Hà Nam kêu gọi đầu tư loạt dự án hơn 46.000 tỷ đồng

Hà Nam DỰ ÁN
20:53 - 28/06/2023
Một góc thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Phong Phan
Một góc thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Phong Phan
0:00 / 0:00
0:00
Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hà Nam đang tích cực kêu gọi đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh với khát vọng “thay da đổi thịt”, hướng đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam vừa công bố biên bản mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới kết hợp chỉnh trang khu dân cư thuộc phường Yên Bắc, phường Tiên Nội, thị xã Duy Tiên, ghi nhận nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án là công ty TNHH Đầu tư xây dựng Vinh Phát.

Dự án có diện tích 35,87 ha, tổng vốn đầu tư 993 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện là 895 tỷ đồng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 98 tỷ đồng.

Quy mô đầu tư của dự án gồm công trình hạ tầng kỹ thuật, văn hóa - thể dục thể thao; thương mại dịch vụ; nghĩa trang, đơn vị ở... Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022-2026.

Đây chỉ là một trong số các dự án mà tỉnh Hà Nam kêu gọi đầu tư trong nửa đầu năm 2023.

Trong vòng 6 tháng trở lại đây Hà Nam là một trong những địa phương tích cực kêu gọi đầu tư vào các dự án bất động sản nhất cả nước. Theo thống kê của Mekong ASEAN, từ tháng 1/2023 đến nay, tỉnh đã kêu gọi tổng cộng 16 dự án (bao gồm cả những dự án đã được gia hạn) với tổng diện tích 1.112 ha, tổng vốn đầu tư 46.413 tỷ đồng.

Danh mục các dự án tỉnh Hà Nam kêu gọi đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2023.
Danh mục các dự án tỉnh Hà Nam kêu gọi đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2023.

Phần lớn các dự án được Hà Nam kêu gọi đã có nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ đăng ký thực hiện. Đơn cử như dự án Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang có diện tích khoảng 176 ha, tổng vốn đầu tư 10.247 tỷ đồng được đăng ký thực hiện bởi liên danh CTCP Mặt trời Thanh Hóa và CTCP TNHH Đầu tư Tây Bắc, đây là 2 thành viên của Tập đoàn Sun Group.

Trước đó vào đầu năm 2023, một thành viên khác của Sun Group là CTCP Mặt trời Hà Nam cũng đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị thời đại và đổi mới sáng tạo tại thành phố Phủ Lý. Dự án có diện tích gần 203 ha, tổng mức đầu tư 9.626 tỷ đồng.

Là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, cách trung tâm TP Hà Nội chưa đến 60km, lại tiếp giáp với 5 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam trở thành tỉnh có vị trí chiến lược đối với khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh được đầu tư đồng bộ cả đường bộ, đường sắt và đường thủy. Hà Nam nằm trên trục giao thông xuyên Bắc – Nam có quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam chạy qua với chiều dài gần 50km cùng các tuyến đường giao thông quan trọng khác như quốc lộ 21, quốc lộ 21B, quốc lộ 38, cao tốc Hà Nội-Ninh Bình.

Trong tương lai, tuyến đường vành đai 5 được xây dựng sẽ mở rộng không gian kết nối Hà Nam với 7 tỉnh lân cận gồm Hà Nội, Hoà Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Bình, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên, gia tăng liên kết vùng.

Hà Nam đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035

Với vị trí chiến lược của mình, Hà Nam xác định Quy hoạch tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng, là căn cứ xác định chính sách và kiến tạo động lực phát triển. Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào tháng 4/2023, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam xác định mục tiêu quy hoạch tỉnh Hà Nam tới năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương và phấn đấu đến năm 2035, tỉnh Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Định hướng phát triển đô thị đến năm 2030, tỉnh Hà Nam có 9 đô thị, trong đó thành phố Phủ Lý phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I; thị xã Duy Tiên là đô thị loại III tiến tới thành lập thành phố Duy Tiên; huyện Kim Bảng là thị xã, cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III.

Xây dựng 3 đô thị đô thị loại IV gồm đô thị Thanh Liêm, Lý Nhân, thị trấn Bình Mỹ; thành lập các thị trấn mới trên địa bàn các xã đã được công nhận đô thị loại V thuộc huyện Bình Lục (An Lão, Tiêu Động, Tràng An).

Tỉnh cũng đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lập quy hoạch, trong đó, tỉnh sẽ tập trung mở rộng quỹ đất, thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu logistics và khu công nghệ cao.

Theo danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, ban hành kèm theo Quyết định số 1708 QĐ-UBND, Hà Nam sẽ kêu gọi đầu tư vào 231 dự án thương mại dịch vụ, đô thị.

Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án Khu đô thị kết hợp thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tại thành phố Phủ Lý và thị xã Duy Tiên với tổng diện tích 522 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 12.006 tỷ đồng và Khu đô thị thuộc Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực phía Đông Bắc nút giao Phú Thứ, thành phố Phủ Lý và thị xã Duy Tiên với tổng diện tích 640 ha, tổng mức đầu tư 14.720 tỷ đồng.

Ngoài những dự án thương mại, dịch vụ, tỉnh cũng lên kế hoạch thu hút đầu tư cho 13 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích hơn 60 ha.

Ở lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, danh mục thu hút đầu tư có 10 dự án với tổng diện tích 1.900 ha, tổng vốn đầu tư 23.740 tỷ đồng. Trong đó, dự án có diện tích và tổng vốn đầu tư lớn nhất là Khu công nghệ cao Hà Nam tại huyện Lý Nhân với diện tích 663 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 6.030 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.