Giải pháp căn cơ để thoát nền nông nghiệp 'mù mờ' với cảnh ùn ứ triền miên

XNK Việt nAM
13:30 - 05/03/2022
Trước tình trạng tắc nghẽn nông sản thời gian qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang dễ dãi, không chú trọng đến xuất khẩu chính ngạch khiến doanh nghiệp điêu đứng khi thị trường tỷ dân thay đổi yêu cầu nhập khẩu.

Cuối năm 2021, hàng nghìn container nông sản ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, khiến người sản xuất và doanh nghiệp “điêu đứng”. Đỉnh điểm của các đợt ùn tắc, có tới gần 6.000 container nông sản phải chờ thông quan, nhiều tấn nông sản tươi bị hư hỏng, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho doanh nghiệp.

Sau đợt Tết Nguyên đán và cho tới điểm hiện tại, việc ùn ứ này vẫn chưa thể khắc phục. Đây không phải vấn đề mới của năm 2021-2022 mà đã từ nhiều năm. Tuy nhiên, năm nay có trầm trọng hơn bởi ảnh hưởng thêm từ chính sách "zero covid" của Trung Quốc.

Sáng ngày 4/3, lượng xe chờ xuất khẩu tại cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn vẫn còn 1.400 xe, trong đó có 800 xe chở nông sản. Đáng chú ý, tỉnh Lạng Sơn đã ra thông báo tạm dừng xuất khẩu từ 12/2 đến hết 15/3.

Vậy câu hỏi đặt ra: Liệu những giải pháp đưa ra thời gian qua chưa thực sự mang lại hiệu quả? Hay do căn nguyên của vấn đề chưa được chạm tới?

COI THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC NHƯ "CHỢ HUYỆN"

Nếu như đại dịch là nguyên nhân khách quan khiến xuất khẩu nông sản Việt sang Trung Quốc gặp khó khăn nghiêm trọng hơn thì tư duy thương vụ của doanh nghiệp, tư duy mùa vụ của người sản xuất đóng vai trò chủ quan. Mùa nào biết mùa đó, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, coi Trung Quốc là chợ huyện.

Tại tọa đàm “Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?” diễn ra chiều ngày 4/3, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: “Doanh nghiệp hiện vẫn còn giữ tư duy cũ, coi thị trường Trung Quốc như chợ huyện, cứ thu hoạch rồi mang ra bán, rất bị động”.

Người nông dân lại “phụ thuộc” vào doanh nghiệp. Hay nói cách khác, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc chi phối chất lượng sản phẩm hàng hóa, chỉ đâu thì người sản xuất đánh đó. Việc mặc định Trung Quốc là thị trường “dễ tính” trong nhiều năm qua đã khiến doanh nghiệp dần trở nên “dễ dãi”, kéo theo sản phẩm nông sản không đảm bảo được các yêu cầu của thị trường khó tính như EU, Mỹ. Chính vì vậy, khi thị trường tỷ dân yêu cầu cao hơn, nhiều doanh nghiệp trở nên “điêu đứng”.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt nông dân sản xuất. Nếu doanh nghiệp nhận thấy Trung Quốc yêu cầu cao hơn thì sẽ dẫn dắt người nông dân sản xuất theo hướng đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường phải cao hơn. Nhưng doanh nghiệp hiện đang tự dễ dãi bởi tư duy thương vụ không kiếm được mùa này thì sẽ tìm lại lợi nhuận ở mùa sau.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan
Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Ngoài ra, thực tế hiện nay Việt Nam còn phải cạnh tranh với nông sản các nước đối thủ và nông sản của chính thị trường Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang trồng lại những mặt hàng nông sản mà Việt Nam xuất khẩu, không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn đa dạng các mặt hàng.

SẼ ĐIÊU ĐỨNG KHI THỊ TRƯỜNG "RUỘT" KHÔNG CÒN DỄ TÍNH

Nhìn vào thực tiễn thì Trung Quốc đã nâng cao yêu cầu chất lượng hàng nông sản nhập khẩu từ lâu.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: “Trước đây, chúng tôi có công ty xuất khẩu tinh bột hoa sang Trung Quốc, việc xuất khẩu này mười mấy năm vẫn diễn ra bình thường. Đến năm 2010 – 2012, Chính phủ Trung Quốc đưa ra tiêu chuẩn mới, bạn hàng cũng yêu cầu chúng tôi phải thay đổi công nghệ mới có thể đáp ứng xuất khẩu được”.

Gần đây nhất, Lệnh 248 về “Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” do phía Trung Quốc ban hành càng củng cố độ “khó tính” của thị trường này.

Có thể thấy, việc thay đổi yêu cầu về chất lượng thực tế đã được diễn ra nhiều năm trước. Dù vậy, doanh nghiệp Việt dường như không nhận thức hoặc phớt lờ điều này. Ông Bình cho rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn hoạt động theo lối mòn, thích làm cái dễ, thích xuất khẩu tiểu ngạch.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bản thân doanh nghiệp phải chủ động, tìm kiếm thông tin, bắt kịp thị trường.

