Gỡ 'nút thắt' trái phiếu là yêu cầu cấp thiết để phát triển thị trường chứng khoán

TRÁI PHIẾU CHỨNG KHOÁN
22:35 - 22/01/2023
TS Nguyễn Trí Hiếu.
TS Nguyễn Trí Hiếu.
0:00 / 0:00
0:00
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, bức tranh kinh tế vĩ mô 2023 sẽ có nhiều điểm sáng hơn 2022, qua đó tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, những vấn đề lớn hiện tại như căng thẳng địa chính trị, lãi suất, lạm phát... vẫn là rủi ro cần theo dõi.

Đối với TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng, thị trường chứng khoán năm 2022 được ví như trò chơi tàu lượn Ferris Wheel. Tiếp nối năm 2021 thăng hoa, thị trường chứng khoán bắt đầu năm 2022 bằng việc VN-Index tăng 2 % lên 1.528,6 điểm vào ngày 6/1/2022. Ngay cả khi những rủi ro bên ngoài xuất hiện như tín hiệu Fed tăng lãi suất và xung đột Nga – Ukraine nổ ra, TTCK Việt Nam vẫn trụ vững và dao động trong vùng 1.450 - 1.550 điểm.

Tuy nhiên, kể từ khi các vụ việc tiêu cực liên quan đến TTCK bị phanh phui như cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thao túng cổ phiếu, Tập đoàn Tân Hoàng Minh sai phạm về phát hành trái phiếu, tâm lý tiêu cực bắt đầu lan rộng trên thị trường. VN-Index “ngấm đòn” ngay lập tức, giảm 23,1% xuống 1.172 điểm chỉ trong một tháng.

Ngày 16/11/2022, sau chuỗi ngày sụt giảm liên tục, VN-Index ghi nhận mức đáy với 874,73 điểm. HNX-Index cũng giảm 55% kể từ đầu năm. Trong năm 2022, VN-Index là chỉ số có hiệu suất đầu tư kém tích cực nhất với mức giảm 36,5% kể từ đầu năm và có diễn biến giá xếp sau tất cả các TTCK Đông Nam Á khác, bao gồm Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines.

Cùng với đó, giá trị giao dịch bình quân trên cả 3 sàn cũng giảm 22,3% so với cùng kỳ, xuống còn 20.862 tỷ đồng. Còn nhớ trước đó vào năm 2021, có những phiên giao dịch nhà đầu tư sang tay khối lượng cổ phiếu lên tới 2 tỷ USD, vượt 50.000 tỷ đồng.

Sự quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường cũng tỏ ra “nguội lạnh” khi số lượng tài khoản chứng khoán mới sụt giảm kể từ tháng 6. Trong tháng 11, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 88.334 tài khoản và các tổ chức mở mới 145 tài khoản, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Sang tháng 12, con số này cũng chỉ tăng nhẹ.

Nhìn sang năm 2023, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lạm phát của Mỹ sẽ suy giảm từ quý 4/2022 và kéo dài sang 2023. Vị chuyên gia kỳ vọng đến giữa năm 2023, Fed sẽ giảm tần suất và cường độ tăng lãi suất, với mức tăng giảm dần từ 0,5% xuống 0,25%. Nhờ đó, tình hình kinh tế Mỹ sẽ khả quan hơn, và có tác động tốt cho nền kinh tế Việt Nam.

Với nội tại nền kinh tế Việt Nam, TS Hiếu cho rằng thị trường chứng khoán sẽ có những cải tổ quan trọng, sau khi bộc lộ nhiều điểm yếu kém trong năm 2022. Với sự vào cuộc của Chính phủ, chấn chỉnh các vi phạm, thị trường sẽ tìm được sự ổn định, tăng trưởng bền vững hơn.

Giải pháp nào cho thị trường trái phiếu?

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trái phiếu là vấn đề rất lớn hiện tại, là trung tâm của cơn bão, ảnh hưởng sang các thị trường khác, nhất là cổ phiếu và bất động sản. Vì vậy để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, gỡ "nút thắt" trái phiếu chính là yêu cầu cấp thiết.

Trong những tháng tới, lượng trái phiếu đáo hạn có thể lên tới 150.000 tỷ đồng hoặc hơn nữa. Các nhà phát hành phải đủ tiền để trả nợ, ít nhất là trả lãi. Muốn vậy, họ phải kinh doanh tốt, bán được sản phẩm. Nếu chưa hoàn thành dự án mà tiền đến hạn thì họ phải đi vay ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu mới. Nhưng cả hai cửa đó đều đang đóng lại, nhất là đối với doanh nghiệp bất động sản.

Trong tình huống này, vị chuyên gia cho rằng Chính phủ cần có kế hoạch giúp các nhà phát hành vượt qua khó khăn, ví dụ như chương trình hoãn nợ quốc gia. Nghĩa là tất cả các nhà phát hành đến hạn trả nợ trái phiếu trong 12 tháng tới được phép hoãn nợ. Trong thời gian đó, họ không được phép phá sản hoặc thu hồi tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, giải pháp chỉ nên áp dụng cho nhà phát hành đúng quy định. Nếu thị trường trái phiếu gỡ được khâu khó khăn về lượng đáo hạn sắp tới thì ít nhất sẽ không gây rủi ro liên đới đến các thị trường tài chính khác.

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn giai đoạn 2023-2024 (tỷ đồng). Nguồn: Báo cáo thị trường trái phiếu 2022 của VBMA

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn giai đoạn 2023-2024 (tỷ đồng).

Nguồn: Báo cáo thị trường trái phiếu 2022 của VBMA

Về lâu dài, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, giải pháp để phát triển ổn định và lành mạnh thị trường trái phiếu là các nhà phát hành phải tuân thủ luật pháp, trước hết là rà soát lại các trái phiếu của mình. Nghị định 65 tăng cường vai trò của người đại diện pháp luật, đây là điểm rất tích cực bởi trước đó, vai trò này dường như bị bỏ quên. Mỗi trái phiếu phải có một người đại diện giám sát các nhà phát hành xem họ có tuân thủ pháp luật không và khi phát hiện sai phạm thì xử lý thế nào.

Yếu tố thứ hai cũng không kém phần quan trọng là xếp hạng tín nhiệm. Thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư bị dẫn dụ mua trái phiếu với những thông tin không chính xác. Nhà đầu tư cá nhân thường không có khả năng thẩm định báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh của nhà phát hành. Vì vậy, xếp hạng tín nhiệm của công ty độc lập sẽ thay họ làm việc này.

"Tôi hi vọng Chính phủ đưa ra quy định tất cả các tổ chức phát hành phải xếp hạng tín nhiệm. Vì tại thời điểm này, Nghị định 65 cũng bắt buộc xếp hạng nhưng chỉ với những lô lớn, cho những doanh nghiệp lớn có điều kiện. Quy định này vẫn bất cập vì các nhà phát hành có thể lách luật, xé lẻ các lô để không phải xếp hạng tín nhiệm", vị chuyên gia bày tỏ quan điểm.

Tin liên quan

Đọc tiếp