Gói phục hồi kinh tế 347 nghìn tỷ: Chủ yếu là nhóm giải pháp tài khóa

VĨ MÔ Việt nAM
11:10 - 04/01/2022
Gói phục hồi kinh tế 347 nghìn tỷ: Chủ yếu là nhóm giải pháp tài khóa
0:00 / 0:00
0:00
Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ước tính khoảng 347 nghìn tỷ đồng do Chính phủ trình Quốc hội tại phiên họp bất thường sáng nay, nhóm giải pháp tài khóa chiếm chủ yếu với quy mô lên tới 291 nghìn tỷ đồng.

Sáng 4/1, tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường thứ nhất Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình dự kiến được áp dụng chủ yếu trong 2 năm (2022-2023) với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5-7,0% trong giai đoạn 2021-2025.

Theo nội dung Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội, các nhóm giải pháp tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dự kiến có giá trị ước tính lên tới khoảng 347 nghìn tỷ đồng, trong đó nhóm giải pháp tài khóa chiếm chủ yếu với quy mô lên tới 291 nghìn tỷ đồng, nhóm giải pháp tiền tệ khoảng 46 nghìn tỷ và 10 nghìn tỷ cho nhóm giải pháp khác.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: VGP)

Gói tài khóa 291 nghìn tỷ đồng

Trong dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang được Quốc hội bàn thảo, nhóm giải pháp tài khóa chiếm khoảng 84% với quy mô gói đề xuất lên tới 291 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, huy động từ nguồn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước (NSNN) là 240 nghìn tỷ, bao gồm chương trình giảm thuế, phí, lệ phí (64 nghìn tỷ) và chi đầu tư phát triển (176 nghìn tỷ).

Trong 176 nghìn tỷ chi đầu tư phát triển, dành nhiều nhất cho phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó 103,16 nghìn tỷ cho hạ tầng giao thông, 5 nghìn tỷ chi cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu và 5,686 nghìn tỷ cho hạ tầng chuyển đổi số, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

40 nghìn tỷ khác được dành cho chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/ năm thông qua các ngân hàng thương mại, để cấp vốn giá rẻ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngoài ra là chi phòng chống dịch và nâng cao năng lực y tế (14 nghìn tỷ), chi an sinh xã hội (8,15 nghìn tỷ).

Từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021, sẽ dành 6,6 nghìn tỷ để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Từ nguồn cơ chế, sẽ hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 6 nghìn tỷ đồng thông qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022 (135 nghìn tỷ đồng).

Từ nguồn trái phiếu Chính phủ, sẽ tăng thêm tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, nhà ở xã hội và bổ sung vốn tín dụng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Nhóm giải pháp tiền tệ dự kiến khoảng 46 nghìn tỷ đồng. Dự kiến 46 nghìn tỷ này sẽ được huy động từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để phục vụ nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch.

Ngoài ra, theo trình bày của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như các tổ chức tín dụng sẽ nỗ lực sử dụng công cụ tiền tệ phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế.

Cụ thể, NHNN dự kiến sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong 2 năm. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ thông qua cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, điều tiết thanh khoản phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục các biện pháp điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ, tiếp tục theo dõi sát tình hình, sẵn sàng bán can thiệp thị trường ngoại tệ trong trường hợp phát hành trái phiếu chính phủ ngoại tệ trong nước tác động tới thị trường ngoại hối. Tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động.

Dự kiến nhóm giải pháp tiền tệ dựa trên nền tảng điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, qua đó góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Ngoài nhóm giải pháp tài khóa và tiền tệ, dự kiến có khoảng 10 nghìn tỷ đồng được huy động cho các giải pháp bổ sung khác. Trong đó 5 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để phát triển hạ tầng viễn thông, internet; 5 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ…

Tiết kiệm chi, đẩy nhanh thoái vốn DNNN để huy động tiền

Theo dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề xuất, tiền huy động cho gói hỗ trợ trị giá ước tính khoảng 347 nghìn tỷ trên đây sẽ đến từ hai nguồn chính.

Đầu tiên là nguồn NSNN. Dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh phải sử dụng tối đa, hiệu quả các nguồn lực trong kế hoạch trung hạn; tiết kiệm, tiết giảm tối đa các khoản chi, điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi. Ngoài ra phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi NSNN; đẩy mạnh lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; triển khai hóa đơn điện tử; thu hồi kinh phí chi thường xuyên chậm phân bổ, chậm triển khai để tạo nguồn lực tài trợ cho chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, một nguồn quan trọng khác là đẩy nhanh thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, rà soát lại các quỹ tài chính ngoài NSNN, năng lực đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Ngoài ra, đề xuất sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp để huy động thêm nguồn lực thực hiện Chương trình.

Một ước tính của nhóm nghiên cứu Ủy ban Kinh tế Quốc hội hồi đầu tháng 12/2021 cho biết việc tiết giảm chi phí có thể giúp huy động nguồn lực khoảng 29.200 tỷ USD trong khi đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước có thể bổ sung vào 80.000 tỷ vào NSNN phục vụ gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế.

Với quy mô gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ quy mô ước tính khoảng 347 nghìn tỷ, dự kiến bội chi NSNN bình quân năm 2022-2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP mỗi năm, nợ công đến cuối năm 2025 khoảng 49-50% GDP, nợ Chính phủ 45-46% GDP, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có thể có năm vượt 25%, ngoài ra làm tăng sức ép lạm phát.

Do đó, dự thảo Nghị quyết đề xuất công tác tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cần thận trọng, có phương án, giải pháp điều hành kịp thời, linh hoạt, phù hợp trong các tình huống xấu nhất để hạn chế tác động tiêu cực đến các cân đối vĩ mô, mặt bằng lãi suất, tỷ giá, xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Đồng thời, cần thực hiện hiệu quả Chương trình, phục hồi nền kinh tế trong thời gian ngắn nhất, tạo nền tảng để phát triển trong tương lai.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.