GSO cập nhật số liệu: 10 tháng 2021, Việt Nam xuất siêu 160 triệu USD

Thương Mại Việt nAM
16:57 - 07/11/2021
GSO cập nhật số liệu: 10 tháng 2021, Việt Nam xuất siêu 160 triệu USD
0:00 / 0:00
0:00
Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu cập nhật tình hình kinh tế - xã hội tính đến hết tháng 10 năm 2021, cho thấy cán cân thương mại thặng dư 160 triệu USD.

Kim ngạch thương mại tháng 10: xuất siêu 2,85 tỷ USD

Theo Tổng cục Thống kê (GSO), kim ngạch thương mại tháng 10 ghi nhận nhiều khởi sắc trong bối cảnh dịch Covid-19 dần được kiểm soát mặc dù vẫn xuất hiện ca mắc mới tại nhiều địa phương, tiến độ tiêm vaccine đạt kết quả khả quan và Nghị quyết số 128 của Chính phủ được ban hành kịp thời đảm bảo việc tiếp tục thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”.

GSO trích dẫn số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan tính đến ngày 31/10/2021 cho thấy kim ngạch xuất khẩu thực hiện tháng 10/2021 đạt 28,75 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu thực hiện tháng 10 đạt 25,9 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại tháng 10 ghi nhận xuất siêu 2,85 tỷ USD.

Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 269,58 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 269,42 tỷ USD, tăng 28,2%. Hết 10 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại Việt Nam ghi nhận xuất siêu 160 triệu USD.

Như vậy, đây là tháng thứ 2 liên tiếp Việt Nam ghi nhận xuất siêu. Trước đó, tháng 9/2021 là tháng đầu tiên đánh dấu cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam xuất siêu trở lại 500 triệu USD (kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, nhập khẩu đạt 26,5 tỷ USD) sau chuỗi nhập siêu kéo dài 5 tháng, từ tháng 4 đến tháng 8. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn nhập siêu với cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 2,13 tỷ USD.

Một trong những yếu tố thúc đẩy xuất siêu là do nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng lên khi các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Trung Quốc...chứng kiến sự phục hồi từ đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, việc các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt các hiệp định lớn như CPTPP, EVFTA đi vào thực hiện ở những năm đầu tiên với mức độ cắt giảm thuế quan lớn cũng góp phần thúc đẩy phục hồi sản xuất và xuất khẩu.

Một yếu tố khác đến từ chu kỳ sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp thường ký kết hợp đồng vào cuối năm trước hoặc đầu năm mới, do vậy thời điểm quý I, quý II hàng năm là thời gian tăng nhập nguyên liệu, quý III và quý IV là thời gian tập trung sản xuất. Kim ngạch nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất do đó thường tăng vọt trong những tháng đầu và giữa năm rồi giảm dần về cuối năm khi doanh nghiệp tập trung sản xuất để hoàn thành các đơn hàng phục vụ mùa mua sắm cuối năm. Việc cán cân thương mại cả năm chuyển sang xuất siêu trong tháng 10 là một phần trong quy luật này.

Trước đó, công bố báo cáo kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ. Có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63%).

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2021 ước tính đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo công bố của GSO ở thời điểm đó, tính chung 10 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,45 tỷ USD, trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,73 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,28 tỷ USD.

Theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan đến ngày 31/10/2021, xuất khẩu thực hiện tháng 10 đạt 28,75 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; 10 tháng năm 2021 đạt 269,58 tỷ USD, tăng 17,3%.
Nhập khẩu thực hiện tháng 10 đạt 25,9 tỷ USD, tăng 6,9%; 10 tháng năm 2021 đạt 269,42 tỷ USD, tăng 28,2%. Cán cân thương mại tháng 10 xuất siêu 2,85 tỷ USD, tính chung 10 tháng năm 2021 xuất siêu 160 triệu USD.

Kỳ vọng các FTA thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu

Tính đến hết tháng 10/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 539 tỷ USD, Bộ Công Thương kỳ vọng con số này sẽ vượt 600 tỷ USD vào cuối năm nay, qua đó đưa kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Cập nhật tình hình xuất nhập khẩu 10 tháng của Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam xuất siêu 160 triệu USD
Cập nhật tình hình xuất nhập khẩu 10 tháng của Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam xuất siêu 160 triệu USD

Trước đó, trong cuộc họp báo định kỳ hồi cuối tháng 9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay tăng khoảng 10%, tức gấp đôi mục tiêu ban đầu 4-5% mà Chính phủ đưa ra. Giả định từ nay đến cuối năm dịch bệnh nhìn chung vẫn được kiểm soát và không có đợt bùng phát Covid-19 lớn nào, Bộ Công Thương kỳ vọng các doanh nghiệp tiếp tục đẩy nhanh sự phục hồi sản xuất, cân bằng tài khoản thương mại.

Bộ Công Thương hiện đang tiếp tục đưa ra các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thúc đẩy xuất khẩu, duy trì “vị thế” xuất siêu. Ông Đỗ Thắng Hải nhận định việc tận dụng, khai thác hiệu quả các FTA mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là các hiệp định quan trọng đã và sắp có hiệu lực như CPTPP, EVFTA và RCEP sẽ là giải pháp then chốt để nâng cao kim ngạch xuất khẩu nói riêng và thương mại nói chung.

Một báo cáo do TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2021 chủ đề "Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững" hôm 05/11 chỉ ra rằng các FTA có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch thương mại quốc gia.

Cụ thể, hiệp định EVFTA ước tính có khả năng thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu Việt Nam tăng từ 0,66%-1,14%/năm trong ngắn hạn, giai đoạn 2019-2021; 3,15%-5,13%/năm trong giai đoạn 2022-2024. Về phía hiệp định CPTPP, TS. Thắng cho biết mặc dù tác động qua thuế quan không nhiều nhưng tác động cải cách thể chế là rất lớn, về dài hạn cũng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nói riêng và tăng trưởng GDP nói chung.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.