Gợi ý chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch thứ tư ở Việt Nam

CHÍNH SÁCH Việt nAM
19:24 - 30/09/2021
Gợi ý chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Gợi ý chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
0:00 / 0:00
0:00
Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, các doanh nghiệp (DN). Do vậy, cần có các chính sách can thiệp của Nhà nước để cứu các DN.

Các doanh nghiệp "lao đao" vì dịch bệnh

Làn sóng thứ tư của dịch bệnh COVID-19 khiến các DN khỏe và trung bình đều bị tác động tiêu cực nặng nề, dẫn đến đóng cửa, dừng hoạt động hoặc phá sản.

Trong các ngành bị ảnh hưởng, lĩnh vực dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh, tăng trưởng thấp.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản chịu ảnh hưởng mạnh ở phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Hoạt động tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thủy sản tươi/đông lạnh và có tính thời vụ cao bị ảnh hưởng lớn; có tình trạng giá nông sản giảm tại chỗ, ứ hàng cục bộ nhưng giá bán nông sản tới người tiêu dùng trong nước không giảm.

Một số ngành, lĩnh vực khác chịu ảnh hưởng lớn thời kỳ đầu bùng phát dịch bệnh bao gồm dệt may và sản xuất da, các sản phẩm từ da, điện tử tiêu dùng, sản xuất, lắp ráp ô tô...

Thực tế đó đang đòi hỏi các cơ chế, chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, nhất là trong những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Các quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?

Bài học từ Trung Quốc và Nhật Bản

Trung Quốc đã bơm tiền vào hệ thống ngân hàng để gia tăng thanh khoản thông qua cơ chế thị trường mở; mở rộng các cơ chế cho vay lại hoặc tái chiết khấu khoản vay, cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các DN sản xuất thiết bị y tế và đồ dùng thiết yếu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), DN siêu nhỏ và DN trong khu vực nông nghiệp; mở rộng nguồn cung tín dụng của ngân hàng để hỗ trợ DN tư nhân và DNNVV; Ban hành các công cụ mới để hỗ trợ DN vay vốn, bao gồm cả chương trình lãi suất không đồng (chính phủ cấp tiền cho ngân hàng để ngân hàng cho DN vay lại)…

Du lịch Thái Lan có thể ở mức thấp kỷ lục trong năm 2021. (Nguồn: AFP)
Du lịch Thái Lan có thể ở mức thấp kỷ lục trong năm 2021. (Nguồn: AFP)

Trung Quốc còn nới lỏng những quy định về điều kiện tài chính cho vay đối với các DN, hộ gia đình và khu vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch và gặp khó khăn trong việc trả nợ; Nới lỏng các điều kiện cho vay ràng buộc với hình thức vay trực tuyến và mở rộng hỗ trợ tín dụng cho nhóm DNNVV và hộ gia đình đủ điều kiện; tạm hoãn các khoản nợ xấu và cắt giảm các điều kiện quy định nợ xấu…

Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã trực tiếp hỗ trợ DN, đặc biệt là nhóm DNNVV với các khoản vay không lãi suất và không cần tài sản đảm bảo, giảm bớt các điều kiện ràng buộc, và yêu cầu ngân hàng cho phép DN giãn nợ trong một số trường hợp.

Về hỗ trợ ngành du lịch, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp như đặt lịch hẹn, chuyển tải cao điểm, hạn chế luồng đi lại và tổ chức có trật tự hơn, ban hành các hướng dẫn phòng chống dịch bệnh và các tiêu chuẩn sức khỏe cộng đồng chi tiết dành cho lĩnh vực du lịch và lữ hành.

Chính phủ Nhật Bản phản ứng khá nhanh với các diễn biến phức tạp của tình hình đại dịch COVID-19. Đối với ngành du lịch, để kích thích du lịch trong nước sau khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, chính phủ và địa phương đã thực hiện một số trợ cấp du lịch. Tháng 07/2020, Chính phủ Nhật Bản đã phát động chiến dịch “Go To Travel” với ngân sách lên tới 1,7 nghìn tỷ Yên (15.490 tỷ USD).

Kinh nghiệm của Thái Lan

Chính phủ Thái Lan hiện đang có xu hướng tập trung hỗ trợ cho ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú và du lịch khách sạn để duy trì chuỗi cung ứng trong nước – vốn là một trong những ngành kinh tế quan trọng của nước này.

Triển khai hàng loạt các biện pháp hỗ trợ DN, đặc biệt là nhóm DN vừa và nhỏ, đồng thời các chính sách cũng bám sát các giai đoạn và diễn biến của dịch bệnh trong năm 2020, bao gồm:

- Các gói kích thích ngắn hạn bao gồm hỗ trợ tài chính gián tiếp và hỗ trợ trực tiếp.