“Thị trường Trung Quốc chuyển sang khó tính từ lâu nhưng họ cũng cảnh báo doanh nghiệp Việt, cho doanh nghiệp thời gian. Họ không tự dưng đóng. Nhưng doanh nghiệp Việt lại không bắt kịp”.

Điều đó đã dẫn đến tình trạng như hiện tại. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản một mặt phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng lại quá bấp bênh với đường tiểu ngạch. Một mặt muốn tìm đường ra khỏi “lối mòn” nhưng lại không đủ sức đáp ứng yêu cầu chính ngạch của Trung Quốc và các thị trường khác như EU, Mỹ, Nhật Bản…

NHỮNG GIẢI PHÁP CĂN CƠ

Thực tế, thời gian qua xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, các xe container nông sản Thái Lan đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của Trung Quốc vẫn thường xuyên quá cảnh sang Việt Nam và được thông quan bình thường.

Theo bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện nay xuất khẩu tiểu ngạch chiếm tỷ lệ 90%, ngược lại xuất khẩu chính ngạch chỉ chiếm 10%. Doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu tiếp xúc với các đầu mối trung gian nên xuất khẩu không có hợp đồng.

Về lâu dài, doanh nghiệp cần tổ chức chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, uy tín mới ký hợp đồng cung ứng, hướng tới làm ăn lớn. Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy tiểu ngạch, chú trọng đến khâu sản xuất và chất lượng sản phẩm. Có như vậy mới nghĩ đến kế hoạch xuất khẩu bền vững trong tương lại tại thị trường tỷ dân này.

Mặt khác, khi đã đảm bảo dây chuyền sản xuất và chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp có thể tự tin tiến vào các thị trường khó tính khác như EU, Nhật Bản, Mỹ…, vốn là các thị trường có các hiệp định FTA với Việt Nam.

Về con đường để chuyển xuất khẩu nông sản từ tiểu ngạch sang chính ngạch, Bộ trưởng Hoan cho rằng cần phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình Thủ tướng về chủ trương đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh trở thành Trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu. Nếu được thông qua, Quảng Ninh sẽ trở thành tỉnh đầu tiên tiếp nhận bộ phận thông quan, kiểm dịch của phía Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc người và hàng hóa lưu thông một lần duy nhất trước khi tiến vào thị trường nước bạn, không phát sinh thêm bất kỳ thủ tục kiểm dịch nào nữa.

Mặt khác, khi ùn ứ diễn ra, Trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu sẽ trở thành địa điểm đóng gói, sơ chế… cho nông sản chờ thông quan, hạn chế rủi ro thấp nhất cho doanh nghiệp trong tương lai.

Sau Quảng Ninh, Lạng Sơn sẽ là tỉnh tiếp theo xây dựng Trung tâm kết nối, giúp việc lưu thông được đảm bảo.

Bàn thêm về vấn đề logistics, ông Chinh nhận định đây là giải pháp lâu dài, tác động trực tiếp lên giá thành xuất khẩu. Hiện nay, chi phí logistics chiếm khoảng 20 – 25% chi phí chung. Trong khi đó, sự phát triển logistics cảng biển chỉ tăng 4 – 5%, điều này không tương xứng so với tăng trưởng 15 – 17% của xuất khẩu.

Cũng cần chú trọng đến vận tải hàng hóa bằng đường sắt, đường hàng không. Thay đổi và phát triển hạ tầng logistics phù hợp với sự phát triển hiện tại, đáp ứng vận chuyển đa phương tiện trong nền kinh tế mở là điều cần làm.

Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nắm bắt và chia sẻ thông tin, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong việc xâm nhập các thị trường. Từng nhóm thị trường đó phải được củng cố trong liên minh hiệp hội xuất khẩu từng thị trường để chia sẻ thông tin. Không thể làm tốt với một nền nông nghiệp mù mờ, mù mờ cả về cung lẫn cầu, thực tế sản lượng sản xuất hàng năm bao nhiêu cũng không biết, việc truy xuất nguồn gốc cũng khó khăn.

Bởi vậy, Bộ đã tăng cường mã định danh vùng trồng, vùng nuôi. Bộ trưởng cho biết trước đây, khi có thị trường tiêu thụ thì doanh nghiệp mới loay hoay đi làm. Giờ cần có sự chủ động hơn trong việc xây dựng trung tâm phân phối trong nước và thế giới. Điều này giúp chủ động kết nối ngay đầu mùa vụ.

“Tất cả con số cần minh minh bạch, sáng nào số liệu cũng được cập nhật, để có thể phán đoán kịp thời, chủ động kế hoạch trong 1 – 2 tháng tới”, bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.

Ngoài ra, các Bộ, ngành cũng cần đẩy nhanh việc cung cấp thông tin liên quan cho doanh nghiệp và người nông dân. Hiện nay, khi thị trường Bắc Kinh mở cửa, chỉ một tiếng sau nông dân Thái Lan đã biết đầy đủ giá thành. Nhưng Việt Nam thì chưa làm được điều đó.

Tin liên quan

Đọc tiếp