Dưới thời chủ tịch HĐQT mới, Eximbank kinh doanh ra sao

NGÂN HÀNG Việt nAM
08:04 - 29/10/2023
Dưới thời chủ tịch HĐQT mới, Eximbank kinh doanh ra sao
0:00 / 0:00
0:00
Lợi nhuận quý 3/2023 tại Eximbank kém khả quan khi nguồn thu chính sụt giảm và ngân hàng này chuyển từ hoàn nhập sang dự phòng rủi ro tín dụng.

Tại báo cáo tài chính quý 3/2023 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) ghi nhận, nguồn thu chính của ngân hàng là lãi thuần sụt giảm đến 42% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn hơn 868 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, các mảng kinh doanh ngoài lãi ghi nhận có sự tăng trưởng so với quý 3/2023 như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 10%, đạt 115 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác tăng 43%, đạt 31 tỷ đồng. Đáng chú ý kỳ này Eximbank thu được hơn 141 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 19 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại ngân hàng này giảm 51%, chỉ còn gần 477 tỷ đồng.

Quý 3/2023, Eximbank trích lập dự phòng hơn 170 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 296 tỷ đồng. Kết quả, ngân hàng này báo lãi trước thuế đạt 307 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, nguồn thu chính của ngân hàng này vẫn sụt giảm 23%, còn gần 3.200 tỷ đồng. Cùng với hơn 439 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, do đó lợi nhuận trước thuế 9 tháng tại Eximbank đạt hơn 1.712 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ.

Năm 2023, nhà băng này đặt kế hoạch lãi hơn 5.000 tỷ đồng, như vậy Eximbank mới thực hiện được 34% chỉ tiêu sau 3 quý đầu năm.

Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản tại Eximbank mở rộng 3% so với đầu năm, lên 191.336 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm gần 63%, còn 2.092 tỷ đồng, tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác tăng đến 58%, đạt 41.101 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 4%, tương ứng 135.966 tỷ đồng.

Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác ghi nhận tăng 15%, lên 10.826 tỷ đồng và tiền gửi khách hàng tăng 4%, lên 153.967 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu tính đến cuối quý 3 là 3.593 tỷ đồng, tăng 53% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ tăng lần lượt gấp 2,5 và 3 lần, nợ có khả năng mất vốn giảm nhẹ. Kết quả đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 1,8% đầu năm lên 2,64%.

Vào ngày 28/6, HĐQT Eximbank đã ban hành Nghị quyết về việc bổ nhiệm bà Đỗ Hà Phương – Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) thay cho bà Lương Thị Cẩm Tú.

Ngay sau đó, Eximbank đã tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm kiện toàn lại bộ máy nhân sự.

Hiện Eximbank có 7 thành viên trong HĐQT bao gồm bà Đỗ Hà Phương - Chủ tịch HĐQT, bà Lê Thị Mai Loan, ông Phạm Quang Dũng, ông Nguyễn Cảnh Anh, ông Trần Tấn Lộc và ông Trần Anh Thắng.

Cùng ban điều hành gồm 5 thành viên là: quyền Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Hải và 4 phó tổng giám đốc là ông Đào Hồng Châu, ông Nguyễn Hướng Minh, bà Lê Thị Mai Loan (kiêm thành viên HĐQT) và ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.