- Các biện pháp hỗ trợ trung hạn bao gồm các khoản vay ưu đãi, các khoản khấu trừ thuế, tiền thuê nhà và các khoản thanh toán khác…

- Các biện pháp dài hạn như các chương trình nâng cao năng lực, các biện pháp thị trường.

Một số giải pháp chính sách chủ yếu

1. Hỗ trợ sản xuất kinh doanh

+ Hỗ trợ miễn, giảm thuế: Giảm mạnh thuế thu nhập DN cho các DN có doanh thu dưới ngưỡng tối thiểu, giảm thuế giá trị gia tăng ở một số lĩnh vực, ngành hàng.

+ Ưu đãi về tín dụng ngân hàng: Tiếp tục giảm lãi suất, lãi vay từ phía các ngân hàng thương mại để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của DN; xem xét cấp tín dụng mới với lãi suất ưu đãi và bằng hình thức tín chấp hoặc thế chấp bằng hàng hóa.

+ Cho phép các DN khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, dãn, hoãn nợ, hoãn các nghĩa vụ đóng góp về bảo hiểm, công đoàn và các nghĩa vụ khác.

+ Hỗ trợ đầu tư tư nhân, nhất là DNNVV, theo hướng áp dụng công nghệ nhiều hơn, tăng cường chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

+ Tiếp tục tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh để thu hút các DN FDI theo hướng chọn lọc, hướng tới những dự án có tính lan tỏa lớn (liên kết ngành) cho các DN trong nước (nhất là công nghiệp hỗ trợ), đi liền chuyển giao công nghệ phù hợp và khuyến khích FDI kéo DN trong nước tham gia và/hoặc tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

+ Thúc đẩy các DN xuất khẩu thông qua việc tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến xuất nhập khẩu theo hướng thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, bổ sung các quy định phù hợp với tình hình mới, thúc đẩy thương mại điện tử, đảm bảo tính an toàn, an ninh tiền tệ/số liệu, phát huy tối đa vai trò của công nghệ số trong thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ và sự đi lại, qua đó giúp thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu, nhất là xuất khẩu các loại nông thủy sản có tính thời vụ.

+ Rà soát để có chính sách hỗ trợ cho các DN trong lĩnh vực dịch vụ du lịch khi mở cửa có kiểm soát, cho phép DN cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, miễn, giảm thuế mạnh mẽ cho các DN lữ hành, các nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển kinh doanh dịch vụ lữ hành.

+ Tạo điều kiện và phục hồi lưu thông hàng hoá thông suốt, khắc phục sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, tháo gỡ khó khăn về lao động và chuyên gia.

+ Theo lộ trình hỗ trợ DN, liên tục đối thoại với DN (kể cả DN trong và ngoài nước) để nắm bắt và hỗ trợ kịp thời các DN trong những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát và điều chỉnh các chính sách chưa hợp lý, khó đi vào cuộc sống, để tăng cường hỗ trợ DN trong đại dịch.

2. Tận dụng đại dịch COVID-19 để đẩy nhanh phát triển kinh tế số và chuyển đổi số

+ Tác động tích cực của bệnh dịch là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Do vậy, cần tận dụng và thúc đẩy quá trình này. Cần nghiên cứu xây dựng, thực hiện nhóm giải pháp cụ thể khuyến khích và hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, trong đó có thương mại điện tử.

+ Rà soát khung pháp lý, chính sách hiện hành có liên quan đến chuyển đổi số và các định hướng trong Chiến lược chuyển đổi số và Chính phủ điện tử, xác định những bất hợp lý trên các phương diện khác nhau để có thể hoàn thiện khung pháp lý và chính sách liên quan đến chuyển đổi số.

+ Tăng cường sử dụng công nghệ số qua việc đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng số và tăng cường cung cấp các dịch vụ qua công nghệ số đến tới người dân và DN.

+ Xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến quá trình chuyển đổi kinh tế truyền thống sang kinh tế số, nhất là trong công nhận, kiểm chứng các vấn đề khác nhau (ví dụ, tính chính danh cho việc nhận hỗ trợ đối với lao động chính thức trong lĩnh vực kinh tế truyền thống và trong kinh tế số; hoặc vấn đề hóa đơn điện tử).

+ Để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển thương mại số, cần tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin và thuê ngoài quy trình kinh doanh. Tăng cường khả năng kết nối thông qua việc đầu tư của Nhà nước để mở rộng cơ sở hạ tầng mạng, từ đó khuyến khích đầu tư tư nhân, thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo.

+ Xây dựng các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số ở các lĩnh vực truyền thống cho các DN nhỏ và vừa giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số ở Việt Nam.

+ Chú trọng nâng cao trình độ và kỹ năng số cho DN và người dân, hỗ trợ người lao động, nhất là người yếu thế từng bước thích ứng với công nghệ số. Việt Nam cần tham gia tích cực hơn sáng kiến quản lý dữ liệu trong Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025 nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với các yêu cầu về quy định dữ liệu trong ASEAN, đồng thời xác định các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy hiệu quả và điều phối.

Giải pháp trọng tâm, trước mắt để hỗ trợ DN

- Cần ban hành gói hỗ trợ mới cho DN: Dựa trên kinh nghiệm và xu hướng của các quốc gia trên thế giới và nhu cầu thực tế của DN, để gói kích thích ban hành “vừa đủ liều lượng, vừa đúng và trúng đối tượng” để thực thi nhanh vào cuộc sống. Gói kích thích nhằm hỗ trợ DN kịp thời, bao gồm: Gia hạn nợ, khoanh nợ cho các DN, nhất là các DN trong khu vực dịch vụ; Thực hiện miễn, giảm thuế, lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dịch bệnh, miễn, giảm các nghĩa vụ đóng góp, chú ý đến khoanh nợ cho các DN bị tác động nặng nề; (Có thể xem xét một số chính sách cụ thể như: Giảm 100% thuế thu nhập DN năm 2021 cho các DN có doanh thu năm 2021 dưới 200 tỷ; Giảm 50% thuế thu nhập DN năm 2022 cho các DN có doanh thu năm 2021 dưới 200 tỷ; Miễn tiền phạt chậm nộp thuế năm 2021 cho các DN có doanh thu năm 2021 dưới 200 tỷ; Gia hạn nộp thuế đất, tiền thuê đất…)

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM quý III/2021, quý giãn cách xã hội lâu nhất, ước đạt 104.689 tỷ đồng, giảm 58,3% so với quý trước và giảm 60,6% so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh: T.THANH

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM quý III/2021,
quý giãn cách xã hội lâu nhất, ước đạt 104.689 tỷ đồng, giảm 58,3% so với quý trước
và giảm 60,6% so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh: T.THANH

- Tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển: Cần đẩy mạnh thực hiện đầy đủ các giải pháp cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; chú trọng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm chi phí và giá thành vận chuyển nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn về chi phí logistics và tình trạng thiếu công-ten-nơ; tiếp tục cắt giảm các loại phí, chi phí đối với các hoạt động phục vụ xuất nhập khẩu.

- Khẩn trương xây dựng chính sách mở cửa cho thị trường du lịch quốc tế: Hiện nay, nhiều nước trên thế giới áp dụng và triển khai mạnh mẽ chính sách “Hộ chiếu vaccine” cấp cho những người đã được tiêm phòng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 để nhanh chóng thí điểm phục hồi các hoạt động du lịch và giao thương quốc tế ở các trung tâm du lịch đủ điều kiện về phòng chống dịch: Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An...

Theo đó, những du khách này được tự do đi lại. Trong số các quốc gia đi đầu áp dụng tự do đi lại đối với du khách mang hộ chiếu vaccine, Tây Ban Nha. Một số nước và vùng lãnh thổ gần như đã đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng, điển hình nhất là Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Seychelles, U.E.A, Qatar, Maldives… còn triển khai áp dụng ngay cơ chế này không giới hạn trong hoạt động giao thương quốc tế.

Ở các nước như Thái Lan khôi phục các hoạt động du lịch quốc tế tại đảo Phuket và một số điểm du lịch khác; Trung Quốc cũng đã cấp và chấp nhận xác nhận y tế như là điều kiện cho các hoạt tự do trong nước và giao thương quốc tế; Singapore áp dụng mô hình giải pháp “Bong bóng du lịch” và thoả thuận “Làn xanh đối ứng”.

Việt Nam nhanh chóng chuẩn bị sẵn sàng áp dụng chế độ chứng nhận miễn dịch y tế để đón tiếp, phục vụ các đối tượng đã tiêm chủng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 đảm bảo an toàn cho các hoạt động giao thương quốc tế như du lịch, hàng không, thương mại, ngoại giao, giáo dục, xuất khẩu lao động…;

- Bảo toàn hoạt động của các khu công nghiệp: Cần coi các khu công nghiệp là các thành trì cần được bảo vệ và duy trì sản xuất, ngăn chặn để đảm bảo dịch không xâm nhập và lây lan tại các khu công nghiệp và một vài trọng điểm kinh tế.

- Đẩy mạnh chuyển đổi số: Ngoài ra, dịch bệnh là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, qua đó nâng cao năng suất lao động và bao trùm lên tất cả lĩnh vực như thanh toán di động (mobile money). Ngoài ra nên được đẩy nhanh ở các lĩnh vực sát sườn với người dân như các ứng dụng chăm sóc sức khỏe - y tế, các ứng dụng giáo dục./.

(Theo chuyên gia kinh tế

PGS.TS.Bùi Quang Tuấn,

Viện Kinh tế Việt Nam

Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam)

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.