Gần 1 triệu tài khoản chứng khoán mở mới nhưng dòng tiền vẫn 'mất hút'

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
20:39 - 07/07/2022
Nhà đầu tư cá nhân ồ ạt mở tài khoản chứng khoán nhưng dòng tiền chưa được kích hoạt.
Nhà đầu tư cá nhân ồ ạt mở tài khoản chứng khoán nhưng dòng tiền chưa được kích hoạt.
0:00 / 0:00
0:00
Trong tháng 6, nhà đầu tư tiếp tục mở mới 466.483 tài khoản giao dịch chứng khoán, tương đương với con số kỷ lục tháng trước. Nhưng nghịch lý là thanh khoản trên thị trường ngày càng sụt giảm.

Theo con số thống kê mới công bố của Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam tính đến ngày 30/6 đã vượt con số 6,1 triệu. Riêng trong tháng 6, nhà đầu tư mở mới 466.483 tài khoản giao dịch chứng khoán, tương đương con số 476.711 tài khoản của tháng 5.

Trong đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo với 466.071 tài khoản, thấp hơn một chút so với con số kỷ lục của tháng 5 là 476.332 tài khoản. Các tổ chức trong nước cũng mở mới 145 tài khoản trong tháng qua, nâng tổng số lên 13.938. Trong khi các cá nhân nước ngoài mở thêm 268 tài khoản, các tổ chức ngoại lại đóng 1 tài khoản. Tháng trước đó, tổ chức nước ngoài cũng đóng 42 tài khoản.

Như vậy, trong 2 tháng 5-6, thị trường chứng khoán đã đón nhận thêm hơn gần 1 triệu tài khoản. Nhưng điều kỳ lạ là dòng tiền vẫn mất hút dù VN-Index cũng có những giai đoạn hồi phục. Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 6 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 14.529 tỷ đồng và 547,70 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm 2,80% về giá trị và tăng 1,38% về khối lượng bình quân so với tháng 5.

Tính trong quý 2/2022, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt hơn 17.113 tỷ đồng với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 589,15 triệu cổ phiếu; tương ứng giảm 20,02% về giá trị và 18,33% về khối lượng bình quân so với cùng kỳ năm 2021.

Trên sàn Hà Nội (HNX), khối lượng giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm 2022 cũng giảm mạnh, đạt 98 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 2.600 tỷ đồng/phiên. So với cả năm 2021 thì khối lượng giao dịch bình quân phiên giảm 34% và giá trị giao dịch bình quân phiên giảm 17%. Trong đó, tháng 3 có khối lượng giao dịch cao nhất trong nửa đầu năm 2022, bình quân giao dịch 130 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân tương ứng đạt 3.700 tỷ đồng/phiên.

Nếu như thời gian trước, việc tài khoản giao dịch chứng khoán được ồ ạt mở mới giúp giới đầu tư thêm hưng phấn vì dòng tiền sẽ chảy vào thị trường nhiều hơn thì ở thời điểm hiện tại, con số này đã không còn mấy ý nghĩa. Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho nghịch lý tài khoản thêm nhiều nhưng thanh khoản ngày càng teo tóp.

Một là việc mở tài khoản giao dịch ngày càng dễ dàng với thủ tục đơn giản. Hầu hết công ty chứng khoán đều số hoá quy trình mở mới còn vài phút, thậm chí không cần xác thực hạn mức cho vay ký quỹ dưới 500 triệu hoặc chỉ xác thực qua cuộc gọi. Khách cũng không cần trực tiếp đến quầy giao dịch hoặc in hợp đồng để nộp như trước đây. Thay vào đó, có thể dùng chữ ký điện tử hoặc chụp hình chữ ký và thao tác trực tiếp trên ứng dụng của công ty chứng khoán hoặc ngân hàng.

Tiện lợi hơn, một số công ty chứng khoán trực thuộc các ngân hàng thương mại triển khai gói dịch vụ tổng hợp (package) cho những người muốn mở tài khoản trực tuyến. Khách hàng không cần đến ngân hàng mà thực hiện mọi động tác qua Internet Banking và chỉ cần vài thao tác đã có tài khoản cá nhân. Số tài khoản ngân hàng có thể trùng hợp với số điện thoại di động.

Hai là việc một nhà đầu tư có thể mở nhiều tài khoản giao dịch khác nhau tại nhiều công ty chứng khoán khác nhau. Nhà đầu tư đang giao dịch ở công ty chứng khoán A, chuyển sang công ty chứng khoán B để hưởng phí môi giới thấp hơn, và vẫn duy trì tài khoản ở công ty chứng khoán A dù tài khoản này không hoạt động (tạm thời hoặc vĩnh viễn). Đặc biệt là khi đội ngũ nhân viên môi giới của các công ty chứng khoán ngày càng hùng hậu, săn tìm khách hàng ngày đêm thì việc số tài khoản gia tăng chóng mặt cũng là điều dễ hiểu.

Quan trọng hơn, không thể bỏ qua tâm lý thị trường ở giai đoạn giảm điểm sâu. Chứng khoán Việt Nam kể từ tháng 4 đã đảo chiều vào thị trường giá xuống sau các sự kiện thanh lọc thị trường và những biến động địa chính trị trên thế giới. Chỉ số đại diện VN-Index lao dốc 20% từ đỉnh về quanh 1.200 điểm. Trên các diễn đàn, nhà đầu tư đua nhau than thở về tình trạng tài khoản âm 30-50%, thậm chí 70%. Vì vậy, dòng tiền cũ bị kẹt trong khi dòng tiền mới cũng lưỡng lự tham gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp