'Con số 347 nghìn tỷ trong chương trình phục hồi là hơi nhỏ so với kỳ vọng'

VĨ MÔ Việt nAM
17:21 - 04/01/2022
'Con số 347 nghìn tỷ trong chương trình phục hồi là hơi nhỏ so với kỳ vọng'
0:00 / 0:00
0:00

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp về chương trình phục hồi kinh tế lớn hơn mức 347 nghìn tỷ mà Chính phủ trình Quốc hội sáng nay, nhưng theo ông "nếu muốn quay trở lại đề xuất gói hỗ trợ lớn hơn thì chắc không còn thời gian".

Ngay sau khi dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với giá trị thực chi dự kiến là 347 nghìn tỷ để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được đặt lên bàn các đại biểu Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp bất thường sáng 4/1, Mekong Asean đã có cuộc trò chuyện với TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV về một số vấn đề liên quan đến quy mô, tác động dự kiến của các gói hỗ trợ đến nền kinh tế.

Từ góc độ chuyên gia kinh tế, ông đánh giá thế nào về quy mô Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trị giá 347 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ vừa trình Quốc hội?

Theo dự thảo Nghị quyết Chính phủ trình Quốc hội, tổng quy mô tất cả các gói hỗ trợ vào khoảng 347 nghìn tỷ trong 2 năm (thực chi). Dù chưa có tính toán cụ thể của Chính phủ, nhưng theo cách tính của chúng tôi, giá trị danh nghĩa của gói này ước vào khoảng 517 nghìn tỷ.

Về mặt quy mô, con số thực chi gần 350 nghìn tỷ rõ ràng vẫn còn hơi nhỏ so với kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để ra được gói này thì Chính phủ cũng đã phải tính toán, cân đối trên cả ba phương diện: năng lực ngân sách, rủi ro vĩ mô cũng như khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Quan điểm của tôi là nếu muốn quay trở lại, đề xuất gói hỗ trợ lớn hơn bây giờ thì chắc là chúng ta không còn thời gian. Cho nên vấn đề cốt lõi lúc này là mong Quốc hội sớm thống nhất, thông qua để đi vào triển khai thực hiện chương trình phục hồi càng nhanh càng tốt. Tức là vấn đề quan trọng giờ đây không còn là quy mô gói có đủ lớn mà là thực hiện có hiệu quả không.

Ảnh tác giả

"Về mặt quy mô, con số thực chi gần 350 nghìn tỷ rõ ràng vẫn còn hơi nhỏ so với kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để ra được gói này thì Chính phủ cũng đã phải tính toán, cân đối cả 3 phương diện: năng lực ngân sách, rủi ro vĩ mô cũng như khả năng hấp thụ của nền kinh tế".

TS. Cấn Văn Lực

Trong dự thảo Nghị quyết, Chính phủ có đánh giá sơ lược về mức tăng bội chi ngân sách, nợ công, sức ép lạm phát… Những tác động như vậy có trong phạm vi chấp nhận được không, có gây rủi ro quá lớn cho cân đối vĩ mô hay không, theo ông?

Tác động vĩ mô thì Chính phủ cũng có đánh giá rồi. Dự kiến bội chi ngân sách nhà nước bình quân năm 2022-2023 sẽ tăng thêm khoảng 1,2% GDP/năm, nợ công đến cuối năm 2025 khoảng 49-50% GDP, nợ Chính phủ 45-46% GDP, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có thể có năm vượt 25%, chưa kể áp lực lạm phát… Về cơ bản thì tôi cũng tương đối đồng tình.

Tuy nhiên, liên quan đến đánh giá tác động của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với tăng trưởng GDP thì theo tôi có lẽ cần rà soát lại. Hiện nay, trong phương án dự thảo của Chính phủ có sự khác biệt rất lớn giữa tác động của Chương trình đến tăng trưởng GDP 2 năm 2022 và 2023. Ví dụ, dự thảo ước tính tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ tăng thêm khoảng 2,9%, nhưng tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ tăng thêm có 0,2%.

Về mặt số liệu tính toán, tôi cho rằng chắc chắn tác động của Chương trình đến tăng trưởng của năm 2023 ít nhất cũng phải ở mức ngang bằng với năm 2022 chứ không thể thấp như vậy được.

Ngoài ra, đối với tác động liên quan đến nghĩa vụ trả nợ, hiện dự thảo của Chính phủ chỉ nêu cơ bản là chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có thể sẽ có năm vượt 25% (từ nay đến năm 2025), nhưng tôi cho rằng cần tính toán cụ thể năm 2022 và 2023 con số này sẽ như thế nào.

