FED lo ngại Omicron làm tăng lạm phát hơn là ảnh hưởng phục hồi kinh tế

FED lo ngại Omicron làm tăng lạm phát hơn là ảnh hưởng phục hồi kinh tế
0:00 / 0:00
0:00
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron thay vì khiến Fed kéo dài thêm các hỗ trợ nền kinh tế như thị trường kỳ vọng thì biến chủng mới này lại đang thúc giục Fed thu hẹp các gói kích thích trước thời hạn.

William McChesney Martin, cựu chủ tịch tại nhiệm lâu nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từng tuyên bố rằng nhiệm vụ của cơ quan này là “lấy đi cái bát khi bữa tiệc thực sự bắt đầu”. Đó cũng chính xác là thông điệp mà Phố Wall nhận được từ Chủ tịch Fed đương nhiệm Jerome Powell vào tuần này.

Trong thuật ngữ chính sách tiền tệ, “lấy đi cái bát” hàm ý hành động của Ngân hàng Trung ương nhằm giảm bớt các kích thích cho nền kinh tế. Và Chủ tịch Fed đương nhiệm Jerome Powell đang tiếp nối quan điểm đó khi truyền tải một thông điệp “diều hâu” đến thị trường trong tuần này, trong đó cho biết Fed có thể đẩy nhanh tiến độ cắt giảm quy mô gói mua tài sản, kết thúc chương trình này sớm hơn dự kiến bất chấp sự xuất hiện của biến chủng Omicron.

Ông Powell nhấn mạnh đã đến lúc ngưng sử dụng từ “tạm thời” khi nói về vấn đề lạm phát, một tuyên bố đảo ngược lập trường lâu nay của Fed rằng lạm phát chỉ là rủi ro nhất thời của nền kinh tế và sẽ hạ nhiệt ngay khi nền kinh tế phục hồi, chuỗi cung ứng toàn cầu bớt gián đoạn.

Như vậy, sự xuất hiện của biến chủng Omicron thay vì khiến Fed kéo dài thêm các hỗ trợ nền kinh tế như thị trường kỳ vọng thì lại thúc giục Fed thu hẹp các gói kích thích trước thời hạn.

Một lập luận được ông Powell và các quan chức Fed đưa ra: nền kinh tế dường như đã học được cách “sống chung với COVID-19”, và mỗi làn sóng COVID-19 sau có vẻ gây tác động nhẹ hơn các làn sóng COVID-19 trước đó. Nghĩa là thay vì lo lắng về tác động của Omicron với đà phục hồi kinh tế, Fed giờ đây quan ngại hơn về nguy cơ Omicron làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy lạm phát tăng vọt.

Fed “lấy đi cái bát”, liệu tiệc có tàn?

Phố Wall có lý do để lo lắng "tiệc tàn". Nếu Ngân hàng Trung ương quyền lực nhất thế giới kết thúc sớm chương trình mua trái phiếu, nhiều khả năng tiến trình tăng lãi suất cũng sớm bắt đầu.

Lãi suất cơ bản tại Mỹ đã được Fed duy trì ở mức thấp kỷ lục (tiệm cận 0) kể từ đầu đại dịch đến nay. Lãi suất thấp là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy dòng tiền ùn ùn đổ vào chứng khoán, khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng vọt. Chẳng hạn S&P 500 hiện tăng gần gấp đôi so với mức đáy hồi tháng 3/2020.

Nhìn sang thị trường trái phiếu kho bạc, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang ở mức 1,44%, thậm chí không theo kịp mức lạm phát kỷ lục hiện nay. Josh Wein, giám đốc danh mục đầu tư tại quỹ Hennessy Funds nhận định: “Chừng nào lợi suất kho bạc kỳ hạn 10 năm vẫn thấp hơn 1,5%, chừng đó dòng tiền vẫn đổ vào cổ phiếu”.

Các nhà đầu tư phố Wall lo sợ việc Fed sớm tăng lãi suất sẽ khiến dòng tiền rời đi, đặt dấu chấm hết cho “bữa tiệc linh đình” của chứng khoán trong suốt gần 2 năm qua.

S&P 500 thăng hoa từ đầu năm... (Ảnh: TradingView)

S&P 500 thăng hoa từ đầu năm... (Ảnh: TradingView)

...nhưng tụt mạnh trong những phiên gần đây, nhất là sau tuyên bố "diều hâu" của Chủ tịch Fed (Ảnh: TradingView)

...nhưng tụt mạnh trong những phiên gần đây, nhất là sau tuyên bố "diều hâu" của Chủ tịch Fed (Ảnh: TradingView)

Hãy xem cái cách phố Wall phản ứng sau tuyên bố của người đứng đầu Ngân hàng Trung ương quyền lực nhất hành tinh. Chỉ số Dow Jones tụt hơn 1.100 điểm trong hai phiên giao dịch 30/11 và 1/12, thêm vào mức tụt hơn 905 điểm trong phiên 26/11 tuần trước khi biến chủng Omicron làm chao đảo thị trường toàn cầu.

Chỉ số Fear & Greed Index của CNN đo lường hai trạng thái sợ hãi (bán tháo) và tham lam (mua vào) trên phố Wall đã tụt về trạng thái sợ hãi trong những phiên gần đây, thậm chí tiến tiệm cận tới mức cực kỳ sợ hãi.

