Giải ngân đầu tư công còn phụ thuộc vào '1 luật sửa 8 luật'

VĨ MÔ Việt nAM
14:40 - 10/01/2022
Giải ngân đầu tư công còn phụ thuộc vào '1 luật sửa 8 luật'
0:00 / 0:00
0:00
Trên tinh thần thận trọng vì vốn cho phục hồi kinh tế “đều từ tiền thuế của dân”, giải ngân đầu tư công năm 2022-2023 sẽ phải hiệu quả trên từng đồng nhà nước bỏ ra. Quốc hội cũng sửa đổi các luật liên quan để tháo gỡ khúc mắc thúc đẩy giải ngân hiệu quả.

Đại biểu lo không kịp giải ngân 113 nghìn tỷ đầu tư cơ sở hạ tầng

Trong tổng quy mô gần 350 nghìn tỷ của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Chương trình phục hồi), có tới 113,85 nghìn tỷ sẽ được bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Số vốn này huy động trực tiếp từ nguồn tăng bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN).

Với số vốn lớn như vậy, nhiều đại biểu lo ngại gói đầu tư công không kịp giải ngân trong 2 năm thực hiện Chương trình.

Chẳng hạn, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) kiến nghị: “Mặc dù Chính phủ có trình một số giải pháp đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong 2 năm 2022-2023, nhưng cá nhân tôi cho rằng việc giải ngân 55% tổng số vốn bố trí cho đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và 5 tuyến cao tốc khác trong 2 năm, còn lại 3 năm chỉ có 45% là rất khó. Chúng ta không thể đi tắt đón đầu được, mà vẫn phải tuân thủ trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Tôi cho rằng Chính phủ cần cân nhắc và rà soát lại để bố trí nguồn lực hợp lý”.

So sánh với một số dự án cao tốc điển hình đã thực hiện, đại biểu Phan Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ví dụ: “Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã khó thực hiện, vì thời gian ngắn, vừa xây lắp, vừa giải phóng mặt bằng, vừa thi công sẽ khó đạt theo tiến độ mong muốn, lúc đó sẽ tiếp tục gia hạn làm chính sách kém hiệu quả.”

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) cũng kiến nghị một số nội dung trong Chương trình phục hồi khó giải ngân do phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng như sự chuẩn bị hồ sơ, thủ tục, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay.

Nói như vậy không phải để kéo dài thời gian thực hiện Chương trình phục hồi đã được Chính phủ tính toán kỹ lưỡng, mà là để Chính phủ “cân nhắc và rà soát lại để bố trí nguồn lực hợp lý” như đại biểu đề xuất, cũng như có những biện pháp thúc đẩy giải ngân khẩn trương, kịp thời, hiệu quả. Những ách tắc trong giải ngân đầu tư công năm 2021 mà Quốc hội đã thảo luận trong suốt kỳ họp thứ hai hồi tháng 11/2021 là bài học nhãn tiền.

Trên tinh thần “suy cho cùng đều là từ tiền thuế của nhân dân” mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường hôm 4/1, giải ngân đầu tư công năm 2022-2023 chắc chắn sẽ phải nhanh, phải mạnh và quan trọng nhất, phải hiệu quả trên từng đồng vốn.

Giải ngân đầu tư công còn phụ thuộc vào '1 luật sửa 8 luật'

Trao đổi với Mekong Asean, TS. Võ Trí Thành, Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) nhận định lo ngại của đại biểu về việc nguồn lực đầu tư công, đặc biệt trong phát triển kết cấu hạ tầng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội lần này không giải ngân kịp là dễ hiểu. Bởi lâu nay, câu chuyện không hoàn thành kế hoạch đầu tư công vẫn diễn ra khá thường xuyên.

Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành chỉ ra rằng trong Chương trình phục hồi lần này, bên cạnh 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng là nâng cao năng lực y tế, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp và phát triển kết cấu hạ tầng, Chính phủ còn đưa thêm một nội dung đặc biệt quan trọng là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Hay nói cách khác là những cải cách về thể chế, liên quan đến khung khổ pháp lý để triển khai các dự án đầu tư công sao cho nhanh, cho đúng, cho trúng và cho hiệu quả.

Ảnh tác giả

"Kỳ họp Quốc hội bất thường lần này đang xem xét nội dung 1 luật sửa 8 luật. Trong đó có một số điều gắn với Luật đấu thầu, chỉ định thầu, Luật về đối tác công - tư (PPP). Hay là tháo gỡ một số vấn đề như ách tắc trong cung ứng nguyên liệu đầu vào để phát triển hạ tầng mà trong thời gian qua đang gặp trục trặc, rồi vấn đề phân cấp phân quyền cho địa phương… cũng đang được Quốc hội xem xét với tinh thần đơn giản hóa thủ tục, minh bạch việc giám sát nhưng góp phần đẩy nhanh những dự án có chất lượng, có hiệu quả”.

TS. Võ Trí Thành

Tương tự, trong một cuộc trò chuyện gần đây với Mekong Asean, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đề cập đến sự cần thiết phải gỡ vướng thể chế để triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi sắp tới.

“Chẳng hạn, trong đầu tư công thì đấu thầu rất quan trọng, mà Luật Đấu thầu của ta hiện còn nhiều bất cập. Ví dụ như để nộp hồ sơ đấu thầu xây dựng một bệnh viện, đơn vị muốn hồ sơ dự thầu được chấp thuận thì trước đó phải xây dựng những công trình “tương tự”. Chữ “tương tự” này loại bỏ đi rất nhiều doanh nghiệp mới, doanh nghiệp công nghệ cao, hay như trong trường hợp này là bất kỳ doanh nghiệp nào chưa từng có dự án xây bệnh viện. Như vậy là không công bằng cho các doanh nghiệp khác, đặc biệt là những doanh nghiệp có công nghệ mới”, TS. Nghĩa cho hay.

Ảnh tác giả

“Nhìn chung, việc triển khai gói đầu tư công hơn 100 nghìn tỷ sắp tới còn phụ thuộc vào 1 luật sửa 8 luật như thế nào”.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Tờ trình dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội cũng bao gồm đề xuất thí điểm 3 chính sách đặc thù đối với các dự án đầu tư công trong phạm vi Chương trình.

Cụ thể, cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp để thực hiện dự án.

Cho phép chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng dự án làm vật liệu xây dựng thông thường (chỉ nhằm thực hiện dự án), không phải thực hiện thủ tục cấp phép.

Phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho UBND một số địa phương thực hiện các đoạn tuyến/ dự án đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm các đoạn tuyến/ dự án còn lại và tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước đoạn tuyến/ dự án và phần vốn giao cho địa phương.

Tin liên quan

Đọc tiếp