Tương tự, nên có đánh giá sơ bộ tác động của lạm phát để làm tăng niềm tin cho các chuyên gia, đại biểu Quốc hội rằng khi ta thông qua gói này thì lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tất nhiên còn có rủi ro nhất định.

Đa số các dự báo cho rằng lạm phát năm 2022 sẽ vẫn trong tầm kiểm soát dưới mức 4%. Bản thân ông cũng từng nhận định lạm phát năm nay khoảng 3,5-3,8%. Vậy mức lạm phát này đã tính cả tác động từ Chương trình phục hồi sắp tới hay chưa, thưa ông?

Dự báo lạm phát 3,5-3,8% mà chúng tôi đưa ra là đã tính cả Chương trình này rồi. Gói hỗ trợ gần 350 nghìn tỷ cho 2 năm, tức là mỗi năm thực chi khoảng 175 nghìn tỷ, tương đương khoảng 1,7-1,8% GDP.

Với phương án này, rõ ràng lượng cung tiền bơm vào nền kinh tế không phải quá lớn. Nếu so sánh ra, nó cũng chỉ tương tự như những gói hỗ trợ mà Chính phủ đã tung ra trong năm 2021 (cũng ở mức khoảng gần 2% GDP). Mà năm 2021, ta thấy rất rõ là lạm phát còn tương đối thấp, bình quân lạm phát cả năm chỉ ở mức 1,84%.

Ảnh tác giả

"Rõ ràng lượng cung tiền bơm vào nền kinh tế không phải quá lớn. Nếu so sánh ra, nó cũng chỉ tương tự như những gói hỗ trợ mà Chính phủ đã tung ra trong năm 2021 (cũng ở mức khoảng gần 2% GDP)".

TS. Cấn Văn Lực

Tất nhiên áp lực lạm phát năm 2022 tại Việt Nam là tương đối lớn, do lạm phát thế giới dự kiến sẽ đi ngang chứ chưa giảm ngay, cộng thêm độ trễ chính sách tài khóa - tiền tệ trong nước sẽ bộc lộ rõ hơn, nhu cầu tăng trở lại và tác động của Chương trình phục hồi sắp tới. Cho nên chúng tôi dự báo lạm phát năm sau khoảng 3,5-3,8% là đã gấp đôi so với mức lạm phát năm năm 2021 rồi.

Trong cấu phần Chương trình phục hồi mà Chính phủ đưa ra, tổng quy mô các biện pháp hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 110 nghìn tỷ. Ông đánh giá sao về con số này?

110 nghìn tỷ là con số thực chi để hỗ trợ doanh nghiệp, giá trị danh nghĩa cũng như tác động lan tỏa của nó thì lớn hơn. Tất nhiên, doanh nghiệp kỳ vọng gói hỗ trợ to hơn nữa, nhưng như tôi đã nói, để ra được gói này chắc chắn là Chính phủ đã phải cân nhắc tất cả các yếu tố từ khả năng ngân sách, khả năng hấp thụ và rủi ro vĩ mô nếu có.

Còn xét sâu xa thêm, trong gói 110 nghìn tỷ hỗ trợ doanh nghiệp thì đã bao gồm nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau: 64 nghìn tỷ hỗ trợ giảm thuế, phí, lệ phí; 40 nghìn tỷ hỗ trợ lãi suất trong 2 năm và 6 nghìn tỷ từ gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022… Như vậy, các gói hỗ trợ này đã hỗ trợ doanh nghiệp rất tốt trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính (giảm phí, lệ phí, giãn hoãn nợ…) cũng như tiếp cận vốn (hỗ trợ lãi suất).

Tức là theo quan điểm của tôi, về cơ bản, các gói trong Chương trình phục hồi lần này đã bao phủ nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp, nhất là nhu cầu tín dụng. Do đó, quan trọng nhất trước mắt là thực hiện thật nhanh, thật khẩn trương, thật hiệu quả phần hỗ trợ này.

Tất nhiên trong hai năm 2022-2023, có thể rất nhiều biện pháp hỗ trợ cần phải cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình dịch bệnh và bối cảnh vĩ mô, không thể cứng nhắc hoàn toàn.

Ảnh tác giả

"Về cơ bản, các gói trong Chương trình phục hồi lần này đã bao phủ nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp, nhất là nhu cầu tín dụng."

TS. Cấn Văn Lực

Trước đó, ông từng đưa ra đề xuất về gói hỗ trợ lãi suất 20-30 nghìn tỷ trong 2 năm, mức hỗ trợ tối đa 3% lãi suất. Vậy ông nhìn nhận thế nào về dự thảo gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ trong 2 năm, mức hỗ trợ 2% lãi suất mà Chính phủ vừa trình?