Dow Jones cũng lao dốc trong tuần qua (Ảnh: TradingView)

Dow Jones cũng lao dốc trong tuần qua (Ảnh: TradingView)

Từ một góc nhìn khác, chưa chắc tiệc đã tàn khi Fed "lấy đi cái bát". Một bài phân tích trên AP chỉ ra rằng trong lịch sử, không phải lúc nào thị trường chứng khoán cũng giảm sâu khi Fed rút lại các kích thích kinh tế.

Thông thường, Fed chỉ tăng lãi suất khi xác định nền kinh tế có đủ sức mạnh nội tại để phát triển mà không cần Ngân hàng Trung ương “tiếp máu”. Bản thân sức mạnh nội tại của nền kinh tế khi đó sẽ đóng vai trò thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp - mạch máu của thị trường chứng khoán - lên cao hơn, qua đó duy trì “bữa tiệc chứng khoán”.

Nghiên cứu do BofA Global Research công bố gần đây cho thấy S&P 500 đã tăng trong vòng 12 tháng ở 6 trên 7 lần Fed tăng lãi suất kể từ năm 1983 đến nay. Mức tăng bình quân là 6,1%. Ngoại lệ duy nhất là lần vỡ bong bóng dot-com năm 1999.

Ngay cả trong sự kiện taper-tantrum (cơn thịnh nộ thị trường khi Fed hãm phanh kích thích kinh tế) gần nhất vào năm 2013, dù việc Fed tăng lãi suất bất ngờ đã gây ra một đợt bán tháo trầm trọng khiến các quan chức ngân hàng Trung ương phải nhượng bộ bằng cách không tăng lãi suất ngắn hạn cho đến cuối năm 2015, nhưng thị trường chứng khoán đã nhanh chóng tăng trở lại.

Ông David Bahnsen, trưởng bộ phận đầu tư Tập đoàn Bahnsen nhận định: “Có một số quan ngại rằng việc Fed kết thúc sớm chương trình mua tài sản sẽ đẩy nhanh thời điểm Fed tiến hành tăng lãi suất. Tôi không tin rằng điều đó sẽ xảy ra, mặc dù trong ngắn hạn, suy nghĩ như vậy sẽ làm tăng thêm nỗi bất an trên thị trường”.

Trong lần thị trường giận dữ gần nhất vào năm 2013, S&P 500 đã nhanh chóng phục hồi

Trong lần thị trường giận dữ gần nhất vào năm 2013, S&P 500 đã nhanh chóng phục hồi

Tác động không quá mạnh với châu Á và Việt Nam

Trong phiên giao dịch 1/12 ngay sau tuyên bố của Chủ tịch Fed Jerome Powell, chứng khoán châu Á hầu hết đi lên, cho thấy động thái của Fed tạm thời chưa tác động lớn đến các thị trường này.

Cụ thể, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 chấm dứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp với mức tăng 113,86 điểm lên 27.935,62 điểm. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 60,71 điểm lên 2.899,72 điểm, chấm dứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong cũng cắt chuỗi 3 ngày giảm điểm liên tiếp với mức tăng 183,66 điểm lên 23.658,92 điểm trong khi chỉ số Shanghai Composite tăng 13 điểm lên 3.576,89 điểm.

Hàng loạt chỉ số chính tại thị trường quan trọng ở châu Á khác như Singapore, Thái Lan, Ấn Độ cũng tăng điểm.

Riêng chỉ số S&P/ASX 200 trên thị trường Úc giảm nhẹ 0,4%, xuống 7.229,40 điểm.

Trước đó, chuyên gia kinh tế trưởng Nguyễn Minh Cường từ Ngân hàng ADB từng cho rằng hiện tượng taper tantrum có thể không lặp lại trong lần siết chính sách tiền tệ sắp tới của Fed.

Cụ thể, tại Tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi, tăng trưởng kinh tế” diễn ra ngày 30/11, TS. Nguyễn Minh Cường nhận định: “Năm 2013, khi Fed bất ngờ siết chính sách tiền tệ, sự giận dữ của nhà đầu tư đã tác động mạnh đến thị trường tài chính và dòng chảy vốn. Nhưng lần này, Fed đã công khai và minh bạch hơn về lộ trình siết chính sách tiền tệ, siết theo từng giai đoạn chứ không đột biến, hạn chế sự bất ngờ cho thị trường. Dựa trên tín hiệu từ Fed, chúng tôi cho là Fed sẽ thu hẹp gói mua tài sản trước nhưng chưa vội tăng lãi suất, vì tác động của nâng lãi suất với các nền kinh tế lớn là rất lớn”.

Đánh giá tác động từ việc Fed tiến tới trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng với nền kinh tế châu Á trong đó có Việt Nam, ông Cường cho hay: “Nền tảng vĩ mô của các nước châu Á giờ đã khác nhiều (so với thời điểm 2013 - PV). Hầu như các nước châu Á hiện có dự trữ ngoại hối mạnh mẽ, thặng dư thương mại tương đối ổn định, tỷ giá không quá biến động như thời điểm 2008-2013. Do đó lúc này, việc siết chính sách tiền tệ tại các nước phát triển sẽ gây tác động không quá mạnh và lớn với các nền kinh tế châu Á như hồi năm 2008-2013”.

Ảnh tác giả

"Việc siết chính sách tiền tệ tại các nước phát triển sẽ gây tác động không quá mạnh và lớn với các nền kinh tế châu Á như hồi năm 2008-2013".

Chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Minh Cường

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.