Giao nhận hàng hóa không tiếp xúc tại các cửa khẩu để chống dịch

cửa khẩu Việt nAM
20:13 - 03/03/2022
Giao nhận hàng hóa không tiếp xúc tại các cửa khẩu để chống dịch
0:00 / 0:00
0:00
Phương thức giao nhận hàng không tiếp xúc đang được áp dụng tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm virus tới mức thấp nhất. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ giúp tăng tiến độ thông quan, giải quyết tình trạng ùn ứ xe hàng nhiều ngày nay.

Tính đến ngày 1/3, lượng xe ùn ứ tại khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đã lên tới gần 1.500 xe, nhưng năng lực thông quan tại hai cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh chỉ đạt khoảng 90 - 100 xe/ngày. Các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp để nâng cao khả năng thông quan tại các cửa khẩu, gần đây nhất là phương thức giao nhận hàng hóa không tiếp xúc.

Theo Ban quản lý cửa khẩu Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, bắt đầu từ ngày 1/3 tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) tiến hành thí điểm phương thức giao nhận hàng hóa không tiếp xúc nói trên. Đây là hình thức giao hàng nhằm giúp tăng năng suất thông quan tại khu vực cửa khẩu này lên khoảng 350 xe/ ngày, giải phóng lượng xe còn tồn.

Phương thức này gồm 5 bước, mỗi lượt xe xuất hàng của Việt Nam gồm cả đầu kéo và sơ mi rơ moóc vào hai bãi chờ xuất khẩu trên tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa, đặt ở khu vực mốc 1119-1120. Bãi chờ xuất bên phải đường sẽ thực hiện cắt container hàng, bãi chờ nhập bên trái đường sẽ cẩu container đi.

Tiếp theo, công nhân Việt Nam thực hiện cắt và cẩu container tại hai bãi chờ. Sau đó, tài xế lái đầu kéo và lực lượng chức năng sẽ rời khỏi bãi để lực lượng y tế Việt Nam khử khuẩn, làm sạch. Chỉ có công nhân vận hành cần cẩu mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang được ở lại và buồng lái cũng được niêm phong.

Phía Trung Quốc sẽ bố trí lượt xe tương ứng vào hai bãi chờ xuất trên và thực hiện nối, cẩu container lên xe (việc điều khiển cẩu do công nhân Việt Nam thực hiện). Sau đó, tài xế chuyên trách của Trung Quốc sẽ lái xe hàng về Trung Quốc theo đường vận tải chuyên dụng.

Sau khi giao hàng, tài xế chuyên trách Trung Quốc sẽ đưa xe theo đường xuất nhập cảnh để trả container rỗng tại bãi xe phía sau cửa hàng miễn thuế.

Trả xong container rỗng, tài xế này sẽ lái đầu kéo về hai bãi xe quy định ở khu vực mốc 1119-1120 để nhận container hàng hoặc quay về Trung Quốc theo đường cũ (tức xe không của Trung Quốc đều đi về theo đường xuất nhập cảnh, khu vực mốc 1116 - 1117).

Bên cạnh việc áp dụng thí điểm, Sở Thông tin và truyền thông Lạng Sơn vẫn đang tích cực trao đổi với phía Trung Quốc để tăng năng lực thông quan tại các cửa khẩu.

Nhưng do hiện nay phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường xét nghiệm, phun khử khuẩn hàng hóa và phương tiện, trong khi hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu phải thực hiện kiểm tra 100%, nên hiệu suất thông quan rất thấp, khoảng 90 - 100 xe xuất/ngày. Vì vậy, Sở Công thương Lạng Sơn tiếp tục tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ xuất sang Trung Quốc đến hết ngày 5/3.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gửi Thủ tướng Chính phủ, Hải quan Trung Quốc đang tiến hành cải cách toàn diện và có các yêu cầu cao hơn về giám sát đối với thực phẩm nhập khẩu. Tính đến ngày 22/2, có 1.656 doanh nghiệp được cấp mã số xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc phê duyệt mã sản phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn chậm. Mới chỉ có 779 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, 187 doanh nghiệp do Cục Bảo vệ thực vật đề xuất và 11 doanh nghiệp xuất khẩu sữa thuộc thẩm quyền Cục Thú y quản lý đã được cấp mã số, đảm bảo hoạt động xuất khẩu ổn định và không bị gián đoạn.

Hiện nay, theo các quy định Lệnh 249 và Lệnh 248, Trung Quốc gia tăng các quy định kiểm soát gồm: Nâng cao tỷ lệ lấy mẫu giám sát thực phẩm nhập khẩu tương ứng, nộp báo cáo kiểm nghiệm theo lô, tăng cường đình chỉ, tạm dừng hoặc cấm đối với doanh nghiệp nếu vi phạm an toàn thực phẩm...

Đặc biệt, theo Lệnh 248, doanh nghiệp sản xuất nước ngoài phải đăng ký khi xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc, gồm: Thịt và các sản phẩm từ thịt, vỏ ruột, sản phẩm thủy sản, sản phẩm từ sữa, yến sào và sản phẩm từ tổ yến, sản phẩm từ ong, trứng và các sản phẩm từ trứng, chất béo và dầu thực phẩm, thực phẩm chế biến hỗn hợp từ bột mì, thực phẩm từ ngũ cốc, sản phẩm công nghiệp xay xát ngũ cốc và mạch nha, rau củ tươi và khô (rau tách nước, sấy), đậu khô, gia vị, các loại hạt (quả hạch) và hạt giống, trái cây sấy khô, hạt cà phê và hạt ca cao chưa rang, thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt, thực phẩm chức năng.

Đây đều là những sản phẩm Việt Nam đang xuất khẩu số lượng lớn vào thị trường Trung Quốc. Sản phẩm không thuộc nhóm 18 loại trên, doanh nghiệp phải tự nộp hồ sơ đăng ký hoặc ủy thác đại lý thực hiện đăng ký.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.