Chính phủ đề xuất gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ trong 2 năm. Như vậy mỗi năm hỗ trợ 20 nghìn tỷ. Với mức hỗ trợ lãi suất 2% thì mỗi năm sẽ có khoảng 1 triệu tỷ tín dụng hỗ trợ, 2 năm là 2 triệu tỷ. Đây là một mức tương đối lớn, có tính lan tỏa rộng.

Tuy nhiên theo tôi, với độ lan tỏa rộng như vậy thì vấn đề quan trọng là Chính phủ phải cân nhắc, tính toán, xác định kỹ hơn về đối tượng được hỗ trợ. Hiện dự thảo cũng đã đề xuất một số đối tượng nằm trong diện hỗ trợ của gói này, nhưng vẫn cần tiêu chí cụ thể hơn, quy trình rõ ràng hơn để các tổ chức tín dụng căn cứ vào đó triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, không bị lúng túng. Quan trọng hơn là không rơi vào tình trạng hỗ trợ tràn lan như hồi năm 2009.

Trước khi Chính phủ công bố Chương trình phục hồi, có nhiều đề xuất hỗ trợ tiền mặt trực tiếp để kích thích nhanh chóng tổng cầu trong nền kinh tế. Nhưng biện pháp này không xuất hiện trong dự thảo Nghị quyết. Ý kiến của ông ra sao?

Hiện nay, luật Ngân sách của Việt Nam không cho phép hỗ trợ thẳng tiền mặt cho người dân. Chi ngân sách chủ yếu là chi đầu tư phát triển, nên trong dự thảo Nghị quyết về Chương trình phục hồi mới đây, ngay cả gói hỗ trợ lãi suất lấy từ nguồn ngân sách nhà nước cũng được đưa vào trong danh mục chi đầu tư phát triển. Do vậy, ta chưa thể làm ngay được việc phát tiền mặt cho người dân như các nước khác cơ bản là do vấn đề luật thôi. Mà chờ sửa Luật thì lâu quá.

Năm vừa rồi, Chính phủ cũng đã rất sáng tạo khi quyết định chi trực tiếp 38 nghìn tỷ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người dân. Gói này được đánh giá là mang đến tác động rất tích cực. Còn năm tới có làm tiếp hay không thì phải tính tiếp.

Nhưng cá nhân tôi cho rằng trong năm 2022 - 2023 không nhất thiết phải hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân nữa. Bởi vì năm tới, điều quan trọng nhất với nền kinh tế là thúc đẩy phục hồi. Một khi Việt Nam thực hiện tốt 2 chương trình: phòng chống dịch hiệu quả và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thì năm 2022 chắc chắn sẽ là một năm thành công. Khi đó, việc làm quay lại, thu nhập tăng lên, người dân không cần quá quan tâm, quá phụ thuộc vào chuyện hỗ trợ tiền mặt của Chính phủ nữa. Đó mới là hướng đi của nền kinh tế.

Ảnh tác giả

"Cá nhân tôi cho rằng trong năm 2022 - 2023 không nhất thiết phải hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân nữa... Một khi Việt Nam thực hiện tốt 2 chương trình phòng chống dịch hiệu quả và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thì năm 2022 chắc chắn sẽ là một năm thành công".

TS. Cấn Văn Lực

Bên cạnh đó, nên nhớ rằng một cấu phần quan trọng trong Chương trình phục hồi lần này là hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động - ước tính 6,6 nghìn tỷ - lấy từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021. Đây là gói hỗ trợ rất tích cực, mang đến động lực quan trọng để khuyến khích công nhân quay lại làm việc.

Rồi Chính phủ cũng thiết kế gói hỗ trợ chi phí phòng chống dịch cho người dân, chẳng hạn đã dành riêng một gói 46 nghìn tỷ trong giải pháp tiền tệ để hỗ trợ nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế. Khi năng lực y tế nâng cao, người dân sẽ được hưởng lợi cả trước mắt lẫn dài hạn.

Xin cảm ơn ông!

Sau nhiều tháng bàn thảo, sáng 4/1, tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV, dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Chương trình phục hồi) đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội.

Dự kiến giá trị thực chi của Chương trình khoảng 347 nghìn tỷ đồng, kéo dài trong 2 năm, bao gồm nhóm giải pháp tài khóa trị giá 291 nghìn tỷ, nhóm giải pháp tiền tệ trị giá 46 nghìn tỷ và 10 nghìn tỷ cho các giải pháp khác.

Chính phủ đặt mục tiêu việc thực hiện Chương trình phục hồi sẽ thúc đẩy đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế bền vững, đưa tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt mức mục tiêu 6,5-7,0%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.