Doanh nghiệp trông chờ nhất ở chương trình phục hồi KT-XH là tiền

VĨ MÔ Việt nAM
07:35 - 04/01/2022
Doanh nghiệp trông chờ nhất ở chương trình phục hồi KT-XH là tiền
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho hay khó khăn lớn nhất với ngành mía đường là không có vốn, do đó trông chờ lớn nhất ở Chương trình phục hồi sắp tới là cơ chế tiếp cận tín dụng cởi mở hơn.

Chương trình phục hồi: Không thể chậm dù chỉ 1 ngày

Trong cuộc trao đổi mới đây với Mekong Asean, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhận định: “Năm 2022, với chính sách sống chung với COVID-19, kinh tế Việt Nam có tiềm năng phục hồi nhưng khó nhanh như một vài tổ chức quốc tế dự báo, nếu không có gói phục hồi kinh tế đủ lớn, nhanh và hiệu quả. Theo tính toán của tôi, trong kịch bản không có gói này, tăng trưởng GDP Việt Nam dự kiến chỉ khoảng 5,5-5,8%”.

Trong khi đó, mức tăng trưởng mục tiêu mà Quốc hội đề ra cho năm 2022 là 6,0-6,5%. Để đạt được mức tăng trưởng này, rất cần thiết có Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội “đủ lớn, đủ nhanh và hiệu quả” như TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Quan điểm này cũng được Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định tại cuộc họp báo chiều 30/12/2021 để chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội khai mạc ngày 4/1/2022 tới đây.

Theo ông Bùi Văn Cường, mức tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,58% dù là nỗ lực lớn nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với chỉ tiêu được giao của năm. Do đó, gói chính sách tài khóa - tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội là hết sức quan trọng.

2 năm liền, tăng trưởng GDP Việt Nam không đạt mục tiêu đề ra

2 năm liền, tăng trưởng GDP Việt Nam không đạt mục tiêu đề ra

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nhấn mạnh bốn nội dung của kỳ họp bất thường bao gồm Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đều rất cần thiết và cấp bách, "để chậm 1 ngày đã khác chứ đừng nói chờ 4, 5 tháng" (cho đến kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV).

Dự kiến vào ngày 4/1, ngay sau phần phát biểu khai mạc kỳ họp bất thường thứ nhất Quốc hội khóa XV của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Doanh nghiệp trông đợi gì?

Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Chi Lan cho rằng phát triển tối đa nội lực doanh nghiệp sẽ là chìa khóa then chốt cho phục hồi kinh tế bền vững. Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nhận định khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp lúc này là vấn đề dòng tiền.

“Dòng tiền đã cạn sau nhiều tháng doanh thu sụt giảm vì dịch bệnh. Biên lợi nhuận bị ảnh hưởng do chi phí (đầu vào, phòng chống dịch…) tăng trong khi giá đầu ra khó tăng tương ứng. Chưa kể tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng kéo dài kết hợp với thực trạng thiếu lao động và tương lai khó đoán định”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Vấn đề dòng tiền này cũng được nhiều tiếng nói từ phía doanh nghiệp chia sẻ. Trao đổi với MEKONG ASEAN, ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho hay, khó khăn lớn nhất với ngành là không có vốn. Do đó, điều các doanh nghiệp trông chờ lớn nhất ở Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sắp tới là một cơ chế tiếp cận tín dụng cởi mở hơn.

Theo ông Lộc, cái khó hiện nay là do ngành mía đường trước đó đã trải qua khủng hoảng nên hoạt động không hiệu quả, trong khi muốn vay tiền thì ngân hàng lại xét tính hiệu quả trước tiên.

Ảnh tác giả

“Hai năm qua, Chính phủ cũng có gói hỗ trợ vay lãi suất thấp chung nhưng ngành mía đường không tiếp cận được vốn. Do đó, vấn đề đầu tiên là tiền đâu thì chúng tôi không có”.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA)

Ông Lộc cũng đánh giá rằng, trong thời gian qua ngành mía đường phải trải qua cuộc khủng hoảng kép. Đầu tiên là khủng hoảng do sức ép cạnh tranh không lành mạnh từ hiện tượng bán phá giá mía đường nhập khẩu và nhập lậu. Gần đây nhất là khủng hoảng do đại dịch COVID-19, đặc biệt là giai đoạn giãn cách xã hội hồi quý III/2021.

“Ngành mía đường đã có văn bản riêng gửi lên Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế hỗ trợ, vì ngành này có đặc thù riêng. Chúng tôi không cần nhiều, chỉ cần cho vay thôi, vay rồi sẽ trả. Nhưng vì trước đây ngành mía đường hoạt động không hiệu quả nên việc vay rất khó. Thách thức lớn nhất bây giờ là tiếp cận tín dụng ngành mía đường, khó lắm”, ông Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lộc, ngành mía đường có lợi thế là ngành có chuỗi liên kết rất tốt, chỉ cần có chủ trương cho vay thì ngành này có khả năng hồi phục và tạo công ăn việc làm rất tốt cho người nông dân, đem lại tác động chung tích cực cho toàn nền kinh tế.

Tương tự, Tổng giám đốc May 10 Thân Đức Việt cũng cho rằng trải qua 2 năm khủng hoảng, khó khăn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp nói chung là sức ép dòng tiền.

Ông Thân Đức Việt đánh giá cao những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cả về thể chế (như Nghị quyết 128) và thực chất (giãn hoãn nợ, giảm lãi suất, giảm thuế, phí...) trong thời gian qua.

Về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trước mắt, Tổng giám đốc May 10 bày tỏ kỳ vọng: “Cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực trụ vững qua giai đoạn khó khăn nhất trong hai năm qua. Năm 2022 dù còn nhiều bất ổn nhưng cũng có những triển vọng đáng lạc quan. Tỷ lệ tiêm vaccine tại Việt Nam đến nay đã rất cao, giúp nền kinh tế có sức chống chọi với dịch bệnh".

Ảnh tác giả

"Với chính sách hỗ trợ lãi suất, duy trì thanh khoản, bình ổn lạm phát và tỷ giá hối đoái trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ có nền tảng niềm tin và sự lạc quan cần thiết để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh".

Tổng giám đốc May 10 Thân Đức Việt

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.