tuy nhiên, rủi ro, thách thức phục hồi kinh tế còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất.

"Cần phải có thêm các giải pháp trọng tâm để hỗ trợ kịp thời, tránh suy giảm sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp. Từ đó tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống người dân", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ.

Sau khi nghe báo cáo đề dẫn của Bộ KH&ĐT, các chuyên gia trong và ngoài nước phát biểu ý kiến, thống nhất đánh giá tình hình thế giới đang biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, chưa dự báo được và tác động, ảnh hưởng sâu sắc trên nhiều phương diện đến kinh tế toàn cầu và từng quốc gia.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích một số kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn và nhấn mạnh cần hết sức bình tĩnh, bản lĩnh, giữ vững đoàn kết, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, linh hoạt và sáng tạo với tầm nhìn và tư duy đột phá, trên cơ sở chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành và giám sát của Quốc hội, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Thủ tướng khẳng định, quan điểm định hướng chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới là tuyệt đối không được chủ quan, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, tăng cường năng lực phân tích, dự báo và kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, sử dụng chủ động, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các công cụ chính sách để thực hiện ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn, củng cố và phát triển các loại trường vốn, thị trường bất động sản một cách an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững, kiểm soát dịch bệnh, dự báo được rủi ro, nâng cao khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Một số kịch bản lạm phát toàn cầu trong thời gian tới:

- Kịch bản 1 - kịch bản cơ sở: Lạm phát toàn cầu đạt đỉnh trong Quý II/III năm 2022 trước khi giảm dần và ổn định vào cuối năm 2023. Giá năng lượng vẫn ở mức cao trong năm 2022 nhưng bắt đầu giảm vào năm 2023, chuỗi cung ứng toàn cầu dần hồi phục và các điều chỉnh chính sách nhằm kiềm chế lạm phát của các quốc gia phát huy hiệu quả.

- Kịch bản 2: Lạm phát tiếp tục giữ đà tăng và sẽ đạt đỉnh vào đầu năm 2023 trước khi giảm dần nhưng với tốc độ chậm hơn vào năm 2024; giá dầu có thể đạt mức 150 USD/thùng.

- Kịch bản 3: Lạm phát giảm với tốc độ nhanh và sớm ổn định vào giữa năm 2023 trong trường hợp xung đột tại Nga - Ucraina sớm kết thúc.

(Nguồn: Bộ KH&ĐT)

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.